Hai dự án đường sắt đô thị bị kiến nghị xử lý tài chính 5.600 tỷ

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Ảnh Như Ý
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Ảnh Như Ý
TPO - Kiểm toán Nhà nước phát hiện một số dự án có sai sót lớn, như dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông kiến nghị xử lý tài chính 2.814 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP HCM tuyến Bến Thành – Suối Tiên kiến nghị xử lý tài chính 2.898 tỷ đồng.

Lĩnh vực BT thất thoát lớn nhất

Ngày 12/2, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến thăm và làm việc với Kiểm toán Nhà nước. Tại buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành cho biết, năm 2018, tổng hợp kết quả xử lý tài chính là 89,6 nghìn tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước hơn 44,4 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay và tăng 18,39% so với năm 2017.

Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý trách nhiệm với hàng nghìn tập thể, cá nhân đối với những tồn tại, sai phạm phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán, trong đó năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan cảnh sát điều tra. Ngoài ra, cơ quan kiểm toán đã cung cấp 146 báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương…

Đáng lưu ý, về kiểm toán công tác quản lý thu, chống thất thu thuế năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị truy thu về cho ngân sách hơn 20,5 nghìn tỷ đồng, trong đó qua đối chiếu thuế 2.875 doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong năm 2018, Kiểm toán Nhà nước xác định nộp ngân sách tăng thêm 1.684 tỷ đồng, chiếm 90,2% số doanh nghiệp đối chiếu.

Trong quản lý, sử dụng vốn ODA giai đoạn 2015 – 2017, qua kiểm toán tổng hợp tại các bộ, ngành và 26 cuộc kiểm toán liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn ODA, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 21 nghìn tỷ đồng. Một số dự án được kiểm toán chi tiết cho thấy công tác thẩm định, phê duyệt dự án thiếu chặt chẽ, quá trình thực hiện phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư khá phổ biến.

Cá biệt, có một số dự án có sai sót lớn, như dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông kiến nghị xử lý tài chính 2.814 tỷ đồng, bằng 23,6% giá trị được kiểm toán; dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP HCM tuyến Bến Thành – Suối Tiên kiến nghị xử lý tài chính 2.898 tỷ đồng, bằng 11,4% giá trị được kiểm toán.

Cũng trong năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán 5 dự án BT, 8 dự án BOT và kiến nghị xử lý tài chính gần 4 nghìn tỷ đồng, trong đó có dự án sai phạm 27% tổng mức đầu tư dự án, đồng thời kiến nghị sửa đổi, thay thế nghị định về BT chống thất thoát. Đây được xem là lĩnh vực thất thoát lớn nhất hiện nay.

Cũng theo cơ quan kiểm toán, trong những năm qua, kết quả kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính trong lĩnh vực đất đai thường chiếm khoảng 30% trong kiến nghị tăng thu ngân sách hàng năm.

Về nhiệm vụ trong năm 2019, Kiểm toán Nhà nước sẽ tổ chức thực hiện 190 cuộc kiểm toán; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho tổ chức và hoạt động kiểm toán; kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng…

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2018; chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với Kiểm toán Nhà nước trong quá trình xây dựng Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi.

Nâng tầm kết luận kiểm toán

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian qua của Kiểm toán Nhà nước, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, những kết quả trên đã góp phần phát triển kinh tế xã hội, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của nhà nước và góp phần tích cực vào việc phòng ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm.

Phó Thủ tướng đề nghị trong năm 2019, Kiểm toán Nhà nước cần khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan, sớm trình cấp có thẩm quyền về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015; chú trọng việc sửa đổi, bổ sung các quy trình, phương pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian kiểm toán gắn với công tác cải cách thủ tục hành chính.

Cùng với đó, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước phải luôn theo sát và phục vụ quá trình quản lý, điều hành của Chính phủ; nâng tầm các kết luận, kiến nghị thực sự có chất lượng tương xứng với địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Đồng thời, xây dựng được đội ngũ công chức đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp công minh, chính trực, nghệ tinh, tâm sáng; biết trân trọng và lắng nghe phản hồi từ đối tượng kiểm toán, các cơ quan quản lý để kết luận kiểm toán là chuẩn mực, khách quan, đúng pháp luật và hoạt động kiểm toán ngày càng hoàn thiện.

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cam kết cùng với toàn thể cán bộ, công chức và người lao động của KTNN đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao năm 2019.

MỚI - NÓNG