Hãi hùng xe khách sau Tết

Hãi hùng xe khách sau Tết
TP - Hai ngày cuối tuần, hành khách, phần lớn là công nhân và học sinh, sinh viên ồ ạt đổ về thành phố lớn. Với nhiều hành khách, hành trình vào Nam năm nay trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng.

>> Hết Tết, Hà Nội lại ùn tắc !

Hãi hùng xe khách sau Tết ảnh 1
Nhiều hành khách không có chỗ ngồi, đến chỗ đứng cũng phải chen chúc (ảnh chụp tại ngã ba Pháp Vân, Hà Nội sáng 8 Tết) - Ảnh: Đình Thắng

Hà Nội: Được nhồi là còn may

Chiều 21-2, dòng phương tiện dồn dập đổ về Hà Nội. Các xe chở khách thi nhau nhồi nhét người vô tội vạ. "Khủng khiếp và nhẫn nhục" là từ mà PV Tiền Phong được nghe nhiều nhất từ những người trong cuộc của cảnh tượng trên.

Tại đầu đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (đoạn phía Hà Nội, gần Bến xe Nước Ngầm), xe khách biển số 38N-1832 chạy tuyến Hà Tĩnh - Hà Nội bị dừng để kiểm tra. Xe chỉ 29 chỗ nhưng trên xe có gần 40 người.

Mức xử phạt, theo trung tá Lê Văn Hoan, Tổ trưởng Tuần tra thuộc đội CSGT số 4: "Ngoài 200.000 đồng tiền phạt vi phạm quá số người theo quy định, cứ mỗi người nhà xe nhồi thêm sẽ bị phạt 200.000 đồng/người".

Đầu giờ chiều, chủ yếu xe khách chạy tuyến ngắn như Nam Định/Thái Bình - Hà Nội hoạt động. Xe khách Chi Đào biển số 17K-7486 thuộc Xí nghiệp Vận tải Tiến Bộ (Thái Bình) chở người chật như nêm chạy tuyến Thái Bình -Mỹ Đình (Hà Nội) có lẽ quan sát thấy chốt trực CSGT nên đã kéo rèm che khách trong xe nhưng vẫn bị tuýt còi.

CSGT đếm nhanh cũng quá hơn 10 người so với quy định. Gương mặt những hành khách nhàu nhĩ chịu đựng sự chen cứng. Nhiều hành khách phải khổ sở đứng giữa hai hàng ghế xe và ngay cửa lên xuống.

CSGT vừa xử lý xe vi phạm chở quá số người, vừa phải điều tiết nút giao thông khi lượng người dồn dập đổ về Hà Nội.

Một chiếc xe khách Vạn Lộc biển số 18N-6038 (chạy tuyến Nam Định - Hà Nội) vụt qua, hành khách đứng ngồi lố nhố. Thượng uý Hoàng Minh (Đội CSGT số 4) ra hiệu dừng nhưng xe vẫn lao tới.

Tài xế lao khỏi xe và hung hăng văng tục thách thức "Có giỏi dừng hết các xe khách khác đi". Trước sự cương quyết của thượng uý Minh, tài xế kia đành phải lái xe tấp vào lề đường và sau đó tự khai nhận chở quá 20 người.

Trên thực tế do bận điều tiết giao thông nên khi CSGT quay lại thực thi nhiệm vụ, nhiều hành khách đã kịp xuống xe nên số lượng khách quá quy định không còn chính xác nữa.

Một số hành khách đi trên xe nhồi nhét cho biết, đa số đều nói là vẫy xe dọc đường hoặc biết đông nhưng nhẫn nhịn để đi cho xong chuyện. Nhiều xe tuyến huyện, tuyến xã thậm chí hành khách không còn sự lựa chọn nào khác. Lên được xe (dù bị nhồi nhét cực khổ) cũng là điều may mắn trong những ngày cao điểm sau Tết Nguyên đán.

Trung tá Hoan nói: "Phạt không xuể". Giao thông tại cửa ngõ Thủ đô này ngày một đông đúc và tất nhiên từng đoàn xe khách nhồi nhét người vẫn vùn vụt lao qua. Chỉ cần lực lượng CSGT vẫy một xe nào dừng lại cũng có thể khiến gây tắc đường.

Nhiều hành khách phản ánh, có nhiều xe giường nằm chạy tuyến Hà Tĩnh -Hà Nội nhồi mỗi giường 3 - 4 người (quy định mỗi người 1 giường) trong khi giá vé lại cắt cổ. Không ít xe khách cao cấp khác cũng biến thành xe , nhồi nhét và bắt khách vô tội vạ.

Đồng Nai: Vào đến nơi mới biết thoát chết

Trong hai ngày 7 và 8 Tết, lượng công nhân về quê ăn Tết trở vào Nam bắt đầu dồn dập.

Trải qua gần 2 ngày đi xe đò từ Nam Định, chiều mùng 8 Tết  vào đến Đồng Nai, chị Nguyễn Thị Na xuống xe tại ngã tư Amata (TP Biên Hòa). Ngồi bệt xuống đất, nói tiếng được, tiếng mất: "Vào đến nơi mới biết mình còn may mắn, khủng khiếp quá, xe chạy tốc độ nhanh đến chóng mặt".

Chuyến xe chị Na đi có 52 ghế nhưng ngay từ điểm xuất phát, nhà xe đã kê thêm chục ghế xúp nhỏ cho khách ngồi. Chị Na kể: "Nhà xe cam kết chở đúng ghế, xe máy lạnh và thu mỗi khách vào Nam đến một triệu đồng, nhưng chuyến xe chở dư đến 10 khách, còn cửa sổ xe phải mở để lấy gió trời".

Lên xe từ Thái Bình vào tới Đồng Nai vào sáng 8 Tết, anh Nguyễn Thành Lộc và ba người bạn cùng quê xuống xe tại khu vực công viên Long Bình (TP Biên Hòa), mặt mũi đen nhẻm vì khói bụi.

Anh Lộc kể: "Toàn bộ khách đi xe đều ở cùng quê hợp đồng nguyên chuyến vào Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM. Mỗi người phải trả một triệu đồng. Chủ xe nói lấy cao thêm một chút chứ không bắt khách dọc đường. Vậy mà đến Ninh Bình, nhà xe còn vớt thêm 12 người khách với giá 1,2 triệu đồng/người".

Vào đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình mới thấy người đón xe vật vạ đầy ngoài đường. Anh Hà Ngọc Sơn ở Nghệ An đón xe với giá 800.000 đồng nhưng chỉ được ngồi ghế nhựa. Anh Sơn kể vào đến nơi gọi điện ra mới biết nhóm bạn ở Hà Tĩnh làm cùng công ty đến sáng mùng 8 Tết vẫn chưa đón được xe vào.

Theo kế hoạch của Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, trước và sau Tết, CSGT và Thanh tra giao thông của tỉnh sẽ kiên quyết xử lý buộc hạ tải đối với những xe chở quá số lượng khách quy định qua địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Từ ngày 17 đến ngày 23-2 là cao điểm kiểm tra xe khách từ miền Trung và miền Bắc qua địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ông Huỳnh Tiến Mạnh, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, năm nay lực lượng làm nhiệm vụ chưa phát hiện tình trạng xe đò qua địa bàn tỉnh nhồi nhét khách (?!).

Huế: Tràn ra đường vẫy xe

Hãi hùng xe khách sau Tết ảnh 2
Người dân tràn ra đường vẫy xe ở Huế - Ảnh: Ngọc Văn

Hôm qua, mùng 8 Tết Canh Dần, đúng ngày chẵn, thời điểm hàng nghìn lao động, sinh viên quay lại nơi làm việc và học tập, các khu vực bến xe đi vào Nam tại TT- Huế chật kín hành khách.

Tuy nhiên, do ngại mua vé đi xe, hàng trăm hành khách đã tràn ra đường phố ngay trước bến để đón xe, gây nên tình trạng lộn xộn và ách tắc giao thông cục bộ.

Theo giải thích của nhiều hành khách, họ không muốn mua vé đi xe tại bến do tâm lý ngại chen lấn, chờ đợi như mọi năm; mặt khác, nhiều hành khách chỉ đi 2/3 tuyến, dừng lại dọc đường hoặc ở các tỉnh lẻ phía Nam, không vào thành phố lớn, nên chỉ có thể đón xe trước bến để bớt một phần chi phí đi lại so với mua vé trọn tuyến.

Do rơi vào ngày cao điểm, ngay từ sáng sớm mùng 8 Tết, hàng chục điểm đón xe, bến cóc tự phát đã hình thành từ thành phố Huế ra đến các huyện dọc Quốc lộ 1A như Hương Thủy, Phú Lộc, Hương Trà, Phong Điền.

Dịp này, nhiều ô tô 4 chỗ chạy tuyến ngắn Huế - Đà Nẵng - Hội An, xe tour du lịch cũng tranh thủ dừng đỗ đón khách dọc đường.

Theo ghi nhận của phóng viên, đến chiều tối mùng 8 Tết, vẫn còn hàng trăm hành khách tại TT- Huế chưa thể xuất hành vào Nam, do phần lớn xe khách xuất phát từ các tỉnh phía Bắc vào ngày cao điểm khi qua Huế đã chứa đầy người và hàng hóa. Chỉ một phần nhỏ hành khách đón xe dọc đường được giải phóng bởi các xe khách xuất phát từ Huế.

Đà Nẵng: Khách vào Nam tăng gấp 5 lần

Lượng công nhân trở lại các công ty phía Nam làm việc lớn đã khiến vé tàu xe tại Đà Nẵng trở nên căng thẳng. Ban quản lý bến xe Đà Nẵng cho biết: Lượng xe cập bến và xuất bến vào hôm qua tăng gấp 5 lần và tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Khách chủ yếu là công nhân, học sinh về quê ăn Tết trở lại làm việc, đi học. Các tuyến xe vào Nam của các hãng lớn đã vào đợt cao điểm sau tết, bán hết vé. Trong khi các tuyến xe ra Bắc lại hoàn toàn yên ắng.

Trong khi đó, tại ga tàu Đà Nẵng, lãnh đạo nhà ga cho biết: Hiện vé tàu từ Đà Nẵng đi TPHCM và Hà Nội đến ngày mùng 10 Tết đã bán hết, kể cả vé tàu bổ sung.

Vé tàu vào TPHCM đã bán hết cách đây khoảng 1 tháng và đã bán hết vé đến ngày 24-2. Để giảm áp lực cho hành khách, Ga đã tăng cường thêm 2 chuyến tàu D3 (300 vé) và D5 (600 vé), nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.

Bình Định: Giá vé tăng trên 50%

Những ngày sau Tết, nhu cầu đi lại bằng phương tiện xe khách vào các tỉnh phía Nam của người dân tăng cao, nên các doanh nghiệp vận tải đã đồng loạt tăng giá vé.

Ngày 20-2, tại bến xe khách trung tâm Quy Nhơn giá vé đi TPHCM đối với xe chất lượng cao của HTX vận tải Bình Minh có giá 310.000 đồng/vé, tăng 60% so với thời điểm trước Tết.

Cũng loại xe chất lượng cao, nhưng giá vé đi TPHCM mà DNTN Thanh Phương bán với giá 352.000 đồng/vé; Thuận Thảo bán với giá 300.000 đồng/vé.

Giá vé xe chất lượng cao các tuyến:Quy Nhơn - Kon Tum; Quy Nhơn - Pleiku; Quy Nhơn - Nha Trang; Quy Nhơn - Đà Lạt cũng đều tăng từ 40 -60% so với trước Tết Nguyên đán. 

Hiện giá vé tuyến Diêu Trì - TPHCM tăng từ 10 - 15%, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của hành khách. Đến ngày 20-2, ga Diêu Trì cũng đã hết vé tuyến đường nói trên. 

Sóc Trăng: Vạ vật vài ngày chưa có xe đi

Hãi hùng xe khách sau Tết ảnh 3
Nhiều hành khách vạ vật ở bến xe khách trung tâm Sóc Trăng chờ xe đi - Ảnh: Xuân Lương

Ngày 21-2 (mồng 8 tết), ở TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) khắp nơi khách vạ vật chờ xe. Tại bến xe trung tâm, khoảng 300 khách mua vé từ mấy ngày trước vẫn chưa có xe đi.

Ông Huỳnh Văn Đoàn, Trưởng ban điều hành bến xe, cho biết: "Mấy ngày nay, khách luôn ứ đọng vì xe tắc ở các bến phà, cầu làm dở dọc đường".

Tại bến xe Trà Men, nơi đang sử dụng xe buýt để chở khách đi Cần Thơ, xe liên tục xuất bến mà khách vẫn chen chúc. Do điều xe buýt sang chở khách đường dài nên khách đi xe buýt trong tỉnh lại dồn cục lại rất đông.

Các điểm bán vé của các hãng xe khách như Hoàng Vinh, Hiền Loan, Tấn Tiến Lợi, Thống Nhất… đều có đông người chờ xe đi TPHCM. Bên quốc lộ 1A ở ngọai ô TP Sóc Trăng, các quán cơm, cây xăng đều có người túm tụm chờ đón xe.

6 ngày Tết, 296 người chết

Bộ GTVT cho biết, 6 ngày Tết vừa qua (từ 30 đến mùng 5) tổng số vụ TNGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa là 406 vụ, chết 296 người, 426 người bị thương. Các vụ TNGT gây chết người liên quan đến môtô, xe máy tăng cao.

Nguyên nhân chủ yếu do người điều kiển phương tiện tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm; ngoài ra, tình trạng uống rượu bia điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc giao thông cũng có chiều hướng tăng.

MỚI - NÓNG