Hai kỷ niệm của bà Nguyễn Thị Bình trong đàm phán ký Hiệp định Paris về VN

Hai kỷ niệm của bà Nguyễn Thị Bình trong đàm phán ký Hiệp định Paris về VN
TP - Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ CMLT Nguyễn Thị Bình-người trực tiếp tham gia đàm phán và đại diện cho một trong 4 bên ký kết vào Hiệp định Paris về Việt Nam cho biết bà có hai kỷ niệm sâu sắc về sự kiện này.
Hai kỷ niệm của bà Nguyễn Thị Bình trong đàm phán ký Hiệp định Paris về VN ảnh 1

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ CMLT Nguyễn Thị Bình. Ảnh: Đ.P

Bà Nguyễn Thị Bình đã trả lời câu hỏi của Tiền phong bên lề Hội thảo “35 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam: Ngoại giao Việt Nam từ lịch sử đến hiện tại”, diễn ra sáng 25/1 tại Nhà khách Chính phủ ở Hà Nội.

Trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris, kỷ niệm nào sâu sắc nhất đối với bà?

Có hai sự kiện là kỷ niệm sâu sắc nhất đối với tôi. Đó là khi tôi lần đầu tiên dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ CMLT  xuất hiện ở Hội nghị Paris, chúng tôi được đón tiếp rất đặc biệt, rất lớn gây cho tôi xúc động mạnh.

Phải nói là thế giới họ bất ngờ thấy đại diện của nhân dân miền Nam Việt Nam đang chiến đấu rất ác liệt, giành thắng lợi vang dội lại là một phụ nữ. Điều đó tôi càng thấy trách nhiệm nặng nề của mình trên bàn đàm phán.

Sự kiện thứ hai là kỷ niệm khiến tôi không bao giờ quên đó là khi đặt bút ký vào bản “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Khi đó tôi rất xúc động và nghĩ rằng đây là kết quả của 20 năm chiến đấu của dân tộc ta với những hy sinh rất to lớn mới có được kết quả này.

Ba mươi lăm năm đã trôi qua kể từ khi ký Hiệp định Paris về Việt Nam, nay nghĩ lại quá trình đàm phán đó bà có suy nghĩ gì?

Đã có người hỏi tôi cuộc đàm phán Hiệp định Paris kéo dài vậy có lúc nào thấy chán và bi quan không? Tôi phải nói là có chán vì có thời kỳ hai bên nói với nhau cứ như nói với người  điếc, không ai trả lời ai hết.

Lúc đó tôi rất chán. Tuy đàm phán có lúc rất khó khăn như vậy nhưng chúng tôi không bao giờ bi quan. Tôi chỉ nghĩ rằng chúng ta nhất định sẽ thắng chỉ có điều thắng lúc nào thôi.

Lần đầu tiên gặp ông Trần Văn Lắm, Bộ trưởng Ngoại giao của Chính quyền Sài Gòn tại Hội nghị Paris về Việt Nam, bà có tiếp xúc và trao đổi gì không?

Ông Trần Văn Lắm không dự Hội nghị ở Paris mà ông chỉ đến để ký vào bản Hiệp định tại lễ ký kết. Sau lễ ký, tôi có đến bắt tay ông Trần Văn Lắm. Các đoàn đều tổ chức chiêu đãi, tôi có đến dự cuộc chiêu đãi của đoàn Chính quyền Sài Gòn.

Tôi cảm nhận thấy khi bắt tay mình, họ cũng không vui vẻ gì vì qua ký kết cho thấy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ CMLT ở thế thắng vì vậy họ chỉ bắt tay ngoại giao vậy thôi. Tôi là dân hoạt động ở Sài Gòn nên cũng nói vài câu chuyện không quan trọng về Sài Gòn thôi.

Ông Nguyễn Đình Phương, nay đã 85 tuổi, người chuyên phiên dịch cho Cố vấn Lê Đức Thọ tại các buổi đàm phán bí mật với Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nhớ lại: Sau khi đã ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam, Ngoại trưởng Kissinger hỏi Cố vấn Lê Đức Thọ “Tại sao khi đàm phán với tôi ông cứ hay mắng tôi thế? Khi họp Trung ương Đảng của các ông, ông có hay mắng những người tham dự không?”. Khi đó Cố vấn Lê Đức Thọ đã trả lời: “Không. Vì các ông ấy có tráo trở gì đâu?”.

Lúc vừa ký xong bản Hiệp định, Tiến sĩ Henry Kissinger chủ động đến trao đổi cây bút đã sử dụng để ký với Cố vấn Lê Đức Thọ. Khi đó, Cố vấn Lê Đức Thọ nói đại ý rằng tôi mong ông giữ lời hứa thực hiện Hiệp định Paris như lời hứa trao đổi bút này.

Nguyễn Đại Phượng
Thực hiện

MỚI - NÓNG