Hai người Nigeria đến từ vùng dịch Ebola sắp được xuất viện

Bệnh nhân bị sốt được cách ly khử khuẩn tại sân bay trước khi đưa về BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Ảnh: L.N
Bệnh nhân bị sốt được cách ly khử khuẩn tại sân bay trước khi đưa về BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Ảnh: L.N
TP - Sau một ngày được cách ly theo dõi ở BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, đến chiều 20/8 hai người đàn ông người Nigeria đến từ vùng dịch Ebola đã hết sốt.

“Nếu theo dõi trong vòng 24 tiếng nữa mà hai người này không sốt, sức khỏe ổn định, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Y tế cho họ xuất viện”- TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu- Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết.

Hai người đàn ông 32 và 34 tuổi đến từ Nigeria trên chuyến bay số hiệu QR964 của Hãng hàng không Quatar Airway qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất chiều 19/8 đã hết sốt sau một đêm cách ly.

Hai hành khách này có quốc tịch Nigeria xuất phát từ Nigeria từ ngày 18/8 và ngồi ở hai số ghế là 25B và 26B khi qua máy đo thân nhiệt tại sân bay Tân Sơn Nhất đều sốt cao trên 38 độ C. 

Họ được cách ly khử khuẩn và chuyển về BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM theo dõi. Theo bác sĩ Châu, đến chiều 20/8, sức khỏe của cả hai đã ổn định, không có biểu hiện bất thường, ăn uống khỏe và không còn sốt. 

“Chúng tôi đã làm các xét nghiệm cần thiết đồng thời chụp X-quang phổi cả hai hành khách và đều cho kết quả bình thường”- bác sĩ Châu nói. 

Trong khi đó, theo GS Phan Trọng Lân- Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM để chẩn đoán xác định có nhiễm bệnh Ebola hay không, các chuyên gia của Viện đã đến lấy mẫu máu hai người này để gửi đi phân tích và chưa xác định thời gian cho kết quả. 

Theo bác sĩ Châu, hiện bệnh viện tiếp tục theo dõi và nếu trong vòng 24 giờ tới cả hai không có biểu hiện gì bất thường thì bệnh viện sẽ cho họ xuất viện và tiếp tục theo dõi trong vòng 21 ngày tại nơi họ lưu trú.

TS.BS Lê Mạnh Hùng - Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới, cho biết hai hành khách này không quen biết nhau, đi trên cùng chuyến bay đến Việt Nam để du lịch.

“Người dân không nên hoang mang, lo lắng bởi hệ thống y tế của Việt Nam đã chủ động, kích hoạt, phòng ngừa mọi loại dịch bệnh nguy hiểm bên ngoài xâm nhập vào nước ta một cách chặt chẽ”- bác sĩ Hùng khuyên.

Theo dõi chặt từ cộng đồng

Không chỉ hai hành khách người Nigeria được cách ly theo dõi tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM mà theo bác sĩ Phan Trọng Lân có 20 hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất về từ Nigeria cũng được lên danh sách theo dõi trong vòng 21 ngày ở địa phương. Những hành khách này về từ vùng Nigeria và đã đi qua các nước Hà Lan, Thái Lan và Ghana trước khi về Việt Nam. 

Theo bác sĩ Lân, trong số này có một hành khách bị sốt từ khi ở Nigeria. “6 tiếng trước khi qua máy đo thân nhiệt ở sân bay Tân Sơn Nhất hành khách đã uống thuốc hạ sốt nên máy đo không phát hiện ra”- bác sĩ Lân nói. 

Tuy nhiên, theo tờ khai y tế, người này bị viêm họng nên đã được giữ lại tại sân bay trong 10 tiếng để theo dõi, sau khi hết sốt mới được về và tiếp tục theo dõi thêm 21 ngày tại nơi lưu trú. 

Riêng chuyến bay số hiệu QR964 của Hãng hàng không Quatar Airway, Viện Pasteur TPHCM đã lập danh sách 8 người ngồi cùng đoàn và hành khách ngồi ở các số ghế kế cận hai người này để gửi về địa phương giám sát. 

Trước nguy cơ có thể dịch Ebola xâm nhập vào VN, ngày 20/8, Bộ Y tế đã có công văn khuyến cáo người dân về biện pháp phòng chống dịch Ebola. 

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu người dân thực hành vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên với xà phòng, dung dịch sát khuẩn; tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, các vật dụng của người, động vật nhiễm bệnh hoặc các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh. 

“Người dân không nên hoang mang, lo lắng bởi hệ thống y tế của Việt Nam đã chủ động, kích hoạt, phòng ngừa mọi loại dịch bệnh nguy hiểm bên ngoài xâm nhập vào nước ta một cách chặt chẽ”.

TS.BS Lê Mạnh Hùng
Ngoài ra, hạn chế đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh Ebola khi không cần thiết. Những người trở về từ các quốc gia vùng Tây Phi, trong vòng 21 ngày nếu có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, phát ban... hoặc có tiếp xúc gần với người có dấu hiệu như trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra, xét nghiệm. 

Bộ Y tế đã công bố số điện thoại đường dây nóng 0989671115 để người dân khi có các biểu hiện của bệnh liên lạc số này để được hướng dẫn các biện pháp phòng tránh và theo dõi sức khỏe.

Ngày 20/8, Văn phòng đáp ứng khẩn cấp (Bộ Y tế) cho biết, sức khỏe của hai trường hợp người Nigeria được cách ly tạm thời từ ngày 19/8 tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM ổn định, không sốt, không có biểu hiện gì bất thường cũng như không phát hiện các triệu chứng liên quan đến bệnh Ebola. 

Căn cứ vào tình hình sức khỏe của hai hành khách trên, Bộ Y tế trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ thống nhất không tiến hành cách ly tại bệnh viện mà thực hiện chuyển sang các biện pháp theo dõi giám sát tại cộng đồng trong vòng 21 ngày tại nơi lưu trú kể từ khi hai trường hợp này xuất phát từ vùng có dịch.

Thái Hà

MỚI - NÓNG