Hai nhân vật tự ứng cử đã được giới thiệu trong danh sách bầu

Hai nhân vật tự ứng cử đã được giới thiệu trong danh sách bầu
TP - Ngay sau khi đại hội biểu quyết thông qua danh sách để bầu BCH khóa X, ông Nguyễn Phú Bình cho hay, việc ông quyết định tự ứng cử là bởi trong số ứng cử viên vào BCH khóa mới không có ai ở ngành ngoại giao được giới thiệu do quá tuổi quy định.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình, 58 tuổi, đã quyết định tự ứng cử vào BCH TƯ khóa X vào ngày 22/4. “Tôi đã nhận được sự khuyến khích ủng hộ rất lớn của Ban cán sự Bộ Ngoại giao và các đồng chí trong đoàn đại biểu khối các cơ quan đối ngoại và đảng bộ ngoài nước.

Do tới đây công việc của ngành ngoại giao cần rất nhiều người có kinh nghiệm, tôi tự thấy trách nhiệm của mình đối với Đảng, với ngành nên đã tự ứng cử” - Ông Bình nói.

“Bằng việc tự ứng cử, tôi cũng muốn làm sao tạo ra tập quán ứng cử mới, bởi lâu nay các đại hội của ta, việc tự ứng cử chưa thành tiền lệ, số đảng viên tự ứng cử quá ít” - Ông Bình nói tiếp.

Bên cạnh việc tự ứng cử, ông Bình đã nhận được sự đề cử của nhiều đại biểu các đoàn.

Ông Nguyễn Phú Bình sinh năm 1948. Từ tháng 4/2002, ông là Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài. Trước đó, ông từng là trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao; Cục trưởng Cục Lãnh sự; Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc; Vụ trưởng, Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao.

Hai nhân vật tự ứng cử đã được giới thiệu trong danh sách bầu ảnh 1
GS - TSKH Nguyễn Xuân Hãn

GS - TSKH Nguyễn Xuân Hãn: Tôi hy vọng trở thành ủy viên TW Đảng

Được biết ông được ĐH Đảng X  đồng ý chốt danh sách ứng cử vào TW sáng 23/4. Cảm giác của ông trong khi chờ đợi?

- Hồi hộp. Rất hồi hộp.

Nếu trở thành ủy viên Trung ương, ông sẽ làm gì?

- Tôi sẽ làm 4 việc đầu tiên.

Thứ nhất, làm được bộ sách giáo khoa của Việt Nam từ phổ thông đến đại học, một việc mà 25 năm nay dân tộc ta đã không làm được (ngay cả các nước châu Phi cũng đã hoàn thành bộ sách của họ, các nước trên thế giới đã có sách giáo khoa thống nhất cho riêng mình trừ Việt Nam).

Thứ hai, quy hoạch tổng thể mạng lưới trường học ở Việt Nam. Hiện nay ở ta các trường phổ thông thì không có không gian để làm sân chơi cho học sinh, trường ĐH thì chỉ đạt 1/ 4 đến 1 /30 diện tích chuẩn.

Thứ ba,  giảm học phí cho học sinh, sinh viên và tăng lương cho giáo viên.

 Thứ tư ,là đề nghị trả lương xứng đáng cho các sản phẩm khoa học đích thực của các nhà khoa học bằng với mức lương của các nước trên thế giới.

Giảm học phí, tăng lương giáo viên, trả thù lao xứng đáng cho nhà khoa học đích thực..., những việc làm này liệu có mâu thuẫn với phần ngân sách giáo dục vốn luôn được kêu là ít hay không?

- Giáo dục hoàn toàn không thiếu tiền. Xin lấy một ví dụ năm 2003, ngân sách dành cho giáo dục là 10.347 tỷ đồng Việt Nam. Hiện nay, ngân sách giáo dục cũng tương đương với 4 tỷ USD. Nếu trả lương cho toàn bộ giáo viên trong ngành mới chỉ hết 1 tỷ, 3 tỷ USD còn lại tôi hoàn toàn có thể thực hiện các dự định của mình.

Ông có tin mình sẽ trở thành Ủy viên Trung ương?

- Tôi hy vọng sẽ được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương bởi vì mọi người ở trên cũng biết, ở dưới cũng hay mọi việc trong ngành giáo dục. Nên tôi tin tưởng nhiều người đặt lòng tin vào kế hoạch của tôi.

Hồ Thu
(thực hiện)

MỚI - NÓNG