Hai thương binh và 30 đứa con khuyết tật

Hai thương binh và 30 đứa con khuyết tật
TP - Trung tâm dạy nghề cho trẻ em khuyết tật, thị trấn Neo, Yên Dũng, Bắc Giang, nằm khép mình sau ngôi chùa cổ kính. Nơi ấy, hàng chục em nhỏ miệt mài bên khung thêu, đấu tranh với bệnh tật trong tình thương yêu của 2 người thương binh.

Đó là một xưởng thêu tranh nhỏ, được thành lập năm 2004 bằng tình thương, lòng nhân ái của anh Lương Công Xuân- người thương binh ¼.

Anh Xuân cho biết: “Tụi nhỏ ở chỗ mình hầu hết là con em các đồng đội, chiến sĩ ngày trước”.

Là một thương binh nặng, có lẽ anh Xuân cũng thấm thía nỗi đau của những căn bệnh quái ác, đặc biệt với các em nhỏ là nạn nhân chất độc da cam. Vì vậy, với tâm nguyện giản dị, chân thành đó anh đã cùng người đồng đội của mình đứng ra gây dựng cho các em một mái ấm tình thương.

Trung tâm tuy không khang trang nhưng có đầy đủ nhà ăn sạch đẹp, phòng ngủ thoáng đãng và căn nhà 3 gian rộng rãi, để các em có điều kiện  sống và làm việc.

Thời gian đầu, để chăm lo chu tất cho 30 em, anh Xuân phải dùng tiền kiếm được từ việc kinh doanh các nghề khác, nhưng cũng chẳng duy trì được lâu. Khó khăn là thế, anh vẫn không nản lòng, với sự nhạy bén của một nhà doanh nghiệp cùng với ý chí kiên cường của một người lính, anh đã tìm được hướng đi mới cho trung tâm.

Trong chuyến thăm người đồng đội cũ cũng là thương binh – anh Phái Văn Tặng ở Quất Động, Hà Tây, thấy những đứa bé trong làng say mê ngồi thêu tranh, trong anh chợt nảy ra ý tưởng mới…

Anh nghĩ, hoàn cảnh của các em như vậy chỉ có những công việc nhẹ nhàng, đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn sẽ thích hợp hơn. Nhân người bạn thân là nghệ nhân thêu tranh tay, anh mời về dạy các em nhỏ. Từ đó hơn 30 em nhỏ khuyết tật của Trung tâm được học nghề thêu tranh tay.

Không ngại gian nan, vất vả, hai người lính ấy đã mang lại cho các em một cuộc sống mới. Trong ánh mắt chan chứa niềm tin của em Ngô Thị Hoa, em bé nhỏ nhất và cũng mắc bệnh nặng nhất của trung tâm như nói với tôi rằng, em thầm cảm ơn những người đã cho em được sống lại thêm một lần nữa, cho em có được niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc đời…

Kiệt tác từ nghị lực phi thường

Và rồi, đời chẳng phụ công người, với sự nỗ lực không ngừng của cả thầy và trò, giờ đây tranh thêu tay của trung tâm đã được nhiều người ở khắp mọi miền trong cả nước biết tới. Nhiều sản phẩm các em đi tham dự hội chợ, triển lãm nhận được giải thưởng cao.

Điển hình như bức “Mã đáo thành công” đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu phía Bắc, hội chợ triển lãm hàng CN tổ chức tại Vĩnh Phúc năm 2006. Bức tranh được em Nguyễn Văn Hưng, bị tật ở tay và câm từ nhỏ kiên nhẫn làm việc trong gần hai tháng…

Bên cạnh đó, nhiều bức tranh về thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam được các em miêu tả bằng tâm hồn hết sức trong sáng, tự nhiên. Bộ tranh tứ quý: Tùng – Cúc  -Trúc – Mai, Xuân – Hạ – Thu – Đông của em Hoa thể hiện tự tinh tế trong đường nét và giàu cảm xúc, được nhiều nghệ nhân đánh giá cao…

Dẫn chúng tôi tham quan phòng trưng bày tranh ngoài thị trấn, Anh Xuân say sưa: “Các cậu thấy chưa, không phải XQ cũng chẳng phải từ tay các nghệ nhân Quất Động nhưng bức tranh rất tinh xảo, sâu sắc…”.

Căn phòng rộng chừng 80m2, trưng bày nhiều tác phẩm tranh thuộc đủ các thể loại. Dưới ánh đèn vàng, thiên nhiên và con người trong tranh như hòa quyện trong một khung cảnh hoàng hôn êm dịu, yên bình. Tất thảy dường như chan chứa tấm lòng người lính từng trải qua trận mạc, đầy bản lĩnh rắn rỏi mà vẫn nồng nàn.

Khi mới thành lập, trung tâm chỉ là ngôi nhà đơn sơ, giản dị. Nay nó đã trở thành một xưởng thêu tranh đẹp đẽ với đầy đủ các điều kiện về sinh hoạt, học tập cũng như làm việc.

Hàng tháng, thu nhập mỗi em bình quân cũng được gần 700.000đ, điều đó càng giúp các em tự tin và hăng hái hơn trong công việc. Không muốn để các em phải chịu thiệt thòi, em nào học nghề xong đến độ tuổi lao động anh Xuân lại đứng ra mua bảo hiểm xã hội, đảm bảo cho các em như một lao động bình thường của xã hội.

Những em còn nhỏ, mỗi tháng đến kỳ nhận tiền lương, trung tâm trích riêng một khoản để các em tiêu vặt, số còn lại được giữ theo hình thức sổ tiết kiệm để các em gửi về phụ giúp gia đình.

MỚI - NÓNG