Hầm ngầm là lòng dân

Hầm ngầm là lòng dân
TP - Trước câu hỏi của khách về việc ngôi nhà nơi Bác ở có lối bí mật xuống hầm ngầm an toàn bằng “bấm nút” không?”. Bác Hồ hơi ngạc nhiên, nhưng chân thật nói ngay: “Chúng tôi đã có hầm ngầm là nhân dân…”.
Hầm ngầm là lòng dân ảnh 1

Bác Hồ và ông Nguyễn Lương Bằng (ngồi giữa) ở miếu Đá Chông ngày 23/2/1958

Chúng tôi được nhiều dịp nghe các vị lão thành từng vinh dự giúp việc Bác Hồ kể về những nơi ở của Người từ khi trở thành Chủ tịch nước. Các vị đều nhấn mạnh rằng, qua nơi ở của Người, ta không chỉ nhận rõ một nhân sinh quan mang tính nhân bản sâu sắc, mà còn thấy thể hiện những quan điểm nhất quán trong tư tưởng và thiên tài Hồ Chí Minh.

Chuyện làm hầm

Tháng 4/2007, chúng tôi hăm hở đi cùng ông Tạ Quang Chiến – người cận vệ được Bác đổi tên, trở lại chiến khu xưa – ATK Việt Bắc. Thăm ba căn hầm khoét sâu trong lòng núi ở Kim Quan, Yên Sơn, Tuyên Quang – nơi làm việc của Chính phủ, Trung ương Đảng và Bác Hồ, tôi hỏi: “Một dạo có đồn đại rằng do ta đánh Điện Biên Phủ, phòng Mỹ liều lĩnh ném bom nguyên tử mà đào hầm…?”.

Ông Chiến cười: “Đề phòng cũng không thừa. Có điều, Bác tính toán từng đường đi nước bước rồi. Hiện vẫn còn tấm ảnh: Hội đồng Chính phủ họp ngoài cửa hang, Bác đứng điều khiển phiên họp dưới lá cờ Tổ quốc. Đây là pha duy nhất được dàn dựng theo yêu cầu của nhiếp ảnh gia Đinh Đăng Định để làm... tư liệu”.

Còn thực tế hồi ấy, theo lời ông Chiến, xem qua bản thiết kế căn hầm có chỗ làm việc, ăn ngủ…, Bác cười bảo: “Làm cho Bác căn lán ở gần cửa hang là đủ rồi”.

Nhà sàn đầu tiên

Từ tháng 4/1954, ông Chiến cùng Chánh văn phòng Phan Mỹ và đội trưởng Cảnh vệ Hoàng Hữu Kháng nhận lệnh Bác về Đại Từ, Thái Nguyên tìm địa điểm mới, gần Hà Nội hơn, dự phòng chiến tranh kết thúc.

Đang là Đội trưởng Thanh niên xung phong Đội 36 phục vụ ATK, ông Chiến điều hai đại đội 272 và 273 về Vai Cày dựng hai khu nhà kỹ thuật cao: một, dinh Đại sứ ở xã Hùng Sơn, và nhà sàn Bác Hồ ở La Bằng – Bản Ngoại. Nay là Di tích quốc gia, dựng Đài kỷ niệm.

Nhà sàn của Bác ở Vai Cày khá cao bên bờ suối, trông bề thế, khác hẳn mọi lều lán Người từng ở trước đó thường kín đáo dưới lùm cây giữa rừng già.

Chính tại đây, sáng 26/7/1954, Bác tiếp người nước ngoài cuối cùng trước khi về Thủ đô – nhà đạo diễn điện ảnh Xô Viết nổi tiếng Roman Carmen. Đáp câu phỏng vấn: “Thưa Chủ tịch, trong một ngày Chủ tịch làm việc mấy giờ?” – Bác trả lời rất hay, mộc mạc mà thanh tao đúng với một tâm hồn nghệ sĩ: “Chim rừng đánh thức tôi, còn tôi đi nằm lúc trên nền trời các vì sao xuất hiện…” (Hồ Chí Minh. Biên niên tiểu sử, tập 5, trang 514).

Hầm ngầm là lòng dân ảnh 2

Nhà sàn đầu tiên của Bác ở Vai Cày, Đại Từ, Thái Nguyên

Tìm trước nơi sơ tán

Ông Vũ Kỳ (1921 – 2005, thư ký của Bác) cho biết đã mấy lần theo Bác lên vùng Ba Vì dự các cuộc tập trận, thử súng đạn của bộ đội. Và, lần ấy, trưa 23/2/1958, Bác, anh Cả Sao Đỏ (Nguyễn Lương Bằng) và Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây đã dừng lại, nghỉ ăn trưa tại “cụm đá chồng-vợ-con” bên trên bờ sông Đà, rồi cắm đất dựng nhà.

Những năm Mỹ đánh phá miền Bắc, Bác thường sơ tán lên đây. Nay nhà tôn tạo lại to đẹp làm nhà lưu niệm, xung quanh sân vẫn rải sỏi như ý Bác: để đêm hôm người lạ đi vào gây tiếng động và anh em đi bộ tập luyện được “xoa bóp” bàn chân.

Lối dốc xuống sông gần cụm đá ba hòn chông, tới đây ai cũng ngậm ngùi thương nhớ Bác khi nghe kể hồi Bác sắp đi xa vẫn cố tập luyện đôi chân ở đây mong được vào Nam.

Chuyện dựng nhà sàn trong Phủ Chủ tịch

Ông Cù Văn Chước (1928 – 2007), tôi viết báo lạm phép gọi là vị “Tổng quản của Bác Hồ” - đại diện “bên A” lo việc dựng nhà sàn trong Phủ Chủ tịch với bên B Cục Doanh trại Quân đội khi còn sống kể rằng sáng 1/3/1958, Bác gặp đoàn đại biểu các dân tộc Việt Bắc tại Phủ Chủ tịch. Người có hỏi qua các lều, lán ngày kháng chiến còn không.

Hôm sau, Bác lên Thái Nguyên và trên đường về Người nói ý định dựng nhà sàn bên kia ao. Mọi việc xong xuôi, ngày 15/4 sau đó khởi công.

Bác dặn kỹ: Phải bí mật, tiết kiệm, đơn giản, không dùng gỗ quý, nhặt nhạnh từng cái đinh, mẩu gỗ thừa, vỏ bào, mùn cưa gom quét làm củi đun, tính việc phân công người làm, không lãng phí công sức, tránh ồn ào…

Thỉnh thoảng Bác ra thăm, anh em hết sức phấn khởi, ra sức thi đua hoàn thành căn nhà trong một tháng để mừng thọ Bác 68 tuổi.

Ngày 15/5, khánh thành nhà, mọi việc gói gọn trong buổi sáng. Bác nói ông Chước trích lương “chủ nhà” đãi thợ bữa liên hoan, tặng họ Huy hiệu và mời chụp ảnh kỷ niệm với Bác.

Chiều 4 giờ, mọi người ra trước nhà sắp hàng. Bác tới, nhìn khắp lượt chưa thấy kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh. Nhìn ra, ông đang lững thững đi tới: “À, chú Kiến!”, Bác lên tiếng. Ai cũng ngạc nhiên. Người giải thích: “Kiến là kiến trúc sư, nhưng… bò – mọi người phải đợi”. Mọi người cười rộ, vỗ tay...

Bỗng, Bác quay về phía mọi người đã xếp hàng: “Hừm! Thế này ngược sáng rồi. Quay lại phông phía bờ ao! Ảnh thuận sáng cho đẹp…”.

Anh em ai cũng nghĩ, tiếc không lấy được nhà sàn làm kỷ niệm. Không hiểu được ý Bác: Bí mật!

Hầm ngầm là lòng dân ảnh 3

Nhà sàn trong Phủ Chủ tịch

Hầm ngầm dưới nhà sàn?

Nguyên thủ một nước anh em sang thăm, lúc thân tình ngỏ ý muốn thăm tư thất Chủ tịch như Chủ tịch Chủ tịch đoàn Xô Viết tối cao Liên Xô K.Vôrôsilôv từng thăm khi Bác còn ở phòng nghỉ trưa của anh thợ điện.

Câu nói của Nguyên soái Vôrôsilôv cũng đến tai vị này rằng “Tận mắt thấy nơi ở của Hồ Chủ tịch, tôi thật xấu hổ nghĩ tới tiện nghi mình ở trong Điện Kremli”…

Bác tiếp khách dưới sàn. Khách muốn xem tầng sàn. Chủ nhà mến khách nói nhỏ “Xin mời! Chỉ đề nghị lên 6 người một, kẻo sập nhà tôi”.

Khách xem, hết sức ngạc nhiên, nhận xét rằng ngôi nhà là một công trình độc nhất vô nhị của thế giới cả về kiến trúc học và tư chất chủ ngôi nhà. Nhưng khách vẫn hỏi có lối bí mật xuống hầm ngầm an toàn bằng “bấm nút” không?”.

Bác Hồ của chúng ta hơi ngạc nhiên, nhưng chân thật nói ngay: “Chúng tôi đã có hầm ngầm là nhân dân…”.

Tự hào biết bao hai tiếng NHÂN DÂN! Đó là tư tưởng, là đạo đức Hồ Chí Minh – một tinh hoa truyền thống dân tộc có thể suy rộng lịch sử từ câu ca tiền nhân:

Giặc tan đất nước thanh bình

Phải đâu đất hiểm – bởi mình có nhân.

MỚI - NÓNG