ĐBSCL mới đầu mùa khô:

Hạn hiện hữu, mặn cận kề

Hạn hiện hữu, mặn cận kề
TP - Dịp này, bình thường nhiều năm trước, nước lũ vừa rút, ĐBSCL dồi dào nước ngọt và khắp nơi xanh mướt lúa đông xuân. Năm nay, nhiều nơi đang thiếu nước ngọt, thừa nước mặn, hàng nghìn hécta lúa đã chết vì thiếu ngọt, nhiễm mặn.

Ông Phan Hoài Bảo ở xã Nam Yên (An Biên, Kiên Giang) than thở: “Ba hécta lúa của tôi 50 ngày nay phải sử dụng bảy máy bơm điện lấy nước ngọt trong ao và cả lấy nước ngầm để tưới. Không biết có cầm cự được cho lúa trổ đòng hay không”.

Hàng chục nghìn héc-ta lúa trong khu vùng U Minh Thượng thuộc Kiên Giang đang bị hạn, phải bơm nước rất tốn kém. Đặc biệt từ đầu vụ đông xuân 2009 - 2010, ở đây đã ào ạt lấy nước ngầm tưới lúa nên nước ngầm có nguy cơ cạn kiệt.

Ở tỉnh Bạc Liêu, khoảng 1.300 ha lúa ở huyện Giá Rai, Đông Hải cũng đang thiếu nước ngọt. Ở tỉnh Đồng Tháp, nhiều con kênh chính cung cấp nước ngọt cho các cánh đồng đã cạn, dự báo khoảng một tháng nữa sẽ trơ đáy.

Tỉnh Hậu Giang, mực nước ngọt trên các con sông đã xuống thấp hơn năm 2009, mà năm 2009, TX Vị Thanh, tỉnh lỵ Hậu Giang từng hoang mang vì kênh xáng Xà No nhiễm mặn, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử.

Con kênh đầy ắp nước ngọt được mệnh danh Con đường lúa gạo ở ĐBSCL, năm 2009 nhiễm mặn làm hàng nghìn hécta lúa chết và nhà máy cấp nước thị xã phải ngừng hoạt động.

Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ cho biết, mực nước sông Mekong năm nay thấp hơn bình quân 10 - 49cm, có nơi thấp hơn 60cm. Khô hạn diễn ra nhiều nơi từ giữa tháng 1 - 2010 và sẽ khốc liệt ở đỉnh điểm cuối tháng 4, lúc đó tổng lưu lượng nước của sông Mekong chỉ còn 600m3/giây, thấp hơn trung bình nhiều năm 200m3/giây.

Mặn cận kề

Nước ngọt trên các dòng ít đi, nước ngầm tụt xuống, nước mặn ngoài biển tràn vô. Các năm trước, sau Tết Nguyên đán, ĐBSCL mới phải đối phó với nước mặn nhưng nay trước tết hơn một tháng, nhiều nơi đã bị nước mặn gây hại.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, các cửa sông ở ĐBSCL, đầu năm 2010 có độ mặn cao hơn cùng kỳ năm 2009.

Độ mặn cao nhất dự báo vào khoảng tháng 4 đến giữa tháng 5-2010 với độ mặn 4 phần nghìn xâm nhập sâu vào nội địa 40-50km.

Dự báo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), tháng 3-2010 ĐBSCL có khoảng 800.000 ha lúa bị nước mặn đe dọa.

Ông Nguyễn Văn Tèo ở xã Tân Thạnh (An Minh, Kiên Giang) than thở: “Gia đình tôi cấy 3 hécta lúa đã bị chết sạch do nhiễm mặn. Trước đây, cấy lúa là có ăn, bây giờ nơm nớp lo nước mặn”.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện An Minh Võ Hoàng Việt cho biết, huyện đã có hơn 1.300 ha lúa bị chết vì nước mặn.

Còn cả vùng U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang, đã có khoảng 3.000 ha lúa bị chết vì nước mặn. Ông Cao Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, cho biết, Kiên Giang đã đầu tư 10 tỷ đồng để đắp đập, làm cống ngăn mặn ở huyện An Minh, An Biên.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Gò Quao (Kiên Giang) Nguyễn Văn Đạt cũng cho biết ở huyện này, đợt triều cường đầu năm đã đưa nước mặn 4 phần nghìn lấn sâu hơn 5km so với năm trước.

Ở tỉnh Bến Tre, huyện Thạnh Phú lúa cũng đã chết vì nhiễm mặn. Dự kiến dịp Tết Nguyên đán, các huyện ven biển Bến Tre sẽ bị nước mặn tấn công sâu vào ruộng vườn và khoảng tháng 3-2010, cả tỉnh sẽ “lãnh đủ”.

Xứ sở màu mỡ vườn dừa, vườn cây kiểng này, mấy năm gần đây ngày càng bị nước mặn đe dọa nghiêm trọng và năm nay cũng chưa thể lường trước được hậu quả xấu.

Tỉnh An Giang trước đây chỉ lo nước lụt, nay cũng đã sốt vó với nước mặn từ biển Tây lấn vào các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên, theo kênh Vĩnh Tế và Long Xuyên - Rạch Giá.

Ông Đoàn Ngọc Phả, PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho biết, tỉnh này đang tính phương án làm đập ni-lông ngăn mặn trên kênh Vĩnh Tế, còn dọc tuyến kênh Long Xuyên - Rạch Giá sẽ đắp đập ngăn mặn nội đồng. 

MỚI - NÓNG