Hàng chục năm mỏi mắt chờ sổ đỏ

Những căn nhà cấp 4 xuống cấp tại Khu tập thể Viện CS&CLPTNNNT. Ảnh: K.N
Những căn nhà cấp 4 xuống cấp tại Khu tập thể Viện CS&CLPTNNNT. Ảnh: K.N
TP - Gần 40 năm trước, khu tập thể Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) được xây dựng tại xã Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) để cấp cho cán bộ công nhân viên cơ quan. Do sự thờ ơ của cấp có trách nhiệm khiến người được phân nhà đến nay vẫn mòn mỏi chờ sổ đỏ, hằng ngày sống khổ trong những căn nhà xuống cấp.

Khu tập thể Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Viện CS&CLPTNNNT) hiện thuộc tổ dân phố Thành Trung (thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm). Khi phóng viên đến nơi, thấy giữa khung cảnh đô thị hóa của thị trấn Trâu Quỳ, khu tập thể Viện CS&CLPTNNNT như một vùng trũng. Trong Khu tập thể có nơi vẫn là đường đất, cỏ dại mọc đầy. Những dãy nhà cấp 4 được xây từ vài chục năm trước nay đã cũ nát, xuống cấp. Một số gia đình phải khóa cửa chuyển đi nơi khác để đảm bảo an toàn; một số gia đình khác cho sinh viên hoặc người lao động thuê nhà. Còn phần lớn các gia đình không đi nơi khác thì phải tự sửa chữa nhỏ, vá víu. Vào mùa mưa, nước tràn vào một số nhà do đất nơi đây thấp hơn nhiều nơi trong khu vực. “Nhà chúng tôi chỉ phá đi xây lại. Nhưng nhiều năm qua, do lịch sử để lại nên chúng tôi chưa được cấp giấy tờ sở hữu rõ ràng về nhà ở nên chưa thể xin giấy phép xây dựng”- ông Phùng Văn Chấn, một cư dân Khu tập thể cho biết.

 

Đến nhà ông Hoàng Dự, PV được biết ông từng được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, là họa sĩ biếm họa nổi tiếng với bút danh Dzím. Vợ chồng ông Dự đều công tác tại Viện CS&CLPTNNNT, là một trong những trường hợp được phân nhà đầu tiên tại Khu tập thể vào năm 1977. Ông Dự kể, năm 2008, hai thanh xà gồ trên trần nhà ông đột nhiên bị gãy khiến một góc nhà sụp xuống, may gia đình không ai bị tai nạn. “Các cán bộ của Viện ở đây có người là cán bộ tiền khởi nghĩa, thương binh, cựu chiến binh... Là những người chấp hành chính sách, không dám tự ý xây dựng, nên hiện chúng tôi vẫn phải sống trong những căn nhà cấp 4 làm từ vài chục năm trước”- ông Dự nói. 

Qua tìm hiểu được biết, tháng 2/1977, Bộ Nông nghiệp (nay là Bộ NN&PTNT) ban hành quyết định cho phép Viện Kinh tế Nông nghiệp (nay là Viện CS&CLPTNNNT) được xây dựng trụ sở trên phần đất của Trường Đại học Nông nghiệp I, đồng thời được dành một phần (hơn 16.000 m2) để làm nhà ở cho CBCNV cơ quan. Tuy nhiên, do cách thức quản lý giản đơn thời bấy giờ nên việc phân nhà sau đó không có quyết định hành chính của cơ quan. Năm 1987, khi trụ sở của Viện Kinh tế Nông nghiệp được chuyển về nội thành, khu tập thể của Viện thiếu hẳn sự quan tâm của cấp có trách nhiệm. Quyết định phân nhà cho các hộ dân chưa được hoàn tất, hồ sơ giấy tờ của Khu tập thể cũng chưa bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, nhiều gia đình muốn phá nhà cũ để xây mới nhưng chính quyền sở tại cũng không có cơ sở để cấp phép.

Ông Lê Đức Nguyên, Chủ tịch UBND thị trấn Trâu Quỳ cho biết: Đầu tháng 12/2014 vừa qua, Viện CS&CLPTNNNT đã làm thủ tục bàn giao toàn bộ hồ sơ liên quan đến khu đất cho UBND thị trấn Trâu Quỳ và các cấp có trách nhiệm của huyện Gia Lâm. “Đây là cơ sở để chúng tôi tiến hành các thủ tục cần thiết để các hộ dân của Khu tập thể Viện CS&CLPTNNNT được làm sổ đỏ trong thời gian tới”- ông Nguyên cho biết.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.