Hàng chục ngàn héc-ta lúa phải tiêu hủy vì sâu bệnh

Hàng chục ngàn héc-ta lúa phải tiêu hủy vì sâu bệnh
TP - Dịch rầy nâu kéo theo bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá đang làm lao đao người trồng lúa ở ĐBSCL. Hàng chục ngàn ha lúa cần phải tiêu huỷ để diệt sạch mầm bệnh.

Trong khi đó người nông dân đang tiếc công, tiếc của không muốn tiêu huỷ ruộng lúa của mình.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT An Giang, tỉnh này còn 152.500 ha lúa hè thu đang kỳ làm đòng đến trổ bông (mới thu hoạch được 68.260 ha) nhưng nông dân tiếp tục xuống giống gối đầu hơn 7.500 ha lúa vụ 3 ở các huyện An Phú, Tân Châu, Chợ Mới, Thoại Sơn, Long Xuyên... làm phát sinh hơn 3.000 ha lúa vụ 3 bị nhiễm rầy nâu và có 300 ha bị bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá (VL&LXL).

Tại TP Long Xuyên, trong 300 ha lúa vụ 3 đã có đến ½ diện tích bị nhiễm bệnh và nguy cơ lan rộng. Tại huyện Chợ Mới, bệnh VL&LXL từ lúa hè thu đã lây lan sang lúa vụ 3 hơn 100 ha và đã có 5 ha lúa bị nhiễm bệnh nặng được nông dân tự hủy.

Bà Phạm Thị Ngại, Trưởng phòng Dự báo kiểm dịch thực vật Chi cục BVTV An Giang cho biết: Dịch bệnh VL&LXL đang tiếp tục tăng nhanh trên diện tích lúa đẻ nhánh, làm đòng và trổ bông, mức độ nhiễm cục bộ theo vùng sản xuất liên vụ, nhất là lúa vụ 3.

Hiện nay trên nhiều cánh đồng lúa ở An Giang rầy cám cũng đang nở rộ với mật độ từ 1.000-3.000 con/m2 trên lúa hè thu muộn và lúa vụ 3.

Tỉnh Đồng Tháp có 50 ngàn ha lúa vụ thu đông, nhưng đã có trên 12 ngàn ha lúa bị nhiễm bệnh VL&LXL, tập trung ở các huyện Tân Hồng và Tháp Mười. Nhiều diện tích do bị nhiễm bệnh nặng được nông dân tiêu huỷ gieo sạ lại nhưng vẫn tiếp tục bị bệnh.

Ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Tỉnh đã ứng trước cho bà con nông dân 70.000 chai thuốc trừ sâu rầy, tổ chức phun đồng loạt trên những cánh đồng lúa nhiễm bệnh.

Chúng tôi cũng đã yêu cầu bà con nông dân tiêu huỷ ngay những ruộng lúa bị nhiễm bệnh có mật độ trên 30% trở lên, chính quyền sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng trên mỗi ha lúa bị tiêu huỷ”.

Tuy nhiên nhiều hộ nông dân đã không đồng ý tiêu huỷ, vì tiếc công sức chăm bón, đầu tư, trong khi lúa của họ đã 60 ngày tuổi, đang kỳ đâm đòng trổ bông.

Còn ở Kiên Giang, ông Trần Quang Củi, Phó giám đốc Sở  NN&PTNT tỉnh cho biết: Toàn tỉnh có 2.012 ha bị dịch rầy nâu và 1.350 ha bị bệnh VL&LXL, tập trung chủ yếu ở các huyện: Châu Thành, Hòn Đất, Giồng Riềng và Vĩnh Thuận.

Diện tích bị nhiễm bệnh mật độ từ 20 – 30% có 444 ha, trong đó 32,5 ha đã phải tiêu hủy. Tỉnh hỗ trợ cho nông dân 820 ngàn đồng/ha để tiêu huỷ đối với lúa bị bệnh đang đẻ nhánh.

Việc hỗ trợ này bao gồm 150 kg giống và 280 ngàn tiền mặt để bà con cày vùi và xịt thuốc sâu. Tỉnh đang khuyến cáo nông dân, đối với diện tích lúa hè thu bị bệnh thì không nên gieo sạ lúa vụ 3, vì như thế sẽ tiếp tục nuôi dưỡng mầm bệnh.

Theo báo cáo của ngành chức năng, toàn khu vực ĐBSCL hiện có khoảng 42 ngàn ha lúa bị bệnh rầy nâu và bệnh VL&LXL. Ở nhiều vùng lúa mật độ nhiễm bệnh rầy nâu đã lên đến 4.000 con/m2. Bệnh VL&LXL do virus gây nên hiện chưa có thuốc chữa trị.

Loại bệnh này xuất hiện từ khoảng 10 năm nay và phát tán mạnh mẽ trong những năm gần đây. Rầy nâu là thủ phạm trong môi giới truyền bệnh với cơ chế giống như sốt xuất huyết ở người. Hôm nay (28/7) diễn ra Hội nghị “Phòng ngừa bệnh VL&LXL” tại tỉnh Tiền Giang, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức.   

MỚI - NÓNG