Dự án tái định cư cho đồng bào miền núi Quế Phong, Nghệ An:

Hàng chục tỷ đồng đổi lấy vườn hoang nhà trống

Hàng chục tỷ đồng đổi lấy vườn hoang nhà trống
TP- Để giúp bà con xuống núi ổn định làm ăn, tránh di cư bất hợp pháp, không tái trồng cây thuốc phiện... dự án tái  định cư cho đồng bào ở Minh Châu (thuộc địa bàn xã  biên giới Tri Lễ, huyện miền núi Quế Phong, Nghệ An) ra đời. 

Tuy nhiên, do non kém trong việc khảo sát địa hình, hệ thống công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng, hàng chục tỷ đồng đã đổ vào đây, nhưng qua  6 năm trời dự án chỉ là bãi đất hoang và vườn không nhà  trống.

Hàng chục tỷ đồng đổi lấy vườn hoang nhà trống ảnh 1
Khu tái định cư đang trở thành ngôi làng hoang vắng

Đóng cửa nhà về bản cũ

Từ thị trấn Kinh Sơn, men theo đường mòn chúng tôi phải vượt hàng trăm dốc núi và khe suối mất gần ngày trời mới tới khu kinh tế Minh Châu. Những tưởng giờ đây đồng bào ở Minh Châu đã có một cuộc sống sung túc, bởi dự án lớn đã rót hàng chục tỷ đồng vào  đây.

Nhưng gần 6 năm trời quay lại, trước mắt cũng chỉ là một bãi đất hoang, nhà nhà cửa đóng then cài. Khu tái định cư vắng hoe, bà con đã bỏ nhà cửa trở về với bản cũ gần hết. 

Ông Lữ Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ thất vọng cho biết: Từ đầu năm 2003, khu tái định cư này có 120 hộ dân bắt đầu tới ở. Số đồng bào hầu hết đến từ các bản Phà Khốm, Nậm Tuột, Huồi Xái, Huồi Mới... được phân ở  khu D1 và D2, nhưng đến nay  gần 100% hộ gia đình đã đóng cửa về lại bản cũ cách đó hàng chục cây số bằng đường rừng. Một số ít hộ gia đình chia đôi, một nửa lên non, một nửa ở lại để giúp các cháu nhỏ đi học kiếm cái chữ. 

Anh Lý Tống Dê, một người dân còn bám trụ lại đây cho biết: Gia đình có 5 người con, đứa lớn đã đi làm, 4 đứa nhỏ đang đi học ở trường tiểu học, Lý Tống Dê phải bám trụ lại đây để chờ khi nào các cháu biết chữ  lại về bản cũ.

Ông Thò Chòm Pó, Phó chủ tịch UBND xã Tri Lễ, cũng là người bám trụ tại đây lâu nhất tâm sự:  Không vì để làm gương cho bà con và các cháu đi học chữ thì tôi cũng đã về lại bản cũ lâu rồi, ở đây không biết làm gì mà sống. 

Được biết, mới  rồi ông Thò Chòm Pó đã bỏ ra  hơn 40 triệu đồng để tân trang lại ngôi nhà và  ngôi nhà của ông trở nên đẹp nhất cả khu tái định cư. Tuy nhiên, do không biết làm gì để sống, vợ ông và những đứa  con lớn trong nhà đã trở lại bản cũ Phà Khốm để tiếp tục phát nương làm rẫy.

Vòng quanh khu tái định cư, cả một dọc dài nhà cửa  ở D1, D2, trước đây đồng bào về sinh sống rất đông vui, nhưng nay nhà nào nhà nấy đều đóng cửa, cổng nhà được  rào lại, đất vườn của bà  con trơ lại bãi cỏ hoang.

Bên cạnh đó, hàng chục công trình bể nước trước đây được xây cất cẩn thận giờ chỉ còn là phế tích. Khu tái định cư giống như một ngôi làng hoang vắng trong thung lũng của núi rừng.

Hàng chục tỷ đồng trôi sông

Được biết, mỗi hộ dân đến khu kinh tế Minh Châu ở,  ngoài việc cấp nhà cửa, bà con còn được hỗ trợ 2,7 triệu đồng và lương thực hàng tháng trong thời gian đầu. Tại đây đã được quy hoạch và khai hoang hơn 34 ha đất ở và đất vườn lâu năm, 44 ha đất sản xuất lúa nước, có 21 công trình bể nước, 5 km đường nội vùng được xây dựng.

Tổng vốn đầu tư cho khu kinh tế mới Minh Châu trên 9,7 tỷ đồng. Đó là chưa kể 12 km đường ống dẫn nước và công trình đập thủy lợi Kẽm Ải đã được đầu tư trên 12 tỷ đồng...

Rời khu kinh tế Minh Châu, ông Lữ Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ dẫn chúng tôi men theo đường ống dẫn nước tới công trình đập Kẽm Ải đóng trên địa bàn bản Đôn. Ông Thu bức xúc: Nguyên nhân chính là do công trình đập nước Kẽm Ải, đã được đầu tư hơn 12 tỷ đồng để xây dựng nhưng xây xong không có  hiệu quả.

Công trình nước không đảm  bảo, hệ thống đường ống dẫn thấp hơn so với đất ruộng đã được khai hoang, sức đẩy không mạnh  nên nước không về tới khu vực  Minh Châu. Theo quan sát của phóng viên Tiền phong, mặc dù công trình xây dựng chưa được bao lâu nhưng nay đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.

Tràn  đập chính làm nơi cho người dân địa phương ngăn nước bắt cá, hệ thống đường ống dẫn nước đã hư hỏng nặng, nhiều chỗ bị vỡ làm nước tràn ra  ngoài...  Một nguyên nhân nữa khiến đồng bào bỏ làng tái định cư về nơi ở cũ là vì cách thiết kế nhà của dự án không phù hợp với tập quán của người dân địa phương.

Hầu hết nhà thiết kế thấp, tường bao được làm bằng gỗ, trên lợp bằng tấm prôxi măng, nhà lại dựng giữa vùng đất thung lũng giống như sa mạc nên mùa đông bà con không chống chọi nổi với cái lạnh thấu da thấu thịt của miền rừng, suốt ngày phải đốt lửa để sưởi ấm,  mùa hè thì nóng vã mồ hôi, ban ngày phải chui  ra khỏi nhà tìm bóng cây để ngồi trú nắng, buổi tối thường đem ván gỗ và chiếu ra ngủ ngoài trời.

Ông Nguyễn Xuân Đức, Trưởng Ban di dân, huyện Quế Phong cho biết: Để tiếp tục đưa bà con xuống núi, dự án Minh Châu tiếp tục được đầu tư và xây dựng lại một số hạng mục công trình. Riêng công trình đập thủy lợi Kẽm Ải sẽ được đầu tư tiếp 20 tỷ đồng để xây dựng lại.

Tuy nhiên, hiện dự án này thay vì trước đây do Sở NN và PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư thì nay giao lại cho Ban dự án huyện Quế Phong đảm nhiệm. Cũng theo ông Đức cho biết, nếu đầu tư theo kiểu “nửa voi nửa chuột” như  trước đây  thì khó mà đưa đồng bào xuống núi được.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.