Hàng hóa bắt đầu tăng giá

Hàng hóa bắt đầu tăng giá
Sau 3 ngày xăng dầu tăng giá, nhiều mặt hàng bắt đầu điều chỉnh giá mới. Hàng nông sản thực phẩm, giá nhích lên từ 1.000-5.000 đồng. Ở các siêu thị, thực phẩm chế biến sẵn cũng rục rịch tăng giá.
Hàng hóa bắt đầu tăng giá ảnh 1
Nhiều mặt hàng nông sản đã tăng giá

Tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm Tam Bình, Phạm Văn Hai, An Lạc... ở TPHCM, nhiều mặt hàng đã bán theo giá mới.

Rau, củ, quả là một trong các loại nông sản tăng giá đầu tiên, với mức tăng tối thiểu 1.000 đồng/kg so với giá trước khi xăng dầu biến động.

Giá bán sỉ cà rốt là 6.000 đồng/kg, đậu Hà Lan 65.000 đồng, củ cải 5.000 đồng, cải bẹ xanh 6.000 đồng...

Tuy nhiên, so với các chợ lẻ thì giá bán lại cao hơn giá sỉ từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng/kg. Tại chợ Hòa Bình, cải bẹ xanh lên đến 8.000 đồng/kg, khoai tây Đà Lạt 9.000 đồng/kg.

Đối với các mặt hàng thực phẩm (thịt lợn, bò, cá...) tại chợ Phạm Văn Hai, An Lạc, Chánh Hưng, giá bán ra cũng tăng thêm 1.000 đồng/kg so với 2 ngày trước.

Trong khi đó, lượng hàng về tại các chợ trên có chiều hướng tăng trở lại. Trung bình khoảng 160 tấn/đêm (chợ Phạm Văn Hai) và 100 tấn ở chợ An Lạc, tăng từ 20 tấn đến 25 tấn/đêm. Tại chợ cá Hòa Bình, giá các loại cá cũng được nhích lên khoảng 1.000-3.000 đồng/kg.

Còn tại các chợ lớn của Hà Nội như Đồng Xuân, chợ Hôm, Hàng Da... giá cũng tăng khá cao. Ông Nguyễn Văn Ất, Phó ban quản lý chợ Hôm cho biết, từ 3 ngày nay, giá thịt lợn cũng tăng bình quân 4.000 đồng/kg. Hiện, thịt nạc vai được bán với giá 50.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg.

Đáng chú ý là những mặt hàng thực phẩm khô đều tăng giá rất mạnh so với trước khi xăng dầu tăng giá. Chẳng hạn, bóng bì tăng tới 20.000 đồng/kg, tôm he khô tăng 50.000 đồng/kg. Dầu ăn cũng tăng khoảng 2.000 đồng/lít, mì chính tăng 1.000 đồng/gói... Riêng giá các loại thuỷ sản nhìn chung chưa có nhiều biến động.

Theo ông Ất, lần điều chỉnh giá xăng dầu trong nước lần này trùng với dịp lễ Vu Lan nên nhiều mặt hàng cũng tranh thủ tăng giá theo.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (TPHCM), cho biết, giá nông sản trong mấy ngày nay tăng phần lớn là do tác động của đợt tăng giá xăng dầu vừa qua. So với các năm trước, khi mùa vụ thay đổi (thường vào khoảng tháng 8 trong năm) giá cả một số mặt hàng có chiều hướng giảm.

Trong khi tháng 8 năm nay, giá nông sản lại tăng cao. Theo nhận định của bà Hà, sắp tới giá nông sản thực phẩm sẽ biến động nhiều hơn theo chiều hướng tăng chứ không thể giảm. Bởi khác với trước, giá xăng dầu đợt này tăng quá mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Trang, Trưởng Ban Quản lý chợ đầu mối Phạm Văn Hai, cũng nhận định, giá thịt lợn, thịt bò sẽ còn tiếp tục tăng. Lý do, một khi xăng dầu tăng giá thì chi phí vận chuyển thịt lợn từ lò về chợ buộc phải điều chỉnh lại.

Tuy nhiên, trước mắt giá cả trên thị trường mới chỉ biến động ở mức độ nhẹ và chỉ có thể cầm cự đến hết tháng này.

Tại nhiều siêu thị ở Hà Nội và TP HCM, giá thực phẩm chế biến sẵn tăng bình quân khoảng 10%. Tuy nhiên, không phải tất cả các siêu thị đều đã tăng giá hàng hoá ngay.

Trao đổi với phóng viên, đại diện siêu thị Intimex Hà Nội cho biết, sau lần tăng giá xăng dầu vừa qua, một số chủ hàng đã gửi báo giá mới đến với mức tăng khoảng 5-12%.

Tuy nhiên, hiện Intimex chưa áp dụng mức giá này ngay mà đang thương lượng với bên chủ hàng để thống nhất mức tăng hợp lý, tránh gây biến động về giá cho người tiêu dùng.

Các chuyên gia trong tổ điều hành thị trường, Bộ Thương mại, dự báo, trong tháng 8 sức mua của người dân sẽ còn tiếp tục tăng (chủ yếu vẫn là dịch vụ, lương thực, thực phẩm, hàng hóa phục vụ khai giảng năm học mới và chuẩn bị cho Tết Trung thu).

Trong khi đó, giá vật tư hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố tăng giá và đây cũng là thời điểm mùa mưa lũ nên giá cả hàng hóa trên thị trường sẽ còn tăng. Dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 sẽ tiếp tục tăng ở mức 0,4%.

MỚI - NÓNG