Hàng loạt biện pháp chống dịch chưa từng có

Lần đầu tiên Việt Nam áp dụng thực hiện cách ly xã hội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Lần đầu tiên Việt Nam áp dụng thực hiện cách ly xã hội. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - “Việt Nam áp dụng triệt để chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch - đây là chiến lược chúng ta kiên định thực hiện. Với tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tuỳ tình hình, chiến thuật có thể thay đổi nhưng chiến lược không thay đổi để siết chặt phòng tuyến bảo vệ đất nước trước sự tấn công của đại dịch COVID-19”. Cùng với đó Việt Nam đã chủ động áp dụng một loạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh chưa có trong tiền lệ với quy mô lớn. 

Chủ động phòng chống dịch

Thông tin trên được đưa ra tại giao ban báo chí trực tuyến về công tác tuyên truyền phòng, chống dịch giữa Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong lịch sử loài người chưa bao giờ xuất hiện dịch bệnh nào có sức tấn công dữ dội như đại dịch COVID-19. Đây là dịch bệnh điển hình trong một thế giới phát triển, tốc độ lây lan rất nhanh. Chỉ trong một thời gian ngắn đã có hơn 1,5 triệu người mắc bệnh, hàng chục nghìn người tử vong. Đặc biệt, virus gây bệnh COVID-19 cũng có rất nhiều điểm bí ẩn, do đó ngay từ đầu giới khoa học toàn cầu đã đồng loạt bắt tay vào nghiên cứu, chỉ sau 14 ngày đã có bản đồ gen, tuy nhiên vẫn còn nhiều câu hỏi về sản xuất vắc-xin, thuốc đặc trị hiện vẫn chưa có lời giải,…

Việt Nam đã chủ động áp dụng một loạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh chưa có trong tiền lệ với quy mô lớn. Cụ thể là, lần đầu tiên chúng ta áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội. Ngay từ đầu, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo áp dụng các biện pháp phải cao hơn 1 mức so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)…

Về công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tuyệt đối không được chủ quan. “Chúng ta đã chiến thắng từng trận đánh, nhưng cả cuộc chiến vẫn còn ở phía trước. Do đó, chúng ta cần đồng lòng, có niềm tin, ủng hộ các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, hướng dẫn của ngành y tế”, ông nói.

Dù diễn biến dịch bệnh trong nước đang có những dấu hiệu khả quan, nhưng không được chủ quan, lơ là, bởi thực tế trong nước đã xuất hiện các trường hợp lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng. Do vậy, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị “Các cơ quan truyền thông cần tiếp tục tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội; người dân tự có ý thức phòng bệnh cho mình cũng là phòng bệnh cho cộng đồng”.

Phác đồ điều trị phù hợp với các nghiên cứu thế giới

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, dù chưa có ca tử vong nhưng những ca nặng, rất nặng, đang được các chuyên gia, bác sĩ từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư căng sức hội chẩn, điều trị. “Chúng tôi đánh giá các ca này tiên lượng tử vong vẫn còn. Đội ngũ thầy thuốc đang tập trung tất cả những y bác sĩ giỏi nhất, phương tiện y tế hiện đại nhất, đặc biệt là sự theo dõi tận tình của đội ngũ y bác sĩ, chúng ta sẽ cố gắng chiến đấu, để cứu chữa, giữ mạng sống. Bài học là theo dõi bệnh nhân kỹ và chúng ta huy động sức mạnh tập thể trong công tác hội chẩn trực tuyến”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Việt Nam là nước có nguy cơ cao, dân số đông, nhưng con số biết nói, số nhiễm bệnh Việt Nam đứng thứ 107 trên thế giới, là 1 trong số ít quốc gia chưa có người tử vong. Chúng ta đã có sự lãnh đạo đúng, thực thi đúng. Đến nay sau 3 tháng Việt Nam đã rất chủ động, chưa bao giờ bị động, luôn lường tình huống xấu hơn để không xấu đi, có đầy đủ các kịch bản sẵn sàng ứng phó với dịch. Chúng ta làm sớm hơn và cao hơn khuyến nghị của các nước và Tổ chức Y tế thế giới và luôn kiên định 5 nguyên tắc gồm: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch”.

Phó Thủ tướng chia sẻ, ngay trong điều trị, hiện nay trên thế giới vẫn chưa có thuốc đặc trị hoặc phác đồ điều trị chuẩn. Vì vậy, chúng ta không thể thụ động, chờ đợi từ bên ngoài mà chủ động thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc, phác đồ điều trị dù chưa có cơ sở khoa học đầy đủ như lúc bình thường. Những loại thuốc hay phác đồ nào có thể có xác suất thành công thì đều được nghiên cứu, xem xét đưa vào.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.