Hàng loạt dự án của Vinalines dính sai phạm

Dự án Cảng Vân Phong, trên bờ là đống cọc han rỉ, dưới biển là mấy hàng cọc đóng dở dang Ảnh: Đình Quân
Dự án Cảng Vân Phong, trên bờ là đống cọc han rỉ, dưới biển là mấy hàng cọc đóng dở dang Ảnh: Đình Quân
TP - Sau quá trình thanh tra tại Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Thanh tra Chính phủ (TTCP) còn phát hiện nhiều sai phạm trong thực hiện đầu tư các dự án, cũng như việc sử dụng sai mục đích hơn 400 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu của Tổng Cty này.

> Hoang vắng cảng trung chuyển Vân Phong

Dấu hiệu thông thầu

Tương tự dự án đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam (Tiền Phong đã đưa tin), Vinalines triển khai dự án nhà máy sửa chữa và đóng mới tàu biển Nosco-Vinalines tại Quảng Ninh có tổng mức đầu tư 5.399 tỷ đồng khi chưa được Bộ GTVT cập nhật vào quy hoạch Quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam để trình Thủ tướng quyết định.

Đáng chú ý, đoàn thanh tra đã phát hiện dấu hiệu thông thầu giữa 3 Cty để Cty Cổ phần tư vấn xây dựng Cảng-Đường thủy trúng thầu gói tư vấn lập hồ sơ khảo sát dự án trên với giá 2,468 tỷ đồng.

Kiểm tra hồ sơ thi công hạng mục vận chuyển đất hữu cơ, gói thầu tôn tạo mặt bằng giai đoạn 1A, TTCP xác định Cty Xây dựng Hàng không (đơn vị thi công) không thực hiện đúng khối lượng thi công, vì vậy không có cơ sở thanh toán số tiền 1,222 tỷ đồng.

Ngoài ra,Vinalines và Cty Cổ phần Hàng hải Đông Đô đã phê duyệt dự án đầu tư-xây dựng xưởng sửa chữa tàu biển Đông Đô với tổng mức đầu tư hơn 299 tỷ đồng; dự án thành phần mua sắm ụ nổi No31 trước khi được Thủ tướng đồng ý về chủ trương, và dự án tổng thể chưa được phê duyệt.

Đến thời điểm thanh tra, Cty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines-Đông Đô đã đưa ụ nổi vào khai thác, doanh thu năm 2009-2011 đạt gần 40 tỷ đồng nhưng chi phí thuê thầu phụ đã ngốn mất hơn 27 tỷ đồng, tiền lãi không đủ trả lãi vay ngân hàng.

Khoán 50 triệu, chi vượt hơn 4 tỷ đồng

TTCP cho biết, Vinalines được Thủ tướng giao chủ trì huy động các nguồn vốn để đầu tư dự án xây dựng Cảng Trung chuyển quốc tế Vân Phong (giai đoạn khởi động, tại vũng Đầm Môn, vịnh Vân Phong, Khánh Hòa, thuộc dự án nhóm A), báo cáo Bộ GTVT, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Nhưng ngày 31-10-2009, Vinalines đã tổ chức khởi công dự án trên khi chưa có tổ chức tài chính nào bảo đảm vốn đầu tư cho dự án.

Theo quy định, lễ khởi công chỉ được phép tiêu tối đa 50 triệu đồng, song Vinalines đã “phóng tay” chi 4,144 tỷ đồng để tổ chức sự kiện này.

Mặt khác, Vinalines còn để xảy ra một loạt sai phạm khác tại dự án cảng này, cụ thể: điều chỉnh dự toán gói thầu số 1 từ 14 tỷ đồng lên thành 21,6 tỷ đồng và chỉ định đơn vị trúng thầu trong cùng một quyết định sau khi đã mở thầu, trái quy định của Luật đấu thầu; không khảo sát đơn giá để lập, thẩm định, phê duyệt, làm tăng dự toán gói thầu 6b1 lên hơn 94 tỷ đồng; hợp thức hóa chỉ định thầu vượt thẩm quyền gói thầu 6b1,6b2; gây thiệt hại về kinh tế hàng chục tỷ đồng.

Sử dụng sai hơn 400 tỷ đồng

Tháng 8-2010, Vinalines phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu để huy động vốn vào việc đóng mới, mua tàu và làm vốn đối ứng cho các dự án: cảng Vân Phong, Cam Ranh, Cái Cui, kho bãi Hải An.

Tuy nhiên, Tổng Cty này đã sử dụng không đúng mục đích hơn 400 tỷ đồng, trong đó dùng 249,430 tỷ đồng để góp vốn thành lập các doanh nghiệp mới, chi phí toà nhà Ocean Park hơn 8,2 tỷ đồng, chi phí văn phòng Vinalines 166,194 tỷ đồng.

Việc quản lý nguồn vốn, quản lý nợ phải thu của Vinalines bị đánh giá chưa tốt; có 5 khoản nợ số tiền hơn 23 tỷ đồng kéo dài nhiều năm chưa thu được, có nguy cơ mất vốn.

Để xảy ra sai phạm về hạch toán dẫn đến số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp của 2 đơn vị thuộc Vinalines phải nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước là hơn 8 tỷ đồng. Trong đó, Cty Cổ phần vận tải Biển Bắc phải nộp hơn 1,7 tỷ đồng; Cty TNHH MTV cảng Sài Gòn phải nộp gần 6,3 tỷ đồng.

Đầu tư ngoài ngành cũng có vấn đề

Cũng theo TTCP, trong giai đoạn 2007-2010, Vinalines đã đầu tư và góp vốn tại 158 doanh nghiệp. Tuy nhiên vốn góp vào các doanh nghiệp còn dàn trải, hiệu quả thấp, quản lý vốn còn nhiều hạn chế làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước giao cho đơn vị, cụ thể: Vinalines không ghi nhận khoản đầu tư 15 tỷ đồng vào Cty Xuất nhập khẩu vật tư đường biển; đầu tư vào Cty cổ phần Chứng khoán thủ đô vượt mức quy định 2,18%; Năm 2010, Cty cổ phần bất động sản Vinalines góp 58 tỷ đồng vào Cty cổ phần Khai thác đường biển Ninh Thuận. Nhưng, Giám đốc Cty này đã bị khởi tố về hành vi “lợi dụng chiếm đoạt tài sản”, dẫn đến Vinalines có khả năng mất toàn bộ 36,7 tỷ đồng vốn góp vào doanh nghiệp này.

Sáng nay (22-5), Bộ Công an họp báo thông báo kết quả điều tra bước đầu về những tiêu cực, sai phạm xảy ra tại Vinalines. Thông tin chi tiết buổi họp báo sẽ được Tiền Phong đăng tải trên số báo sau.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.