Hàng loạt sai sót ở cầu vượt biển dài nhất Việt Nam: Trách nhiệm Bộ Giao thông tới đâu?

Các chuyên gia đề nghị cần xem xét trách nhiệm từ Bộ GTVT đến các cơ quan quản lý trực tiếp, các nhà thầu tại dự án quan trọng này. Ảnh: Mạnh Thắng.
Các chuyên gia đề nghị cần xem xét trách nhiệm từ Bộ GTVT đến các cơ quan quản lý trực tiếp, các nhà thầu tại dự án quan trọng này. Ảnh: Mạnh Thắng.
TP - Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng vừa chỉ ra hàng loạt khiếm khuyết của dự án đường ôtô Tân Vũ-Lạch Huyện (Hải Phòng) về chất lượng kết cấu nền, mặt đường, thi công cầu… Các chuyên gia cho rằng, những sai sót này không thể khắc phục triệt để và cần xem xét trách nhiệm của Bộ chủ quản dự án quan trọng này.

Cầu và đường đều có lỗi kỹ thuật

Theo đó, một số vị trí móng đường cấp phối đá dăm (bên bờ Cát Hải) có biểu hiện phân tầng, bề mặt rời rạc; chưa chú trọng thi công đảm bảo độ chặt lớp cấp phối đá dăm tại vị trí mép lề đường. Chất lượng thi công lớp bê tông nhựa C12,5 trên mặt cầu qua quan sát cho thấy, độ bằng phẳng không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; thi công mối nối dọc chưa tốt; bề mặt tồn tại nhiều vệt lu lốp; một số vị trí bề mặt bê tông nhựa rời rạc, độ rỗng lớn.

Đáng nói, theo hồ sơ thi công lớp bê tông nhựa, giai đoạn lu sơ bộ có thời gian lu kéo dài và nhiệt độ suy giảm nhiều (từ 153 độ C- 132 độ C) trong khi giai đoạn thực hiện lu lốp hình thành cường độ thì lại ngắn và nhiệt độ của cấp phối chưa tốt (132 độ C- 93 độ C).

Về công tác thi công cầu, một số đốt dầm trong các nhịp từ trụ P27-P28, P28-P29 đã xuất hiện vết nứt, cần tiếp tục quan trắc. Chưa kiểm toán độ ổn định của mố và sức chịu tải của móng trên sơ đồ cọc nghiêng. Ngoài ra, qua quan sát cho thấy, gối cao su bản thép có độ phình hai bên hông rất lớn trong khi chưa có hoạt tải. Một số vị trí mối nối các đốt dầm SBS được làm kín bằng keo Epoxy có hiện tượng bị thấm nước và hiện tại nước đọng trong lòng hộp.

Đặc biệt, về cầu sông Cấm, một dầm “T” không đảm bảo kích thước hình học theo thiết kế nên khi lắp đặt bị vượt cao độ khoảng 5cm so với các dầm còn lại. Hiện tại đã thi công liên kết các dầm nên việc khắc phục, sửa chữa là rất khó khăn.

Nền đường đầu cầu sông Cấm vẫn tiếp tục lún so với dự báo của thiết kế. Để đẩy nhanh tiến độ thông xe nhà thầu dự kiến sử dụng biện pháp tăng tải để giảm thời gian lún. Tuy nhiên, nhà thầu chưa có các bản tính toán cụ thể để chứng minh rằng việc tăng tải này không ảnh hưởng đến điều kiện an toàn chịu lực kết cấu của mố đã được thi công hoàn thành trước đó.

Có khắc phục được không?

Trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Huy Kiểm - Trưởng phòng Quản lý dự án 3 (đơn vị trực tiếp quản lý dự án, thuộc Ban Quản lý dự án 2, Bộ GTVT) cho hay, quá trình kiểm tra, các đơn vị liên quan tại dự án đã hợp tác, trao đổi, giải trình kỹ lưỡng với Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng. “Chúng tôi đã giải trình toàn bộ các nội dung trước khi kết luận. Còn việc kết luận thuộc quyết định của hội đồng, chúng tôi không thể can thiệp và chúng tôi thống nhất với các nội dung kết luận”, ông Kiểm nói.

Một trong lỗi nặng nhất được đề cập là một dầm T của cầu vượt sông Cấm không đảm bảo kích thước, vượt cao độ 5 cm với các dầm khác (đã hoàn thành lắp đặt). Ông Kiểm cho biết sẽ khắc phục bằng cách tăng thêm phần nhựa phủ mặt cầu. “Biện pháp này hoàn toàn đảm bảo độ chịu tải của cầu. Khi thực hiện xong sẽ được kiểm định, kết luận của cơ quan chức năng”, ông Kiểm khẳng định. Đơn vị thi công hạng mục cầu Sông Cấm là Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn.

Việc mặt đường xuất hiện các vệt lu lốp, thi công mối dọc chưa tốt, một số chỗ nhựa có độ rỗng lớn… được coi là khó có thể chấp nhận trong thi công mặt đường hiện nay nhưng đã xuất hiện tại dự án quan trọng này. “Tác giả” của các lỗi này cũng là Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn. Ông Kiểm cho biết, nhà thầu sẽ khắc phục bằng các biện pháp “lu bảo dưỡng”, “đoạn nào không thể khắc phục phải bóc lên làm lại”.

Ông Kiểm khẳng định các lỗi xảy ra sẽ được khắc phục trước khi đưa dự án vào sử dụng (dự kiến vào ngày 2/9 tới). Về xử lý trách nhiệm, hiện Ban QLDA 2 đang tập trung tìm hiểu nguyên nhân, từ đó sẽ quy trách nhiệm các bên.

Ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Ban QLDA 2 cho hay, trước mắt sẽ dừng thanh toán các khoản chi phí đối với tư vấn giám sát và các nhà thầu thi công ở hạng mục xảy ra lỗi, chưa kể phần tiền giữ lại để đảm bảo cho bảo hành công trình (5% tổng giá trị của mỗi gói thầu).

Theo một chuyên gia về cầu đường, với kết luận được đưa ra tại dự án này, có những sai sót khắc phục được và không khắc phục được. Cụ thể, sai sót phần móng đường dứt khoát phải đào lên làm lại, nếu không sau này đường sẽ bị biến dạng.  Sai sót dẫn đến dầm “T” của cầu Sông Cấm bị “vênh” theo vị này cũng không thể khắc phục triệt để. Đây là lỗi của nhà thầu thi công và đơn vị tư vấn giám sát (Liên danh tư vấn OCG - JBSI - NIPPON KOEI liên kết với TEDI - TIDICC – APECO).

“Rõ ràng ở đây chất lượng thi công có vấn đề nếu thiết kế đúng. Lỗi cơ bản của ta luôn thi công các công trình để chào mừng, rút ngắn thời gian là rất dở. Chúng ta phải phân rõ trách nhiệm từ nhà thầu thi công, tư vấn giám sát cho đến chủ đầu tư là Bộ GTVT”, vị này nói.

Tổng mức đầu tư dự án hơn 11.849 tỷ đồng, trong đó, vốn vay ODA Nhật Bản 50,171 tỷ yên, vốn đối ứng 1.800 tỷ đồng. Điểm đầu dự án tại nút giao Tân Vũ (Lý trình Km100+891, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, thuộc phường Tràng Cát, quận Hải An, TP Hải Phòng); điểm cuối dự án tại vị trí tiếp giáp cổng cảng Lạch Huyện, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng.

MỚI - NÓNG