Hàng loạt tàu vỏ thép hư hỏng: Tài sản cả dòng tộc sao lại làm khổ dân

Ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT
Ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT
TPO - Liên quan đến việc hàng loạt tàu cá vỏ thép của Bình Định bị  rỉ sét trầm trọng, tróc sơn..., ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT cho rằng, các cơ quan cần tiếp tục vào cuộc để sớm có kết luận, nếu thấy có dấu hiệu vi phạm hình sự thì chuyển sang cơ quan chức năng để xử lý đến nơi, đến chốn.  

Vừa qua, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra các tàu vỏ thép của Bình Định bị các lỗi chính là vỏ bị rỉ sét trầm trọng, tróc sơn... Trong 5 máy của tàu Bị hỏng thì có 4 máy không chính hãng, trong hợp đồng với ngư dân nói đóng tàu bằng thép Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng công ty TNHH Đại Nguyên Dương lại tự ý đóng bằng thép Trung Quốc...

Trao đổi với phóng viên về việc này, ông Trương Minh Hoàng cũng thấy rất bức xúc, và cho rằng cần xem lại trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị tham gia. Một phương tiện kiếm sống của người dân đến 20 tỷ có khi là tài sản của cả dòng tộc, tập thể xóm, ấp cả đời mới gom góp được nguồn tiền như vậy. Nhưng vì lý do hám lợi của ai đó mà các DN, các đơn vị, nhà cung cấp làm gian dối.

Việc này không thể đổ thừa bất cứ một lý do gì cả. Bởi hơn ai hết, họ phải biết được độ mặn của vùng biển Việt Nam như thế nào, không thể đổ thừa do yếu tố môi trường làm cho vỏ tàu bị rỉ sét được. Tôi hoàn toàn không đồng tình với lý lẽ đó.

“Tôi thấy phải sớm làm rõ trách nhiệm trong vụ việc này, thậm chí các ngành chức năng vào cuộc tính toán, xem xét nếu có liên quan đến vi phạm hình sự thì xử lý nghiêm, đem lại sự công bằng cho người dân, đặc biệt những ngư dân thuộc nhóm yếu thế.

Tôi nghe bà con chia sẻ khi ra khơi đánh bắt may mắn đi không xa thì máy móc hư hỏng nhưng chỉ việc thuê mướn để kéo tàu về đã tốn kém cả trăm triệu. Mặt khác, nếu bà con đánh bắt ngoài khơi dài ngày, có sản lượng rồi mà tàu bị hư hỏng dọc đường thì tổn thất còn lớn và nặng nề hơn.

Tôi cũng rất mong các phương tiện thông tin báo chí cùng theo dõi, lên tiếng về vụ việc này, góp tiếng nói cùng bà con ngư dân của mình đang chịu thiệt hại. Cách thức làm ăn như thế này cần phải lên án mạnh mẻ”, ông Hoàng cho hay.

Ông cũng nhấn mạnh, phải xem lại vụ việc này có yếu tố phá hoại hay không. Đây là chủ trương lớn, QH phải đưa ra bằng nghị quyết. Chủ trương này vừa là yếu tố cần có sự tham gia của người dân cùng bám biển theo nghĩa rộng hơn, bám biển lâu dài, bám xa chứ không phải bám biển ven bờ.

“Khi đi giám sát về việc thực hiện chủ trương này, tôi thấy rất tiếc và việc triển khai đã bị chậm 1 bước đến thời điểm này xảy ra sự việc tại Bình Định lại cho thấy thêm 1 điểm không chắc, hư hao, làm thiếu trách nhiệm và phải xem có yếu tố trục lợi, phá hoại chủ trương này hay không.

Tôi rất mong các cơ quan chức năng phải vào cuộc xem có việc lồng yếu tố phá hoại trong này không. Nghĩa là phá hoại chủ trương bằng cách làm gãy gánh chủ trương này dọc đường để người dân nản lòng, phá vỡ chủ trương bám biển”, ông Hoàng bày tỏ.

Đồng thời, phó chủ nhiệm cũng mong muốn Bộ NN&PTNT và các bộ chức năng nên có khảo sát tổng thể trữ lượng đánh giá trữ lượng về nguồn lợi thủy sản như thế nào để khi các phương tiện đánh bắt xa bờ, người dân biết ngư trường nào có nhiều sản lượng hải sản để đánh bắt và có thu được lợi nhuận để không chỉ bám biển mà còn đem lại thu nhập cho ngư dân.

“Qua sự việc vừa qua tôi cho rằng các cơ quan cần tiếp tục vào cuộc, ở tỉnh cũng như Bộ NN&PTNT nên sớm có kết luận, nếu thấy có dấu hiệu vi phạm hình sự thì chuyển sang cơ quan chức năng để xử lý đến nơi, đến chốn”, ông Hoàng đề nghị.

MỚI - NÓNG