Hệ lụy “xe vua” vào phố cấm - Bài 3:

Hàng loạt trạm bê tông không phép lộng hành

Ai đã cho phép trạm bê tông Việt Xô kéo theo hàng chục xe tải hoạt động tại phường Đại Kim (phố cấm) lâu nay? Ảnh: A.T.
Ai đã cho phép trạm bê tông Việt Xô kéo theo hàng chục xe tải hoạt động tại phường Đại Kim (phố cấm) lâu nay? Ảnh: A.T.
TP - Dưới danh nghĩa là công trình phụ trợ phục vụ các dự án khu đô thị mới, dự án chung cư cao tầng, hàng loạt trạm trộn bê tông không phép đã “mọc” lên. Cùng với việc gây ô nhiễm môi trường, gây ồn, các trạm này đang tiếp tay cho “hung thần” khi mà hằng ngày, một lượng lớn xe trọng tải lớn ra vào liên tục.

Trạm bê tông kéo “xe vua” vào nội đô

Quy định việc thành lập các trạm trộn bê tông dịch vụ (cung cấp bê tông cho công trình xây dựng) phải xa khu dân cư và phải đảm bảo những điều kiện nghiêm ngặt như về vệ sinh môi trường; hệ thống đường vào, đường ra riêng biệt không đi chung với đường giao thông… Nhưng thực tế các trạm trộn thì ngược lại, thậm chí hầu hết hoạt động không phép.

Dọc tuyến đường vành đai 3 trên khu đất của các dự án khu đô thị Tây Nam Kim Giang, khu đô thị mới Đại Kim…, thuộc quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì đang tồn tại những trạm trộn bê tông không phép hoạt động suốt ngày đêm. Đầu tiên phải kể đến trạm trộn bê tông trên đường Nguyễn Xiển, nằm ngay trước trụ sở UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì). 

“Lúc đầu chúng tôi nghĩ trạm trộn này lập lên để phục vụ cho dự án khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang hay dự án nhà cao tầng bên cạnh. Nhưng suốt hơn 1 năm nay dự án không thấy triển khai, trong khi trạm trộn hoạt động không nghỉ, các xe trọng tải lớn ra vào liên tục phá nát đường sá của khu dân cư”, ông Lê Hữu Tốn, người dân ở xóm Lẻ, xã Tân Triều cho biết.

“Theo cá nhân tôi đây cũng là kẽ hở vì trước đây quy định các công trình tạm, phụ trợ trong dự án đều không phải cấp phép. Các trạm này chỉ lập mặt bằng thuộc dự án của chủ đầu tư được phê duyệt thế là xong. Nhưng thực tế, nhiều dự án đất để không, không triển khai mà trạm trộn lại hoạt động cung cấp cho các dự án khác”.

Đại diện Phòng cấp phép xây dựng - Sở Xây dựng TP Hà Nội

Cách trạm trộn Tân Triều không xa là một trạm trộn nằm trên khuôn viên khu đất của dự án khu đô thị mới Đại Kim thuộc phường Đại Kim (quận Hoàng Mai). Theo ghi nhận, trạm trộn này có quy mô lớn nhất ở khu vực quận Hoàng Mai, bởi lâu nay nó cung cấp bê tông tươi cho rất nhiều dự án nhà cao tầng khu vực Linh Đàm. Hằng ngày, từ trạm trộn này từng đoàn xe bồn, xe chở vật liệu trọng tải lớn nối đuôi nhau ra vào liên tục. Khi được hỏi về giấy phép hoạt động của trạm trộn, một cán bộ Thanh tra Xây dựng quận Hoàng Mai phân bua: “Đúng là trạm trộn này rất lớn nên khi hoạt động lượng xe bồn, xe chở vật liệu ra vào liên tục gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn lớn cho khu dân cư xung quanh. Sắp tới trạm sẽ phải gỡ bỏ để thực hiện dự án bởi họ thuê tạm đất của dự án, còn giấy phép thì có lẽ không có”.

Tại quận Nam Từ Liêm dọc tuyến đường Lê Quang Đạo thuộc phường Mễ Trì và phường Phú Đô, trước đây được xem là thủ phủ trạm trộn bê tông. Ngay đầu đường Lê Quang Đạo giáp với đại lộ Thăng Long thuộc địa bàn phường Mễ Trì hiện vẫn tồn tại trạm trộn mang tên PVSD. Thậm chí ngay trong khu đất của khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình cũng đang tồn tại trạm trộn của Cty Việt Hàn với quy mô lớn.

Ai tiếp tay cho trạm bê tông không phép?

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Từ ngày tôi về Sở công tác đến nay chưa thấy có trạm trộn bê tông nào được cấp phép, còn trước nay thì không rõ. Hiện đa số trạm trộn nằm trong biện pháp thi công hay dưới dạng là công trình phụ trợ để phục vụ dự án thôi”. 

Theo ông Trung, dù không phải cấp phép dạng công trình xây dựng nhưng trạm trộn phải hoạt động trong khu đất thuộc dự án và phải đảm bảo các điều kiện vệ sinh, môi trường: “Trách nhiệm trong việc quản lý các trạm trộn bê tông hiện nay đã được phân cấp cho các lực lượng, cho các quận, phường. Chẳng hạn nó gây ô nhiễm, tiếng ồn thì chính quyền phải kiểm tra xử lý chứ”, ông Trung cho hay.

Trong khi đó đại diện Phòng Cấp phép xây dựng (Sở Xây dựng) cho biết, về nguyên tắc bất cứ công trình nào xây dựng đều phải xin phép, nhưng do thường dưới dạng công trình phụ trợ phục vụ dự án, quy mô nhỏ nên nếu phải cấp phép thì cũng thuộc thẩm quyền quận, huyện chứ Sở không cấp.

Chánh Thanh tra Sở TN&MT, ông Trần Anh Dũng lý giải quy định các trạm trộn hoạt động đều phải có giấy phép đảm bảo môi trường do Sở TN&MT hoặc do quận, huyện cấp tùy thuộc quy mô, tính chất trạm trộn. “Qua kiểm tra rất ít trạm trộn đủ điều kiện. Thời gian vừa qua, trạm trộn nào bị người dân phản ánh chúng tôi kiểm tra và yêu cầu đóng cửa”, ông Dũng nói. 

Vị Chánh Thanh tra cũng cho rằng, do có nhiều trạm trộn dưới dạng công trình phụ trợ nên cũng dễ “lách”: “Nếu là dạng công trình phụ trợ thì đánh giá tác động môi trường cũng khác vì nó nằm trong đánh giá tác động môi trường chung của dự án, nó không phải dưới dạng xây nghiền như các nhà máy, trạm bê tông độc lập”, ông Dũng cho hay. 

Cho rằng thẩm quyền cấp phường để xử lý các trạm trộn hoạt động không phép rất khó khăn, ông Hứa Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) cho hay: “Trong 11 trạm không phép, sau bao năm xử lý đến nay vẫn còn một trạm trộn PVSD hoạt động chưa được xử lý”.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.