Hàng loạt vấn đề 'khó, nóng' chờ Quốc hội

Hàng loạt vấn đề 'khó, nóng' chờ Quốc hội
TPO - Trong một tháng làm việc, Quốc hội sẽ thực hiện hàng loạt nhiệm vụ quan trọng như cân nhắc sửa đổi Hiến pháp, bỏ phiếu tín nhiệm, điều chuyển nhân sự và tìm giải pháp vực dậy nền kinh tế đang khó khăn...

Ngày mai, Quốc hội bắt đầu kỳ họp 'nóng'
> Nêu cao trách nhiệm gương mẫu của người đứng đầu
> Ý kiến đại biểu Quốc hội trước phiên khai mạc

Sáng 20/5, phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm là đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước

Hàng loạt vấn đề 'khó, nóng' chờ Quốc hội ảnh 1
Toàn cảnh khai mạc Kỳ họp thứ năm. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tích cực phối hợp, nâng cao chất lượng chuẩn bị các nội dung của kỳ họp theo đúng chương trình, tiến độ đã đề ra.

Trong một tháng làm việc, Quốc hội sẽ thực hiện hàng loạt nhiệm vụ quan trọng như cân nhắc sửa đổi Hiến pháp, bỏ phiếu tín nhiệm, điều chuyển nhân sự và tìm giải pháp vực dậy nền kinh tế đang khó khăn.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến, góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội được tiến hành trong lúc tình hình kinh tế khu vực và thế giới đang trong quá trình phục hồi, nhưng chưa thực sự bền vững. Năm tháng đầu năm 2013, tăng trưởng kinh tế trong nước cao hơn cùng kỳ năm trước; lạm phát được kiềm chế, giá cả ổn định, lãi suất giảm, kim ngạch xuất khẩu tăng khá; an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại được tăng cường; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm...

Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô vẫn chưa ổn định, nhiều khó khăn thách thức còn hiển hiện, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục gặp khó khăn; việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu chậm được giải quyết; tồn kho hàng hóa và bất động sản còn lớn; số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tiếp tục tăng; việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Tình hình đó đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực và đồng bộ, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, tạo đà phát triển bền vững cho những năm sau. 

Một là, tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân. Vừa qua, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Việc tổ chức để nhân dân góp ý xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này được xác định là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Vì vậy, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý sâu rộng trong toàn dân, bảo đảm tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, được tổ chức dưới nhiều hình thức thích hợp.

Về việc xem xét dự án Luật đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhận định đây là dự án luật tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước và đời sống của nhân dân. Xét thấy đây là một dự án Luật quan trọng, liên quan đến quyền, lợi ích của các tầng lớp nhân dân, có nhiều nội dung phức tạp, ý kiến còn khác nhau, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ý kiến góp ý của nhân dân, tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn, bảo đảm tính khả thi để việc thi hành được thuận lợi, khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong thực thi chính sách pháp luật về đất đai hiện nay.

Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, đề cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước.

Các đại biểu trao đổi bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Các đại biểu trao đổi bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt đầy đủ thông tin, tuân thủ quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận, đánh giá một cách thận trọng, khách quan, công tâm, thể hiện mức độ tín nhiệm đối với các vị được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đây sẽ là một nội dung hoạt động quan trọng, thường niên của Quốc hội, bảo đảm để Nghị quyết của Quốc hội được thực thi trong cuộc sống, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Tại phiên khai mạc, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2012; tình hình thực hiện nhiệm vụ bốn tháng đầu năm và những giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành trong những tháng còn lại của năm 2013.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Ðảm trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri .

10 dự án Luật sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 5: Luật giáo dục quốc phòng-an ninh; Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi); Luật phòng, chống khủng bố; Luật phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật hòa giải cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh và Luật đất đai (sửa đổi).

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.