Hàng loạt vụ vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm

Hàng loạt vụ vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm
TP - Ngày 22/10, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) quận Thủ Đức, TPHCM phát hiện một vụ kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH) trái phép quy mô lớn.
Hàng loạt vụ vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm ảnh 1
Người tiêu dùng thật khó phân biệt mũ bảo hiểm thật với mũ nhái được bày bán trên thị trường

Tại địa chỉ 2/5, KP4, phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) bà Phan Thị Ý Nhi (sinh năm 1977) bị bắt quả tang đang giao 1.962 chiếc MBH cho khách hàng để vận chuyển ra Huế tiêu thụ nhưng không hóa đơn chứng từ. Số MBH này mang các nhãn hiệu Hongda, SH, X-Hero và được sản xuất tại Việt Nam nhưng không có địa chỉ sản xuất cụ thể.

Tiếp tục kiểm tra tại địa chỉ trên, lực lượng QLTT phát hiện thêm 1.393 chiếc MBH có nhãn hiệu và tình trạng “lai lịch” tương tự. Bà Ý Nhi khai nhận, tất cả số mũ kể trên (tổng cộng 3.355 cái) đều do Việt Nam sản xuất và bà mua của Cty Nghĩa Phát (ở KCN Lê Minh Xuân) với giá 42.000 đồng/chiếc.

Theo kế hoạch, số mũ này sẽ được chuyển ra Huế bán với giá 45.000 - 49.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, toàn bộ việc mua đi bán lại số mũ này đều không có hóa đơn chứng từ và bà Ý Nhi cũng không có bất cứ giấy phép hoạt động kinh doanh nào liên quan đến MBH.

Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết, trong thời gian gần đây đã phát hiện hàng loại vụ vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH) ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là các hành vi làm giả và nhái nhãn hiệu; hàng không đúng mẫu đăng ký; tiêu thụ MBH không hóa đơn chứng từ, không tem hợp chuẩn, không giấy đăng ký kiểm định chất lượng…

Theo một cán bộ Chi cục QLTT thành phố, khi MBH lên cơn sốt, rất nhiều cơ sở và cả cá nhân không có chức năng, không được cấp phép cũng “nhảy vào” sản xuất, kinh doanh MBH để kiếm lợi nhuận.

Chỉ tính từ đầu tháng 9 đến ngày 24/10/2007, lực lượng QLTT đã phát hiện 8 cơ sở sản xuất và 50 cửa hàng kinh doanh MBH có những hành vi vi phạm như trên, và số MBH tạm giữ để xử lý lên đến trên 24.000 cái.

“Thậm chí có ngày chúng tôi phát hiện năm, bảy vụ vi phạm trong sản xuất, kinh doanh MBH và thu giữ hàng nghìn chiếc MBH không đảm bảo các quy định lưu thông” - Cán bộ QLTT này nói.

Việc kiểm soát chất lượng MBH trên thị trường cũng đang bị thả nổi. Một cán bộ Đội QLTT quận 11 cho biết, ngày 17/10, khi tiến hành kiểm tra một cơ sở sản xuất MBH, đoàn công tác yêu cầu chủ cơ sở xuất trình phiếu kiểm tra chất lượng sản phẩm; đại diện cơ sở sản xuất có đưa ra phiếu kiểm định sản phẩm nhưng là từ mấy năm trước.

“Chứng tỏ cả một thời gian dài không có cơ quan hữu trách nào “ngó ngàng” đến chất lượng sản phẩm của cơ sở này sản xuất” - Vị Cán bộ này kết luận.

Các loại MBH chất lượng không đảm bảo cũng như không rõ nguồn gốc thường được đưa về vùng ven hay các tỉnh xa tiêu thụ, nơi người tiêu dùng thiếu hiểu biết về sản phẩm MBH hoặc không có nhiều điều kiện lựa chọn.

Riêng trong ngày 23/10, tại xã Phước Vĩnh An (huyện Củ Chi), Đội QLTT Củ Chi đã phát hiện hai trường hợp bày bán MBH không rõ nguồn gốc, chất lượng.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.