Hàng ngàn nhà thuốc sẽ bị đóng cửa

Hàng ngàn nhà thuốc sẽ bị đóng cửa
TP - Trong gần 3.500 nhà thuốc trên địa bàn TPHCM, đến thời điểm này, chỉ có 168 nhà thuốc chuyển đổi thành nhà thuốc đạt chuẩn GPP (Thực hành Nhà thuốc Tốt) trong khi giờ G đã cận kề.
Hàng ngàn nhà thuốc sẽ bị đóng cửa ảnh 1
Đến nay TPHCM chỉ có 168 nhà thuốc đạt chuẩn GPP trong hơn 3.500 nhà thuốc  Ảnh: Lê Nguyễn

Mặc dù giờ G cận kề (cuối năm 2010), đến cuối tháng 6/2009, gần 3.500 nhà thuốc trên địa bàn TPHCM vẫn bình chân như vại, chưa mặn mà tham gia lộ trình thực hiện nhà thuốc GPP.

Viện nhiều lý do như vốn đầu tư ban đầu không đủ, nguồn nhân lực thiếu và nhận thức của giới dược sĩ các nhà thuốc không chuẩn, đang tạo ra rào cản khiến lộ trình GPP khó thành hiện thực.

Tuy nhiên, theo những người có trách nhiệm, những lý do trên không có cơ sở khi khách hàng đang phải từng ngày đối mặt với những nhà thuốc truyền thống - nơi không có dược sĩ tư vấn, giá cả không được niêm yết, thậm chí xuất hiện cả thuốc không rõ ràng nguồn gốc, thuốc giả.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM,  tính đến thời điểm này, toàn thành phố mới có 168/3.500 nhà thuốc đạt GPP, chiếm chưa tới năm phần trăm - một con số quá khiêm tốn.

“Điều này cho thấy, các nhà thuốc bán lẻ trên địa bàn hiện nay vẫn còn quá xem thường việc xây dựng lộ trình nhà thuốc GPP, và quan trọng hơn là xem thường sức khỏe người bệnh” - Phó Giáo sư Phạm Khánh Phong Lan cho biết.

Theo Phó Giáo sư Phong Lan, một thị trường chiếm tới 70 phần trăm thị phần dược phẩm của cả nước như TPHCM, dù có khó khăn, nhưng việc quyết liệt đối với các nhà thuốc không chuẩn hiện nay là điều phải làm và làm cho bằng được.

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, nếu đến năm 2010, các nhà thuốc vẫn không tuân thủ sẽ bị xử phạt nặng, thậm chí đóng cửa.

Bệnh nhân lãnh đủ

Hàng ngàn nhà thuốc sẽ bị đóng cửa ảnh 2Nhà thuốc GPP chính là cách giải quyết tận gốc vấn nạn phân phối thuốc lộn xộn, hỗn loạn hiện nayHàng ngàn nhà thuốc sẽ bị đóng cửa ảnh 3 - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phong Lan

Điều khiến những người tâm huyết khi thực hiện lộ trình nhà thuốc GPP băn khoăn và quyết tâm làm cho bằng được là từ trước đến nay, bệnh nhân vẫn chưa có thói quen mua thuốc phải có toa.

“Đa số vẫn cứ có bệnh là ra tiệm thuốc mua kháng sinh về uống, bất kể bệnh gì cũng uống kháng sinh. Hậu quả, lâu ngày cơ thể đề kháng với các loại kháng sinh. Đó cũng là nguyên nhân vì sao Việt Nam là nước có số người bị đề kháng kháng sinh cao nhất thế giới” - Phó Giáo sư Phong Lan cảnh báo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang khẳng định, sẽ không chấp nhận sự tồn tại của nhà thuốc mất vệ sinh, bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc quá đát, kém chất lượng tràn lan. Quan điểm trên cũng được dược sĩ Nguyễn Xuân Lập - Hội Dược học TPHCM, đồng tình.

“Lâu nay, bệnh nhân vẫn quan niệm thuốc là thứ hàng hóa bình thường, mặc sức mua bán mà không nắm được tác hại đến sức khỏe” - dược sĩ Lập nói.

“Có bệnh nhân bị một cái nhọt nhỏ ở chân cũng tưởng là bệnh ngoài da nên cứ đến nhà thuốc mua về điều trị. Mãi sau đi khám, làm các xét nghiệm ở bệnh viện mới biết mình bị tiểu đường”.

Theo Dược sĩ Lập, Bộ Y tế đã ban hành bảy loại thuốc bắt buộc phải kê toa như thuốc gây nghiện, thuốc độc A - B, thuốc kháng sinh, tim mạch hay dịch truyền…Tuy nhiên, nhiều nhà thuốc truyền thống hiện nay vẫn vô tư bán cho bệnh nhân mà chẳng cần toa của bác sĩ.

Đó là chưa kể, bệnh nhân này lại sử dụng toa thuốc của bệnh nhân khác vì thấy bệnh hao hao giống nhau; hay lấy toa thuốc cũ đi mua thuốc mà không biết bệnh mỗi lúc một khác.

MỚI - NÓNG