Nghệ An:

Hàng nghìn ngư dân chờ vay vốn đóng mới tàu

TP - Nghệ An có 9.000 hộ ngư dân đăng ký vay vốn đóng tàu cá theo Nghị định 67 nhưng số hồ sơ đủ điều kiện phê duyệt chiếm chưa đến 10%.

Anh Cao Văn Hoàng, một ngư dân xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu, Nghệ An) nói: Nghị định 67 ra đời đã khá lâu, nhưng để tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng là rất khó, vì thủ tục rườm rà. Trong khi bà con đang “khát” vốn để đầu tư cho việc nâng cấp, đóng mới, vì hầu hết tàu thuyền đã xuống cấp, công cụ đánh bắt lạc hậu.

Theo quy định hiện nay, nguồn vốn đối ứng mà ngư dân phải có là 30% đối với tàu vỏ gỗ, 5 - 10% đối với tàu vỏ thép. Điều này gây trở ngại rất lớn đối với ngư dân, đặc biệt những trường hợp điều kiện kinh tế eo hẹp. Ông Trần Văn Tý (trú tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết: hiện đang sở hữu một chiếc tàu có công suất gần 300CV, đã hoạt động từ nhiều năm nay. 

Khi Nhà nước có chủ trương cho ngư dân vay vốn cải hoán, nâng cấp tàu thuyền, ban đầu cũng có ý định đăng ký, nhưng theo quy định để đóng mới tàu vỏ gỗ có công suất từ 400CV trở lên, gia đình phải có nguồn vốn đối ứng 30%, tương đương với số tiền trên 2 tỷ đồng thì rất khó để thực hiện. Nếu tới đây, Chính phủ quyết định sửa đổi Nghị định 67 để tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn dễ dàng hơn thì gia đình ông sẽ đóng lại tàu để vươn khơi đánh bắt.

Chiều 27/7, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thừa nhận: lâu nay bà con ngư dân làm thủ tục vay vốn gặp rất nhiều vướng mắc ở ngân hàng. Đến nay, Chính phủ sửa đổi Nghị định 67 sẽ thuận lợi cho bà con ngư dân. 

Ông Hồng cho biết thêm, tỉnh Nghệ An đã triển khai nghị định này cách đây gần một năm, đã có 13 hợp đồng vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ và có 5 tàu đã được đóng xong.  Kinh phí đóng tàu tùy thuộc vào từng loại khác nhau, loại tàu vỏ gỗ kinh phí hết từ 5 đến 7 tỷ đồng, còn loại tàu vỏ thép thì phải mất 15 đến 17 tỷ đồng. Với điều kiện hiện nay, địa phương đang khuyến khích ngư dân nên đóng tàu bằng vỏ thép để đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến ra khơi, nhưng ngư dân ở đây họ vẫn muốn giữ truyền thống đóng tàu bằng vỏ gỗ.

Ngày 27/7, tại Quy Nhơn (Bình Định), Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam BIDV tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng hỗ trợ cho 7 ngư dân tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát và Hoài Nhơn (Bình Định) vay vốn đóng tàu vỏ thép khai thác xa bờ với tổng số tiền 107 tỷ đồng. Đây là đợt ký kết hợp đồng tín dụng cho vay đóng mới tàu vỏ thép có quy mô lớn nhất trong cả nước của BIDV từ trước đến nay.

Hoài Văn

MỚI - NÓNG