Hãng tin AP viết về phong trào đội MBH ở Việt Nam

Hãng tin AP viết về phong trào đội MBH ở Việt Nam
TP - Phóng viên Margie Mason của hãng tin AP (Mỹ) mô tả khung cảnh tại Bệnh viện Việt Đức với những dãy giường bệnh trong khu chấn thương đầu, trong khi những người khác chen chúc giữa phòng hoặc ở hành lang.

Đó là nội dung đoạn mở đầu bài viết của Margie Mason của hãng tin AP được phát lên mạng ngày 3/10 về phong trào đội mũ bảo hiểm (MBH) tại Việt Nam.

Hãng tin AP viết về phong trào đội MBH ở Việt Nam ảnh 1
Nhiều người dân TP Hải Phòng đội mũ bảo hiểm - Ảnh: TTXVN

Trong bài, phóng viên AP còn cho biết một số bệnh nhân lâm vào tình cảnh thương tâm chỉ vì không đội MBH khi đi xe máy.

Margie Mason viết: Tất cả những bệnh nhân bất tỉnh với chấn thương ở đầu đều do bị tai nạn xe máy mà không đội MBH.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người dân chết vì tai nạn giao thông cao nhất thế giới với gần 13.000 người thiệt mạng chỉ riêng năm ngoái. Phần lớn tai nạn liên quan đến xe máy, loại phương tiện giao thông phổ biến của nước này.

Một số người thấy phiền phức khi đội MBH nói rằng họ cảm thấy nóng bức, kềnh càng và không hợp thời trang khi đội nó. Tuy nhiên, từ ngày 15/12 tới mọi người đều phải đội cái gọi là “nồi cơm điện” này theo quy định mới nhằm bảo toàn tính mạng cho người dân.

Jean Marc Olive, Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, nói: “Không chỉ chết, hàng chục ngàn người bị thương, một số sống thực vật”. Olive và các quan chức Bộ Y tế đã khởi động chiến dịch an toàn giao thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân trước khi quy định trên có hiệu lực.

Tất cả công chức nhà nước phải đội MBH từ tháng trước và trên đường phố Hà Nội treo các tấm biển nhắc nhở người đi xe máy luôn đội mũ bảo hiểm.

Theo WHO, tỷ lệ người dân chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam là 27/100.000 người, gần gấp đôi so với Mỹ. Hàng ngày, hơn 20 triệu chiếc xe máy nhồi nhét trên các đường phố đông đúc của Việt Nam khi nước này tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Mỗi năm có thêm 2 triệu xe máy xuất hiện trên các con đường cộng với số lượng ô tô ngày càng tăng khiến luật giao thông không được quan tâm lắm. Đi quá tốc độ, lạng lách, không giấy phép lái xe và uống rượu khá phổ biến.

Hiện nay, đội MBH mới chỉ bắt buộc trên các tuyến đường cao tốc ngoài thành phố với mức phạt vi phạm 20.000 đồng. Các quan chức đang thảo luận việc tăng mức phạt lên cao hơn. Việc thực hiện quy định trên sẽ rất khó khăn.

Năm 2001, quy định này từng được đưa ra nhưng sau đó đã hủy bỏ vì những người đi xe máy phản đối. Nay đa số người dân ủng hộ chủ trương của Chính phủ về việc đội MBH nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.

 H.D
(Lược dịch)

MỚI - NÓNG