Hàng trăm công nhân phải cấp cứu vì ngộ độc thức ăn

Hàng trăm công nhân phải cấp cứu vì ngộ độc thức ăn
TP - Khoảng 12 giờ  ngày 20/3, Bệnh viện Đa khoa huyện Trảng Bom, Đồng Nai (BV Trảng Bom) tiếp nhận chuyến xe đầu tiên từ Cty Pousung Việt Nam (Pousung VN)  chuyển đến cấp cứu 12 công nhân trong tình trạng nôn ói, đau bụng.
Hàng trăm công nhân phải cấp cứu vì ngộ độc thức ăn ảnh 1
Công nhân Pousung VN bị ngộ độc cấp cứu tại BV Thống Nhất

Tiếp sau đó, hàng chục chuyến xe tấp nập chở hàng trăm công nhân từ Pousung VN đưa vào BV Trảng Bom cấp cứu. Ban Giám đốc BV Trảng Bom phải huy động tất cả y bác sĩ cấp cứu bệnh nhân.

Quá đông, nên các bệnh nhân cấp cứu phải dồn 2-3 người trên mỗi giường và phải trải chiếu ra dọc hành lang nằm.

Đến hơn 13 giờ, sau khi có khoảng 300 công nhân được đưa vào cấp cứu, BV Trảng Bom đã quá tải không thể đáp ứng được, Pousung VN tiếp tục đưa công nhân đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (BV Thống Nhất) tại TP.Biên Hòa.

Đến 15 giờ, tổng cộng BV Thống Nhất tiếp nhận 124 ca cấp cứu đến từ Pousung  VN.

Sau khi khám và cấp thuốc, BV Thống Nhất cho nhập viện 54 bệnh nhân, hầu hết đều có chung triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, trong đó có nhiều ca đang mang thai.

Tại giường cấp cứu BV Thống Nhất, bệnh nhân Trần Thị Bích Thủy công nhân tại xưởng A1, Pousung VN cho biết, buổi trưa họ ăn cơm có cá kho, canh chua giá, đậu đũa. Khi ăn thấy cơm có mùi chua và ăn xong một lát thì có đau bụng, buồn nôn và nhiều người đã xỉu.

Bệnh nhân Đỗ Thị Yến làm ở xưởng A6 kể lại: “Do số lượng công nhân đông, nên Cty bố trí cho công nhân ăn lệch giờ. Theo lịch, thì xưởng của tôi ăn lúc 12 giờ, nhưng nghe Cty phát loa thông báo là cơm có vấn đề nên phải đợi, đến hơn 13 giờ, chúng tôi mới được xuống nhà ăn và Cty cho ăn mì tôm thay cơm, nhưng ăn xong một lát thì tôi và nhiều người cùng ăn bị đau bụng phải cấp cứu”.

Đến 17 giờ, tại BV Trảng Bom vẫn còn nhiều người nằm ở  phòng cấp cứu, nhiều công nhân bớt mệt và xin về.

Bác sĩ Trần Thị Quỳnh Hương, Phó Giám đốc BV Thống Nhất cho biết: “Công nhân bị cấp cứu là do ngộ độc thức ăn, bệnh viện đã xử lý, các ca nhẹ thì phát thuốc cho về, các ca nhập viện thì cho truyền dịch, bù nước điện giải…”.

MỚI - NÓNG