Xóa “xin-cho” trong dịch vụ công ích:

Hàng trăm dịch vụ được đề nghị đấu thầu!

Vận hành trạm xử lý nước thải Trúc Bạch (Hà Nội) sẽ được chuyển sang hình thức đấu thầu. Ảnh: Như Ý
Vận hành trạm xử lý nước thải Trúc Bạch (Hà Nội) sẽ được chuyển sang hình thức đấu thầu. Ảnh: Như Ý
TP - Sở Xây dựng Hà Nội vừa đề nghị UBND thành phố Hà Nội cho phép thực hiện đấu thầu trên 100 gói thầu cung cấp dịch vụ khác nhau về công ích như chiếu sáng, vệ sinh môi trường, duy trì cây xanh, vận hành trạm xử lý nước thải nhằm tiết kiệm cho  ngân sách.

Chuyển mạnh sang đấu thầu

Ngay trong năm 2014, Sở Xây dựng đề xuất đấu thầu ngay 7 gói thầu gồm: Duy trì vệ sinh môi trường tuyến đường vận chuyển rác về khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn; duy trì cây xanh, thảm cỏ tuyến đường vành đai III; duy trì cây xanh, thảm cỏ dải phân cách giữa Đại lộ Thăng Long; duy trì, quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn Pháp Vân-Cầu Giẽ; duy trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật tuyến đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông); duy trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Văn Quán-Yên Phúc; duy trì hệ thống thoát nước khu đô thị Linh Đàm. 

Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ công ích cũng được xác định lộ trình đấu thầu trong năm 2015 và 2016 gồm: Vận hành nhà máy xử lý nước rác công suất 1.500 m3/ngày đêm thuộc khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn; quản lý, duy trì 53 nhà vệ sinh công cộng bằng thép; duy trì vệ sinh môi trường các tuyến trục chính trên địa bàn các quận như Thanh Xuân, Nam Từ Liêm; quản lý, vận hành trạm xử lý nước thải Kim Liên và trạm xử lý nước thải Trúc Bạch; xử lý nước rác tại bãi Xuân Sơn; duy trì, quản lý chất lượng nước tại các hồ trên địa bàn thành phố; nạo vét cống ngầm tại khu đô thị Việt Hưng, Pháp Vân-Tứ Hiệp; vận hành hệ thống chiếu sáng, sửa chữa thay thế thường xuyên, không thường xuyên tại nhiều quận, huyện; duy trì cây xanh, thảm cỏ nhiều vườn hoa… 

Đại diện Sở Xây dựng cho biết, những công việc phải chuyển sang đấu thầu gồm: các công việc hết thời hạn theo hợp đồng hoặc còn thời hạn nhưng chất lượng quản lý, thực hiện của đơn vị duy trì không đáp ứng được yêu cầu, bộc lộ nhiều yếu kém thì đề xuất dừng, chấm dứt hợp đồng để chuyển sang đấu thầu nhằm lựa chọn được đơn vị đủ năng lực thực hiện duy tu, duy trì hạ tầng kỹ thuật đảm bảo chất lượng, tiết kiệm cho Ngân sách Nhà nước. Với những địa bàn đang được đặt hàng duy tu, duy trì chồng chéo, đan xen nhau dẫn đến không hiệu quả về quản lý, cũng đề xuất cho phép chấm dứt đặt hàng chuyển sang đấu thầu trên phạm vi toàn bộ địa bàn. 

Với những công việc mang tính chất thường xuyên, liên tục, có thể xác định được tương đối rõ ràng trong kế hoạch, Sở Xây dựng đề nghị cho phép xây dựng danh mục để tiến hành đấu thầu ngay, thời gian thực hiện gói thầu đề xuất là 5 năm. Do số lượng các gói thầu của các lĩnh vực duy tu, duy trì hạ tầng trên địa bàn thành phố khá lớn nên Sở Xây dựng đề nghị cần có lộ trình đấu thầu phân thành giai đoạn, trước mắt là từ nay đến năm 2016.

Bao giờ hết “xin-cho”?

Theo một số chuyên gia, nếu nhìn vào danh mục các công việc, dịch vụ được đề xuất chuyển sang đấu thầu mà Sở Xây dựng trình UBND thành phố, có thể thấy phần lớn là các gói thầu có giá trị không lớn. 

Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định việc phải chuyển nhanh từ cơ chế đặt hàng sang đấu thầu là yêu cầu cần thiết để vừa thực hiện đúng quy định của Nghị định 130/2013, đồng thời khắc phục hạn chế của cơ chế đặt hàng vốn đã duy trì quá lâu. Thực tế cho thấy, việc cung cấp dịch vụ công ích theo phương thức đặt hàng từ lâu đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, trong khi khối lượng công việc ngày càng tăng rất nhanh do quá trình đô thị hóa.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị luôn trong tình trạng quá tải; các bãi chôn lấp, xử lý rác tập trung còn thiếu và chưa đồng bộ. Đáng chú ý, nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ chưa phát huy hết năng lực, chưa tích cực đổi mới phương pháp quản lý, ứng dụng công nghệ để tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng phục vụ. 

Việc phân chia địa bàn duy trì nhỏ lẻ, xen kẽ nhau, đặc biệt là địa bàn giáp ranh; công tác duy trì theo tuyến bị phân mảnh nên chưa đồng bộ giữa cơ quan quản lý, lĩnh vực duy trì dẫn đến khó khăn trong giám sát, chất lượng dịch vụ. “Việc lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ công ích chưa có tính cạnh tranh cao khi chủ yếu vẫn lựa chọn bằng phương thức đặt hàng”, Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, UBND thành phố cũng đã phê duyệt đơn giá, định mức mới đối với dịch vụ công ích theo hướng cắt giảm mạnh các chi phí không hợp lý...

Có thể thấy việc thành phố chuyển mạnh từ đặt hàng có tính chất bao cấp trước đây sang cơ chế đấu thầu là tín hiệu rất đáng mừng. 

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nếu nhìn vào danh mục các công việc, dịch vụ được đề xuất chuyển sang đấu thầu mà Sở Xây dựng trình UBND thành phố, có thể thấy phần lớn là các gói thầu có giá trị không lớn.

“Bao giờ hết cảnh xin-cho? Điều đó phụ thuộc vào việc Hà Nội có dám mạnh tay hay không”, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công ích nhận định.

Mỗi năm Hà Nội đã chi tới 4.000 tỷ đồng từ ngân sách cho việc cung cấp các dịch vụ công ích như xử lý nước thải, duy trì vệ sinh môi trường, cây xanh, chiếu sáng. Trong đó ngân sách của thành phố cấp 2.000 tỷ đồng, còn lại là ngân sách các quận, huyện chi theo phân cấp. 

MỚI - NÓNG