Hàng trăm hộ dân lao đao

Hàng trăm hộ dân lao đao
TP - Công trình Thủy điện Plei Krông thuộc địa bàn xã Kroong, thị xã Kon Tum được khởi công xây dựng vào năm 2003. Sau gần 3 năm thi công, đầu tháng 7/2006, sông PôKô chính thức chặn dòng với lưu lượng tích nước ở cao trình 570 mét.
Hàng trăm hộ dân lao đao ảnh 1
Hoa màu nay đã trở thành…bùn

Nhưng kể từ khi tích nước, hồ chứa Thủy điện PLei Krông đã khiến hàng trăm hộ dân trắng tay...

Mua gạo nợ sống qua ngày

Chủ tịch UBND xã Kroong, thị xã Kon Tum-ông Đặng Công Nữa-cho biết: “Toàn xã Kroong hiện có hơn 1.700 héc-ta đất canh tác, thì có khoảng 600 héc-ta nằm trong khu vực lòng hồ Thủy điện PLei Krông. Năm 2003, diện tích này đã được Nhà nước thu hồi, nhưng mọi thủ tục giải quyết đền bù cho  dân đến nay vẫn chưa thực hiện.

Kể từ đầu tháng 7/2006, công trình Thủy điện PLei Krông chính thức được chặn dòng. Hơn 600 héc-ta hoa màu của bà con chìm trong biển nước. Cũng từ đó, trên 150 hộ dân ở xã Kroong trắng tay. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất thuộc về bà con ở 2 thôn K’roong K’tu và K’roong K’Lả.

Theo chân ông Nữa và các thôn trưởng ở xã Kroong, chúng tôi xuống khu vực lòng hồ. Dẫn chúng tôi men theo bờ hồ thủy điện, A Bởi-Trưởng thôn K’roong K’Lả than thở: “Thôn có 186 hộ, thì có đến 123 hộ có hoa màu bị ngập với tổng diện tích 143 héc ta. Trong đó có 54 hộ bây giờ không còn tý đất nào để sản xuất. Toàn thôn nay chỉ còn 146 héc-ta đất trồng màu, không biết rồi đây bà con lấy gì để sống?…”

Cùng chung cảnh ngộ như K’roong K’Lả, 140 héc ta hoa màu của 112 hộ dân thôn K’roong K’tu cũng chìm nghỉm dưới đáy hồ. Trong số đó có 52 hộ dân hiện không còn đất sản xuất.

Thôn trưởng A Yên cho biết thêm: “Hiện 100% số hộ dân ở hai thôn này đang phải đi “mua gạo nợ” để sống qua ngày, với dự định đến mùa thu hoạch sắn trên rẫy sẽ bán và đem tiền đến trả. Nhưng nay thì…”.

Trăn trở tương lai

Ngày 31/8/2006, UBND tỉnh Kon Tum triệu tập cuộc họp ngay tại xã Kroong, do ông Đào Xuân Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Thành phần tham gia gồm: Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên Môi trường, Ban quản lý Thủy điện IV, Ban di dân lòng hồ, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, lãnh đạo và nhân dân xã Kroong.

Sau khi nghe thảo luận của các ngành chức năng và lãnh đạo, chính quyền cũng như người dân xã Kroong, Phó Chủ tịch tỉnh Đào Xuân Quý kết luận: “Giao cho Ban quản lý Thủy điện IV có trách nhiệm khảo sát và đền bù thiệt hại cho bà con có hoa màu bị ngập ở Kroong”.

Ngày 19/9/2006, Ban quản lý Thủy điện IV và lãnh đạo xã Kroong đã mở cuộc họp bàn biện pháp đền bù thiệt hại hoa màu cho người dân.

Hai bên đã thống nhất phương án “Người dân có hoa màu bị ngập, được đền bù theo mức giá chung do tỉnh quy định” (mức đền bù 4 triệu đ/1ha sắn mới trồng; 7 triệu đ/1ha sắn đang phát triển từ 4 đến 7 tháng tuổi và 10 triệu đ/1ha đối với sắn sắp thu hoạch).

Riêng số diện tích nằm trong khu vực cao trình 540 mét trở xuống, người dân được hỗ trợ một năm lương thực (90 kg gạo/khẩu). Theo người dân ở đây, mức giá này so với công chăm sóc và năng suất hiện tại là quá thấp.

Chủ tịch xã Kroong, ông Nữa trăn trở: “Lo nhất là về lâu dài, hàng trăm hộ dân thuần nông ở Kroong (chỉ trông cậy vào nương rẫy và cây sắn) sẽ không có việc gì để họ làm ăn”.

MỚI - NÓNG