Hàng trăm lái tàu bị ép phải chạy “gỡ giờ”?

Hàng trăm lái tàu bị ép phải chạy “gỡ giờ”?
Công văn 156 của Xí nghiệp đầu máy HN ngày 18/2/2005 yêu cầu thực hiện biểu đồ chạy tàu tuyến Thống Nhất đã gây áp lực căng thẳng đối với các lái tàu ?
Hàng trăm lái tàu bị ép phải chạy “gỡ giờ”? ảnh 1

Trong quá trình tìm hiểu về nguyên nhân lật tàu E1, nhóm PV Tiền Phong đã phát hiện một văn bản mà vì nó, hàng trăm người lái tàu phải chịu một sức ép kinh khủng về thời gian chạy tàu - một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn bất cứ lúc nào.

Kỷ luật thép hay thành tích?

Một tài xế của Xí nghiệp đầu máy Hà Nội cho biết, Công văn 156 do Xí nghiệp vừa ban hành ngày 18/2/2005 về việc yêu cầu thực hiện biểu đồ chạy tàu tuyến Thống Nhất đã gây áp lực căng thẳng đối với các lái tàu. Do vậy chuyện tàu chạy quá tốc độ cho phép là rất dễ hiểu.

Công văn nói rõ, những năm trước đây do công suất của đầu máy Tiệp Khắc nhỏ, cầu đường sửa chữa nhiều điểm gây quá thời gian cho việc giảm tốc độ thi công đột xuất, nên Giám đốc XN cho phép phụ trực ban đầu máy Hà Nội khi tính toán cơ báo để trả lương theo chuyến tàu cho ban máy, được cộng thêm 2 phút/một điểm thi công đột xuất.

Để đảm bảo tàu Thống Nhất chạy đúng thời trình đạt tỷ lệ cao, Giám đốc XN quy định, trong mỗi cung đoạn (Hà Nội – Vinh; Vinh – Đồng Hới; Đồng Hới - Đà Nẵng) ngoài các điểm chạy chậm cố định, nếu có thêm hơn 3 điểm chạy chậm đột xuất thì từ điểm thứ 4 trở đi, phụ trực ban đầu máy Hà Nội cộng thêm 2 phút/một điểm để phân loại cơ báo cho ban lái máy.

Văn bản “ép” thời trình  này vô hình trung đẩy cánh tài xế vào thế liên tục phải chạy “gỡ giờ”. Theo ông Vũ Văn Đoá, GĐ Xí nghiệp, việc phân tích hộp đen được tiến hành ngay sau mỗi chuyến tàu. Nếu vi phạm tốc độ, lái tàu sẽ chịu những hình thức kỷ luật nghiêm khắc.

Vậy nhưng ngay bản thân vị GĐ cũng thừa nhận có thể nảy sinh tiêu cực giữa Tổ giám sát (những người phân tích hộp đen) với lái tàu khi tàu “trót” chạy hơi “tươi”. Tổ giám sát này, theo ông Đoá, khi thì đi cùng đoàn tàu, khi thì không. Ai cũng biết, những quy định này không nằm ngoài mục đích “gói” thời gian chạy tàu Thống Nhất trong 29h và 30h – một “thành tích” đáng nể của ngành ĐS.

Vượt tốc độ vì sợ...cúp lương?

Ông Đoá khẳng định với Tiền Phong, quỹ thời gian cho các lái tàu rút ra để cộng vào thời trình của chuyến tàu là “đã được tính toán kỹ và đủ”, như vậy các lái tàu không phải lo chuyện chạy vượt tốc độ tại các đoạn cho phép để gỡ giờ.

Từ Hà Nội vào Đà Nẵng, việc chạy gỡ giờ này lại phải nằm trong khung tốc độ cho phép đã quy định rõ trong biểu đồ chạy tàu tuyến Thống Nhất (không quá tốc độ cho phép dù chỉ là thêm 1km/h). Năm qua, Xí nghiệp cũng đã xử lý phạt một số lái tàu chạy vượt tốc độ. Những tài xế này chỉ chạy vượt 1 – 2 km/h, không có chuyện vượt đến 28km/h (hơn 72%) như trường hợp tàu E1.

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về trách nhiệm của lãnh đạo Xí nghiệp ĐMHN trong việc để xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng, ông Đoá khẳng định chắc chắn Ban lãnh đạo Xí nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm liên quan.

Đặc biệt là lãnh đạo xí nghiệp sẽ phải chịu hình thức kỷ luật đối với ngành. Sáng mai (15/3) đồng chí Bí thư đảng ủy Tổng Cty sẽ xuống họp với Xí nghiệp về những vấn đề liên quan đến vụ tai nạn.

Rõ ràng mức vượt này rất không bình thường. Được biết, nếu tàu đến ga chậm 10 phút thì tài xế bị hạ lương còn 70% (lương bình quân của một lái tàu là 2,6 triệu đồng/tháng. Bùi Thái Sơn là tay lái bậc 3 - cao nhất và đã có thâm  niên trong nghề). Lúc xảy ra tai nạn, con tàu đang chậm khoảng 10 phút so với quy định. Phải chăng vì sức ép quá lớn nên Sơn phải “mát ga” tăng tốc?

Các lái tàu luôn có “án phạt” cơm áo treo lơ lửng trên khoang lái vì các điểm chạy chậm đột xuất (do đoạn đường đang có thi công sửa chữa, giông bão, súc vật chặn đường...) rải khắp tuyến Thống Nhất, đặc biệt ở khu vực miền Trung).

Theo một số lái tàu (xin được giấu tên), họ khá bức xúc với quy định khắt khe của Công văn 156. Còn ông Đoá thì khẳng định, việc thực hiện Công văn này là cần thiết đến mức... bình thường! Và, ông thẳng thắn trả lời, thời trình 29- 30h cho các chuyến tàu nhanh Bắc – Nam vẫn sẽ không thay đổi sau vụ việc nghiêm trọng này.

Theo một cán bộ kỹ thuật của Xí nghiệp, khi tàu chạy quá nhanh sẽ khiến đường ray và vành lợi của bánh tàu không ăn khớp nhau nữa, hướng dẫn lái sẽ bị thay đổi cộng với lực ly tâm ở khúc cua lớn sẽ khiến tàu bị trật ray. Thông thường như vậy những toa ở phần giữa tàu dễ bị trật bánh.

Về nguyên nhân tai nạn, theo ông Đoá là “do một phút lơ đãng của lái tàu”. Ông không xác nhận việc lái tàu Bùi Thái Sơn khi đó có uống rượu hay không. Chiều qua ông xin từ chối các phóng viên báo giới cho tiếp xúc tài xế này vì “anh ta đang trong trạng thái lo lắng, hoảng loạn về vụ việc”.

Ông Vũ Xuân Hồng, Cục trưởng Cục ĐSVN:

Việc thực hiện lộ trình chạy tàu 29 giờ và 30 giờ sẽ chưa có gì thay đổi. Tuy nhiên sau vụ tai nạn thương tâm này, Cục ĐSVN sẽ chỉ đạo Tổng Cty ĐSVN phải rà soát lại các yếu tố mất an toàn chạy tàu và tăng cường công tác đảm bảo an toàn chạy tàu.

Ông cũng cho biết, Bùi Thái Sơn đã có mặt trên một chuyến tàu đi vào Huế chiều qua để phục vụ công tác điều tra theo yêu cầu của cơ quan công an. Trước đó, Sơn đã kịp về thăm gia đình ở Hà Nội và về thăm quê ở Hải Dương. Bản thân Sơn và gia đình hiện đang lo lắng về sự liên can của Sơn trong vụ án (đã khởi tố vụ án; sẽ khởi tố bị can sau nếu phát hiện những nguyên nhân trực tiếp do con người).

Chưa có Đề án rút ngắn thời trình!

Được biết, sau Tổng Cty ĐSVN xin ý kiến Bộ GTVT cho phép rút ngắn thời gian chạy tàu, Bộ đã chỉ đạo Tổng Cty không nên rút ngắn hành trình 30h xuống 28h cho tàu SE1-2, mà chỉ đồng ý rút xuống còn 29h.

Thêm nữa, việc rút ngắn hành trình phải được Tổng Cty lập đề án và được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về mặt kỹ thuật và vốn đầu tư. Thế nhưng không hiểu vì sao đến nay bản Đề án rút ngắn thời gian chạy tàu chưa được trình lên các cơ quan chức năng phê duyệt.

Song, trên thực tế, việc rút ngắn thời gian chạy tàu vẫn được Tổng Cty đã và đang thực hiện.

Ngoài ra, hầu hết cơ sở hạ tầng của Tổng Cty ĐS (như đầu máy, toa xe...) chưa được mua bảo hiểm. Ví như trong vụ tai nạn vừa qua, hàng chục tỷ đồng của Nhà nước sẽ không được bồi thường thiệt hại. Phải chăng ngành ĐS quá khó khăn, không thể mua bảo hiểm cho khối tài sản khổng lồ của Nhà nước?

Chiều nay, Tổng Cty ĐSVN sẽ có cuộc họp báo về vụ việc.

MỚI - NÓNG