Hàng trăm mẫu ruộng bị bỏ hoang vì dồn điền đổi thửa

Cả trăm mẫu ruộng tại xã Tri Thủy bị bỏ hoang. ảnh: Minh Tuấn
Cả trăm mẫu ruộng tại xã Tri Thủy bị bỏ hoang. ảnh: Minh Tuấn
TP - Hàng loạt vụ khiếu nại đông người liên quan dồn điền đổi thửa đã xảy ra tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Riêng tại xã Tri Thủy, dù đã quá thời hạn gieo cấy vụ Đông Xuân nhưng đến nay cả trăm mẫu ruộng vẫn bỏ hoang, dân chưa có ruộng trồng cấy vì mâu thuẫn gay gắt trong chia lại ruộng đất...

Một suất ưu đãi, chục người ăn theo

Liên tục trong mấy ngày vừa qua, nhiều người dân tại xã Tri Thủy đã khiếu nại đến nhiều cơ quan của huyện, thành phố, phản ánh những dấu hiệu tiêu cực, bất công trong thực hiện dồn điền đổi thửa tại xã này.

Trong đơn gửi báo Tiền Phong, nhiều người dân tại thôn Vĩnh Ninh cho biết, ngày 31/8/2013, người dân trong thôn đã họp và thông qua Nghị quyết ưu tiên chia 1 suất ruộng loại I cho những đối tượng chính sách như thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ. Tuy nhiên, khi thực hiện, thì không chỉ đối tượng trên được hưởng ưu tiên mà ngay cả vợ, con, cháu cũng đều có suất “ăn theo”. Có trường hợp người dân đã bốc được số thứ tự nhưng cũng không được chia mà phải nhường suất ruộng này cho “đối tượng ưu tiên”.

Phản ánh của người dân xã Tri Thủy, nhiều cán bộ, đảng viên đã thiếu gương mẫu trong dồn điền đổi thửa. Điển hình là nhiều khu lều lán, vườn cây mọc trái phép trên đất canh tác nhiều năm vẫn không bị xử lý, thậm chí còn có thái độ thách thức người dân, coi thường pháp luật gây khó khăn cho việc chia lại ruộng đất.

Đáng chú ý, có hộ dân trong xã chỉ có 0,88 sào ruộng nhưng được chia làm hai thửa, trong đó 1 thửa ruộng có chiều ngang vỏn vẹn 26 cm, không đủ diện tích để đắp bờ! Bất bình không chấp hành kết quả chia lại ruộng đất của địa phương, một số người dân còn cho biết thêm, dù xã thông báo thu hoạch vụ Đông xong mới đắp đường nhưng ngay từ tháng 8/2013 xã đã đưa máy móc vào xúc đất gây thiệt hại nặng nề cho hàng chục mẫu ruộng trồng đậu tương, ngô...

“Né” trách nhiệm

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lại Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Thủy, thừa nhận đúng là còn tới khoảng 100 mẫu ruộng bị chậm đưa vào canh tác do vướng mắc trong dồn điền đổi thửa.

Ông Quyết cho biết: Để xảy ra tình trạng này có phần nguyên nhân từ chính Nghị quyết của thôn Vĩnh Ninh khi đã chiếu cố cho các hộ đã xây dựng lều lán không phải phá dỡ mà được phép để lại và ưu tiên cho các gia đình chính sách khi chia ruộng nhưng lại cho tự chọn vị trí theo mong muốn. “Nghị quyết của thôn cho phép thực hiện hai nội dung này là rất dở, là nguyên nhân gây ra xung đột sau này”-ông Quyết nói.

Ông Quyết nêu ví dụ có 4 trường hợp là đối tượng chính sách khi cho tự nhận ruộng thì cả 4 ông lại cùng nhận một khu vực dẫn đến người khác mất cơ hội được chia đất tại khu vực đó. Có trường hợp đã chia đến số thứ tự 58 rồi nhưng số 59 không chia được vì lại rơi vào “suất” của một trường hợp “ưu tiên”, dẫn đến người dân kiến nghị.

UBND xã cho rằng, sai lầm lớn nhất trong Nghị quyết của thôn là cho người thuộc đối tượng chính sách tự nhận vị trí, dẫn đến không ai muốn nhận chỗ xấu. Ông Lại Văn Quyết khẳng định: Đúng là có chuyện cả gia đình đối tượng chính sách cùng được nhận ưu tiên. Vấn đề là khi chia ruộng thì cả vợ, con kéo vào cùng hưởng thêm suất ưu tiên nên dẫn đến mâu thuẫn. Nghị quyết thông qua thiếu chặt chẽ, chỉ ghi là “ưu tiên hộ gia đình chính sách” nên có người hiểu nhầm là cả vợ, con, dâu, rể... đều được hưởng.

Làm rõ trách nhiệm cán bộ liên quan

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Chiêu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên khẳng định đang làm rõ trách nhiệm của cán bộ liên quan để xử lý.

Hàng trăm mẫu ruộng bị bỏ hoang vì dồn điền đổi thửa ảnh 1 Ông Nguyễn Đình Chiêu

Nhiều người dân trong xã phản ánh có tình trạng người nhà lãnh đạo vi phạm nhưng được bao che. Việc này ông có biết không?

Để xảy ra tình trạng này có nguồn gốc từ người nhà của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã. Ông này có quán bán tiết canh lòng lợn dựng lên trái phép trên đất canh tác. Đồng chí Bí thư Đảng ủy không bao che nhưng cũng không thuyết phục nổi người nhà. Thứ hai là các hộ dựng lều lán vi phạm đều có lời lẽ nặng nề với dân cho nên người dân đã bất bình. Hơn 100 mẫu ruộng tương đương với giá trị thu hoạch lên tới gần 24 tỷ đồng/vụ, ai có thể đền bù cho dân được? Tôi phải nói rằng việc chia suất ưu tiên cho cả người nhà của đối tượng chính sách là sai.

Phương án chia ruộng đã được xã, huyện phê duyệt. Vậy trách nhiệm của cán bộ liên quan đến đâu?

UBND huyện cũng đang làm rõ để xử lý trách nhiệm. Lãnh đạo xã Tri Thủy đã chậm báo cáo lên huyện, thậm chí còn che giấu thông tin. Huyện chỉ phê duyệt phương án tổng thể, còn chi tiết thì xã phải bàn với dân.

Hàng trăm mẫu ruộng bỏ hoang, người dân giảm lòng tin vào chính quyền. Điều gì được lãnh đạo huyện rút ra từ các vụ việc này?

Tổng cộng tôi đã trực tiếp xử lý 5 điểm nóng/7 điểm của huyện và đều liên quan đến nông thôn mới. Xã Phú Yên vào tháng 1/2014 cả làng không đi họp, bất hợp tác với chính quyền, không trồng cấy nhưng nay đã được xử lý dứt điểm, người dân đã sản xuất ổn định. Khi dồn điền đổi thửa, liên quan đến quyền lợi của người dân thì cán bộ phải rất công tâm.

Cảm ơn ông.

Minh Tuấn - Thùy Linh

MỚI - NÓNG