Hàng trăm mộ giả chờ trục lợi dự án

Những ngôi mộ đã bị đình chỉ xây dựng.
Những ngôi mộ đã bị đình chỉ xây dựng.
TP - Dự án Khu di tích đồi Trung Sơn (thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) vừa mới được công bố quy hoạch ít ngày, khu đồi lịch sử bỗng mọc lên hàng trăm ngôi mộ giả, cây cối bị tàn phá xác xơ.

Đốt cây, đắp hàng trăm mộ giả       

Sáng 6/4, có mặt tại đồi Trung Sơn, chúng tôi ghi nhận hàng trăm ngôi mộ giả vừa mới được dựng lên, cây cối bị đốt cháy, chặt phá tận gốc. Ngay sát bìa rừng, một số khu mộ được xây lên còn dang dở phần thô, gạch đá nằm ngổn ngang giữa nền xi măng bị UBND xã Hòa Liên phát hiện cắm mốc đình chỉ xây dựng. Vào sâu bên trong, rất nhiều khu mộ giả vừa được vun lên bằng cát trắng, mỗi khu trên dưới mười ngôi mộ nhỏ xíu nằm san sát nhau, hai bên cây cối mới chặt vứt lại từng đống nhánh cây chưa kịp kéo.

Ông Võ Chí Thanh, trưởng thôn Trung Sơn, khẳng định: “Nhìn vào là biết mộ giả liền, bà con sống ở đây hằng trăm năm, thuộc rừng như thuộc lòng bàn tay mà có bao giờ gặp những ngôi mộ này đâu. Cách đây chừng chục ngày tôi có vào rừng mà không thấy những khu mộ này. Vả lại mộ thật sao phải chôn mỗi ngôi cách nhau có vài gang tay, không hề hương khói vậy được”.

Tại khu vực giữa rừng, nhiều bụi cây to bị đốt cháy rụi, trơ gốc, một vài khu đất rộng có tới 50 ngôi mộ giả được đắp sơ sài, không xây bằng xi măng. Cụ Nguyễn Tấn Phát (thôn Trung Sơn), bức xúc: “Không rõ tại sao hàng trăm ngôi mộ lại xuất hiện đúng vào thời điểm công bố quy hoạch này làm mọi người hoang mang. Dân ở đây coi rừng như máu thịt, hết đời này đến đời khác ra sức trông coi, bảo vệ, không ai đả động tới cánh rừng linh thiêng này cả. Vậy mà giờ rừng bị cháy xác xơ, đi đâu cũng gặp hục hố, mộ giả, thật quá ức!”.

Ông Nguyễn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, nói: “Sau khi công bố quy hoạch dự án Khu di tích đồi Trung Sơn, một số đối tượng đã lợi dụng chặt cây, lập mộ giả để trục lợi từ dự án, xã đã báo cáo lên huyện để các lực lượng chức năng xuống kiểm tra, rà soát hiện trường. Hiện tại vẫn chưa xác định được ai đã thực hiện hành vi trên”.

Hàng trăm mộ giả chờ trục lợi dự án ảnh 1

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng trăm ngôi mộ giả được vun lên bằng cát trắng sơ sài. Ảnh: Thanh Trần

Sáng cùng ngày, đội quy tắc đô thị, kiểm lâm huyện Hòa Vang và cán bộ xã Hòa Liên đã vào khu đồi Trung Sơn kiểm đếm số cây rừng bị chặt phá và mộ giả. Lực lượng dân phòng chốt chặn khắp các lối ra vào xung quanh khu đồi đề phòng các đối tượng tiếp tục có hành vi xâm hại khu rừng.

Đảm bảo hoàn thành dự án, dân mới yên lòng

Cuối tháng 3/2016, UBND thành phố Đà Nẵng công bố quy hoạch dự án Khu di tích đồi Trung Sơn (tại xã Hòa Liên, Hòa Vang) với tổng diện tích hơn 12ha, mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 50 tỷ đồng, trong đó kinh phí đầu tư bồi thường giải tỏa 14 tỷ đồng, kinh phí xây dựng 36 tỷ đồng, do Công ty TNHH Đầu tư NLPT làm chủ đầu tư. Dự án gồm các hạng mục như trùng tu di tích và nâng cấp di tích nhà bia hiện trạng, tôn tạo cảnh quan đình làng Trung Sơn, cảnh quan, cây xanh, lối đi dạo...

Theo số liệu của UBND xã Hòa Liên, rừng Trung Sơn trước nay được 187 hộ dân xung quanh trông coi, bảo vệ, sau khi công bố quy hoạch, có 42 hộ nằm trong vùng dự án, và 20 hạng mục là đình, miếu, mộ, bia di tích… Trong các cuộc họp công bố quy hoạch trước đó, người dân lo ngại dự án làm thay đổi hiện trạng của khu rừng, đồng thời băn khoăn về việc tận thu cát trong quá trình làm dự án của nhà đầu tư. Bà con bày tỏ nguyện vọng chủ đầu tư cần về đối thoại với dân, nghe dân góp ý về quy hoạch, bởi dẫu sao khu rừng với niên đại hơn 300 năm đã gắn với bà con, bà con hiểu hơn ai hết. Ngoài ra phải công bố quy hoạch chi tiết, có người chịu trách nhiệm cụ thể khi chủ đầu tư không triển khai dự án.

Rừng Trung Sơn có niên đại hơn 300 năm, là di tích lịch sử cách mạng, nơi che chở cho cán bộ chiến sĩ trong các cuộc kháng chiến của dân tộc. Đây cũng là nơi sinh ra 24 mẹ Việt Nam anh hùng và cũng là nơi yên nghỉ của 80 liệt sĩ.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.