Hàng trăm nghìn con bò khát nước trong hạn, mặn

Ông Nguyễn Văn Nam (bìa phải) ở xã Mỹ Hòa và ông Phạm văn Hở ở xã Mỹ Nhơn đang mót rơm phơi trên đường. Ảnh: Thanh Phong.
Ông Nguyễn Văn Nam (bìa phải) ở xã Mỹ Hòa và ông Phạm văn Hở ở xã Mỹ Nhơn đang mót rơm phơi trên đường. Ảnh: Thanh Phong.
TP - Nước mặn đã bao trùm toàn bộ tỉnh Bến Tre, hơn 19.700 ha lúa chết nên không chỉ người nông dân khốn đốn mà khoảng 150.000 con bò cũng thiếu nước uống và rơm ăn.

Đàn bò của tỉnh Bến Tre tập trung nhiều ở huyện Ba Tri. Trong đó, 3 xã Mỹ Nhơn, Mỹ Chánh và Mỹ Hoà chiếm gần 70% số bò toàn huyện. Ông nông dân Nguyễn Văn Nam ở ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Hòa đang mót rơm trên đường cho biết: “Tôi thuê 1,2 ha đất trồng lúa và nuôi 10 con bò. Trước đây, với số ruộng này đủ rơm nuôi bò nhưng bây giờ lúa chết trắng nên đang rất khốn đốn vì cái gì cũng phải mua. Ít rơm vương vãi này cũng phải gom nhặt, không dám bỏ phí”.

Ông ngừng tay gom rơm, tính toán mua các thứ nuôi bò: rơm giá khoảng 1.000 đồng/kg, nước lợ uống được giá 50.000 đồng/m3, thêm thức ăn công nghiệp và thỉnh thoảng nắm cỏ tươi. Tính ra, chi phí cho một con bò một ngày tốn 120.000 đồng, 10 con bò tốn 1,2 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc. “Không thể chịu đựng được nữa, càng nuôi càng lỗ nặng nên tôi đã phải kêu bán 5 con bò. Tuy nhiên, kêu bán đã mấy ngày khắp nơi mà chưa có người tới coi để mua”, ông Nam ngửa mặt than trời.

Tại UBND xã Mỹ Hòa, anh cán bộ văn phòng Tống Khánh Long cho hay, toàn xã có 4.500 con bò đang khốn đốn vì thiếu rơm vì 976 ha lúa của xã vụ này mất trắng. Trầm trọng hơn nữa là nước ngọt cho bò uống. Anh kể khái quát, tỉnh Bến Tre ít nước ngầm, nhất là huyện Ba Tri cùng huyện Bình Đại, Thạnh Phú ở ven biển, người dân đang phải sử dụng nước có độ mặn 5-7 g/lít để sinh hoạt. 

Một số vùng giồng cát, khai thác được nước ngầm ở tầng nông 6-8 mét, bán giá có khi tới 200.000 đồng và các giếng nước ngầm đang có hiện tượng cạn kiệt. Hơn 353.000 người dân ở các huyện ven biển Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Cty CP Cấp thoát nước Bến Tre đang phải khẩn cấp tìm nhiều giải pháp để cấp được đủ nước ngọt ở mức tối thiểu cho các bệnh viện. “Không những nông dân khốn đốn mà công chức chúng tôi cũng khốn đốn vì kinh tế gia đình dựa chủ yếu vào trồng lúa và nuôi bò. Qua mấy tháng mùa khô năm nay, đàn bò giảm ít nhất 50%, cuộc sống sẽ còn bị ảnh hưởng nhiều năm sau này”, anh Long thở dài.

Sang xã Mỹ Nhơn, ông Phạm văn Hở ở ấp 1 cũng nuôi 10 con bò và thuê 3 ha đất trồng lúa. Vụ này, lúa chết 90%, ông vừa gom mớ lúa chết dở đem chất đầy bờ, hy vọng mót được hạt nào hay hạt nấy. Ông Hở cũng đã kêu bán 2 con bò để có tiền cứu 8 con còn lại nhưng ông nói “bị ép giá  dữ quá, một con rẻ hơn mấy tháng trước 2 triệu đồng”. Ngồi tính nhẩm, ông cho biết vụ lúa này mất 50 triệu đồng từ tiền thuê đất đến giống má, nhân công, còn nuôi bò tưởng gỡ gạc lỗ vụ lúa nhưng lại đang ngày càng làm cho lỗ nặng thêm!

Đến xã Mỹ Chánh, ông Phan Văn Đức đứng bên đống lúa xơ xác như…rơm nhưng chuẩn bị cho vào máy suốt. Ông Đức cho biết: “Lúa bị mặn nên toàn hạt lép, mỗi công (1.000 m2) mót được chừng hơn trăm ký lúa lửng chỉ để nuôi gà, vịt và chủ yếu lấy rơm nuôi bò. Trước đây, dân chúng tôi ở đây nuôi bò hy vọng làm giàu, bây giờ hy vọng bán được bò mà không lỗ nặng, người không bị nghèo vì bò. Vốn liếng gia đình tôi là bò và lúa, năm nay coi như trắng tay rồi!”.

Ba xã Mỹ Hòa, Mỹ Nhơn, Mỹ Chánh của huyện Ba Tri được gọi là vùng Mỹ, hồi cơn bão số 9 năm 2006 đã bị thiệt hại rất nặng nề. Người dân vừa mới khôi phục được sản xuất, cuộc sống dễ thở vài năm nay. Nay ông Đức nhìn đống lúa lép, quẹt mồ hôi đầm đìa khuôn mặt dưới cái nắng hầm hập, nói: “Hạn và mặn năm nay làm nông dân tụi tôi thiệt hại lớn hơn cơn bão số 9 năm trước”.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo cho biết, người thiếu nước uống nên 150.000 con bò cũng thiếu nước uống và vì lúa chết nên thiếu cả rơm, phải mua rơm từ tỉnh Đồng Tháp.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.