Hàng triệu USD bị rút ruột, lãng phí

Hàng triệu USD bị rút ruột, lãng phí
TP - 24 triệu USD đi vay ODA để “ tăng năng lực” cho giao thông Hà Nội, nhưng dự án đã gây quá nhiều bức xúc cho dư luận bởi sự lãng phí, thất thoát và không hiệu quả.
Hàng triệu USD bị rút ruột, lãng phí ảnh 1
Vừa được xây dựng hàng chục triệu đồng nhưng “giọt nước” đầu đường Cát Linh đã bị phá bỏ gây thất thoát lớn

Mới đây, một phần sự thật của dự án, do Ban QLDA GTĐT (Sở GTCC Hà Nội) làm chủ đầu tư, đã “phơi bày” khi thanh tra chính phủ có kết luận chính thức. Dư luận vẫn tiếp tục đặt nhiều câu hỏi xung quanh dự án này!

Tư vấn: Bỏ thầu 2 triệu USD, ký hợp đồng 1,4 triệu USD và thanh toán 2,4 triệu USD!

Khuất tất của dự án (DA) tăng cường năng lực giao thông HN xuất hiện ngay tại các hợp đồng tư vấn. Giá trị gói thầu tư vấn của DA trong kế hoạch đấu thầu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 1,4 triệu USD. Nhưng khi bỏ thầu, nhà tư vấn Louis Berger & Electrowat đã bỏ giá 2,046 triệu USD (là giá thấp nhất).  Đáng lẽ ra chủ đầu tư phải tổ chức đấu thầu lại, nhưng không hiểu sao chủ đầu tư lại “đàm phán” với nhà thầu.

Kết quả là hợp đồng được ký kết có giá trị 1.399. 943 USD. (trong đó hợp đồng trọn gói 1,218 triệu USD và hợp đồng theo thời gian 181.339 USD). Đáng khen thay khi  chủ đầu tư bỏ ra hàng chục triệu đồng tổ chức đấu thầu để cuối cùng tiết kiệm cho Nhà nước 57 USD (800.000 đồng).

Nghiêm trọng hơn, chỉ với việc phát sinh nâng cấp khoảng 3km đường (1,5 km hành lang Trần Quang Khải và 1,5 km hành lang Tây Sơn) và xây dựng hào kỹ thuật của 2 hành lang này nhưng chủ đầu tư đã “hào phóng” bổ sung hợp đồng tư vấn thêm 1,03 triệu USD ( bằng 70% hợp đồng tư vấn toàn bộ dự án).

Như vậy thay vì hợp đồng tư vấn 1,399 triệu USD ban đầu, cuối cùng tổng giá trị hợp đồng tư vấn đã lên đến 2,43 triệu USD!? Tư vấn đã được thanh toán 2,365 triệu USD. Hiện trên 65.000 USD chưa được thanh toán.

Cung cấp thiết bị: Mua xe “ăn chơi” dành cho cảnh sát giao thông

Nhiều thiết bị mập mờ nguồn gốc

Sau nhiều trục trặc và cả những điều chỉnh lớn, cuối cùng chủ đầu tư đã chọn được nhà thầu là Cty Tyco lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông với giá trị hợp đồng là 2,497 triệu USD. Khi thực hiện gói thầu đèn tín hiệu, nhà thầu đã “độn” nhiều thiết bị không ghi xuất xứ nước sản xuất với giá trị lên đến 44.566 USD như: Cáp tín hiệu 30.800 USD, tủ điều khiển: 13.700USD. Bên cạnh đó 3 bộ nạp điện của máy đo tốc độ và 4 máy đếm xe tự động trị giá theo hợp đồng là 28.545 USD không ghi tên nước sản xuất. Đây là số thiết bị do Cty Xây dựng và thương mại Alex cung cấp.

Nhà thầu bất hợp tác

Đoàn thanh tra yêu cầu các nhà thầu: Cty Công trình giao thông 3, Cty xây dựng công trình giao thông 230, Cty TNHH 75, Cty Tây Hồ, Cty quản lý và sửa chữa đường bộ 234 (với tổng giá trị đã thực hiện 12,6 tỷ đồng) báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện, nhưng các nhà thầu đã “phớt lờ”.

“Bỏ hoang” gần 1 tỷ đồng

Gần một tỷ đồng tiền dải phân cách cứng Newjersey  trên hành lang Lê Duẩn bị phơi nắng từ nhiều năm nay. Theo kết luận thanh tra, nhà thầu đúc 1.144 cấu kiện bê tông với trị giá gần 1,4 tỷ đồng để lắp đặt trên đường Lê Duẩn. Hiện có 713 cấu kiện (trị giá 855 triệu đồng) bị xếp xó. Trên 400 cấu kiện vừa được dùng cho dự án đường Lạc Long Quân.

Ban QLDA: Vung tay quá trán

Tổng số tiền đã trích chi phí cho BQLDA là 3,382 tỷ đồng. Trong đó tiền lương, công, phụ cấp là 1,26 tỷ đồng. Tuy nhiên theo thông tư 07 của Bộ Xây dựng thì BQLDA chỉ được chi khoảng 2 tỷ đồng. Như vậy BQLDA đã vung tay quá trán trên 1,3 tỷ đồng.

Theo kế hoạch đấu thầu được thủ tướng phê duyệt thì phần mua sắm thiết bị có tổng trị giá là 4,17 triệu USD (gồm 5 gói thầu). Nhưng khi thực hiện, Hà Nội lại xin bổ sung thành 5,83 triệu USD.

Trong gói thầu A có 6 gói nhỏ (từ A1 đến A6): Mua sắm thiết bị cho cảnh sát giao thông (CSGT). Xin đề cập đến gói thầu A6: Mua sắm 20 xe mô tô 175cc. Vì không có nhà thầu tham gia chào thầu nên chủ đầu tư có thư mời mua sắm.

Lần 1: Có 3 nhà thầu  gửi thư chào hàng (trong đó có Cty Nguyễn Giáo). Tuy nhiên giá chào cao (giá thấp nhất là 12.000 USD/xe) nên không được chấp thuận.

Lần 2, chủ đầu tư gửi thư đến 7 nhà thầu (3 nhà thầu cũ và 4 nhà thầu mới). Cty Nguyễn Giáo trúng thầu: Loại xe Rebel 175cc sản xuất tại Mỹ, giá 5.800 USD/xe (tổng giá trị 20 xe là  116.000 USD). Điều lạ lùng là trước đó đã từng chào hàng loại xe 175CC với giá  12.000 USD/xe, nhưng chỉ sau đó ít ngày, giá xe cũng chính Cty Nguyễn Giáo chào bán đã giảm đi một nửa, còn 5.800 USD/xe (?)

Chưa dừng ở đó, những chiếc xe xuất xứ từ Mỹ theo hợp đồng đã được chuyển hoá thành xe sản xuất tại Nhật Bản. Xe có động cơ từ 175cc đã được đổi thành xe 250cc với giá không đổi (?). Đặc biệt, những chiếc xe ăn chơi này (màu đen) sau đó đã được sơn lại, gắn thêm còi ủ, cản trước, thùng gắn bên hông, gắn chữ  “Police”... và biến thành xe chuyên dùng của CSGT.

Gói thầu xây lắp: Rút ruột nhiều tỷ đồng

Phần xây lắp gồm 8 gói thầu (15 triệu USD). Tại các gói thầu hành lang Trần Quang Khải, hành lang Bạch Mai, các tuyến phố cổ... phần chi phí phụ trợ, chi phí khác đã được tính trong phần “ các yêu cầu chung”, nhưng các nhà thầu vẫn đưa vào đơn giá chi tiết lên đến 1,35 tỷ đồng.

Đoàn thanh tra đề nghị giảm trừ quyết toán phần chi phí này. Hơn thế, tại hồ sơ trúng thầu gói Trần Quang Khải, nhà thầu còn đưa chi phí phục vụ tư vấn 500 triệu đồng. Đoàn thanh tra cũng đề nghị giảm trừ.

Nghiêm trọng hơn, các nhà thầu còn “rút ruột” công trình 3,8 tỷ đồng (gồm 632 tấn nhựa Bitum, 16,6 tấn nhựa trong, 35,64 tấn nhũ tương). Đoàn thanh tra đề nghị giảm trừ khi quyết toán.

Tại gói thầu cải tạo các tuyến phố cổ, nhiều thiết bị như: Rào chắn cho người đi bộ, biển báo, gạch bê tông tự chèn... trị giá 439 triệu đồng  chưa hề được lắp đặt nhưng được nhà thầu đề nghị thanh toán. Để xảy ra sự lãng phí lớn như vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Tuy nhiên, những số liệu trên mới dừng trên sổ sách. Tại hiện trường, qua khoan 47 vị trí để kiểm tra bê tông nhựa (trên tất cả các gói thầu)  thì đã thấy thiếu hụt 340 m3 vữa lót, 180 m3 bê tông, 63 m3 cát vàng. Sơ bộ khối lượng bị thiếu hụt so với thiết kế lên đến 445 triệu đồng.

Với cung cách thi công, kiểm tra, giám sát như vậy chắc chắn số vật liệu bị “rút ruột” thực tế còn có thể tăng hơn gấp nhiều lần. Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc này? Dư luận đang nóng lòng chờ quan điểm xử lý của cơ quan chức năng. 

Thanh tra Chính phủ còn chưa “sờ” đến nhiều đầu việc

-Chưa làm rõ vì sao hợp đồng tư vấn cho toàn bộ dự án chỉ có 1,4 triệu USD nhưng khi dự án phát sinh thêm một số hạng mục thì hợp đồng tư vấn được bổ sung thêm 1 triệu đô la.

-Việc thảm bê tông đỏ (đắt hơn nhiều so với bê tông đen) để tổ chức cho làn xe thô sơ nhưng đến nay không tổ chức giao thông được vì trái Luật. Gây lãng phí cho Nhà nước lên đến nhiều tỷ đồng, và ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

- Nhiều nút giao thông được dựng “lươn”, “trạch”, xây dựng đảo xuyến, trồng hoa...lên đến hàng tỷ đồng nhưng sau một thời gian sử dụng ngắn đã phải dỡ bỏ. Vậy lãng phí là bao nhiêu, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm?

-Việc thay thế 23 nút đèn giao thông đang hoạt động tốt bằng những nút đèn giao thông mới gây lãng phí hàng tỷ đồng. Hơn thế việc lắp đặt 78 nút đèn mới đến nay vẫn dở dang, một số nút đèn lắp xong nhưng không thể hoạt động được. Vậy nguyên nhân do đâu, thiệt hại cho Nhà nước là bao nhiêu? vẫn chưa được làm rõ... 

MỚI - NÓNG
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng.