Hành cả bệnh nhân khuyết tật

Hành lang Bệnh viện Ung bướu TPHCM sáng 27/11 giống hệt “trại tị nạn”. Ảnh: Quốc Ngọc.
Hành lang Bệnh viện Ung bướu TPHCM sáng 27/11 giống hệt “trại tị nạn”. Ảnh: Quốc Ngọc.
TP - Dù đã được bác sĩ chỉ định nhập viện, thuộc diện bệnh nhân nội trú nhưng người bệnh vẫn phải đi thuê phòng trọ bên ngoài để nằm chờ điều trị. Câu chuyện xảy ra ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM khiến bệnh nhân và thân nhân khốn đốn.

Điều trị nội trú ở… phòng trọ

Anh Lâm Thi (31 tuổi, ngụ TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cho biết bố anh là ông Lâm Xuân (68 tuổi) được Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng chẩn đoán u đại tràng và cho chuyển lên Bệnh viện Ung bướu TPHCM điều trị. Ngày 3/11, hai cha con đến Bệnh viện Ung bướu TPHCM, bác sĩ tại đây yêu cầu bệnh nhân đi nội soi đại tràng. Nhưng khoa nội soi hẹn 10 ngày sau mới có lịch, còn muốn nội soi dịch vụ thì phải 3-4 ngày sau và đóng hơn 1 triệu đồng.  Không đủ tiền, họ đành về lại Đà Lạt chờ ngày được xếp lịch nội soi.

Đúng 10h sáng 13/11, theo lịch hẹn, bệnh nhân tới khoa nội soi nhưng vẫn chưa thực hiện do bác sĩ đang bận nội soi dạ dày. Bác sĩ yêu cầu ông Xuân đầu giờ chiều quay lại. Kết quả nội soi không phát hiện u nên bác sĩ Khoa Khám bệnh tại đây muốn siêu âm lại lần nữa. Kết quả siêu âm tại bệnh viện này lại cho thấy có khối u nên bác sĩ chỉ định cho ông Xuân nhập viện phòng 203, Khoa Ngoại 2.

Riêng trường hợp bệnh nhân Xuân, bác sĩ Tuấn khẳng định sẽ rà soát lại Khoa Ngoại 2 và yêu cầu làm rõ các vấn đề mà bệnh nhân bức xúc. “Đây là bệnh nhân thuộc diện ưu tiên của bệnh viện là người khuyết tật, không thể để bệnh nhân chờ đợi hoặc phiền hà như thế được”, ông Tuấn nói.

Điều dưỡng tên Huệ nói với bệnh nhân hiện không có giường bệnh. “Trường hợp ông Xuân còn đi lại được nên bệnh viện sẽ cho về nhà hoặc ra thuê phòng trọ xung quanh bệnh viện chờ đến thứ hai”- điều dưỡng này nói với người nhà ông Xuân. Cuối cùng hai cha con ông Xuân phải ra nằm “điều trị” ở phòng trọ bên ngoài với giá 160 nghìn đồng/ngày.

Chưa hết, tuần sau đó là cả một tuần “đọa đầy”. Sáng 16/11, bác sĩ Tuấn Khanh - Khoa Ngoại 2, khi khám cho bệnh nhân Xuân, nói: “Nội soi đại tràng không thấy gì nhưng siêu âm lại thấy u nên sẽ phải nội soi lại một lần nữa”. Ông Xuân nghe nội soi đại tràng thì quá sợ vì không đủ sức, bác sĩ Khanh hẹn hôm sau khám lại. Ngày 17/11, ông Xuân chờ khám và được điều dưỡng cho biết phải làm thêm một số xét nghiệm, gồm: xét nghiệm máu tổng quát, nội soi dạ dày, đo điện tim, chụp CT, chụp X-quang… Bệnh nhân đến khu xét nghiệm lấy máu, đo điện tim rồi được cho về.

Đến ngày 18/11, ông Xuân nhịn đói để nội soi dạ dày rồi lại được cho về. Một ngày sau, bệnh nhân được phát 2 phiếu chụp CT và X-quang. Chụp CT xong, bệnh viện hẹn 1 tuần sau mới chụp X-quang. “Khi tôi thắc mắc sao thời gian hẹn quá lâu thì được cho biết là do bệnh nhân quá đông, nếu muốn chụp sớm thì qua Bệnh viện Hòa Hảo chụp dịch vụ, sáng chụp chiều lấy kết quả qua nộp lại”, anh Thi nói.

Đến ngày 20/11, ông Xuân trở lại khoa và được một bác sĩ cho biết phải chờ tuần sau mới có kết quả CT. Rồi đợi thêm một tuần nữa để hội chẩn, sau 3 tuần mới mổ. “Cả một tuần lễ mà họ chỉ loay hoay làm cho cha tôi mấy cái xét nghiệm. Chúng tôi từ tỉnh xuống tiền bạc eo hẹp, chỉ mong sao sớm được cho biết mình bị bệnh gì, điều trị thế nào, chừng nào được mổ mà bác sĩ chả giải thích gì. Bố tôi lại là người khuyết tật. Thật là không thể tưởng tượng nổi”, anh Thi nói như mếu.

Hành cả bệnh nhân khuyết tật ảnh 1

Ông Lâm Xuân tại phòng trọ gần bệnh viện, bất bình về cách làm việc của Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc.

Nội trú nhưng không có giường nằm

Trường hợp được chỉ định nhập viện như ông Xuân nhưng khoa không có giường để bệnh nhân nằm khá phổ biến ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Ông N.V.H. (53 tuổi, quê Bình Phước) đang điều trị ở Khoa Ngoại 2, cho biết mình là bệnh nhân nội trú nhưng đành ra hành lang trải chiếu nằm, lúc có tiền thì ra thuê phòng trọ. Những bệnh nhân đang nằm ngồi tại hành lang xung quanh ông H. cũng cho biết tình trạng tương tự.

Trao đổi với Tiền Phong chiều 27/11, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn - Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM - xác nhận, hiện bệnh viện có 800 giường nhưng có đến 1.500 bệnh nhân nội trú. Việc 2-3 người phải chia nhau 1 giường là chắc chắn. Thậm chí, còn xảy ra tình trạng cự cãi, xô xát giành giường giữa các bệnh nhân. “Có người được nhập viện nội trú, nhưng khi nghe phải nằm ghép với người khác, họ cũng không dám nằm nên ra thuê phòng trọ gần bệnh viện”, ông Tuấn nói.

Theo bác sĩ Tuấn, để khắc phục tình trạng này chỉ còn cách phải tăng số giường bệnh mới giải quyết được nhưng mặt bằng diện tích bệnh viện hiện nay không còn một chỗ trống, kể cả hành lang bệnh viện. “Ban giám đốc tự cảm thấy việc 2-3 người một giường bệnh là không thể chấp nhận được. Ước mơ lớn nhất của chúng tôi, đó là làm sao mỗi bệnh nhân ung thư được có 1 giường bệnh để nằm điều trị”, ông Tuấn nói.

MỚI - NÓNG