Hành động để khắc phục ngay những yếu kém

TP - Các tân phó thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành khẳng định, sẽ bắt tay ngay vào công việc để khắc phục những hạn chế, yếu kém, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Quan tâm vấn đề biển Đông, tham nhũng, tội phạm, an toàn thực phẩm…

Trong những năm qua, thông qua công tác Tư pháp, tòa án các cấp đã phát hiện, kiến nghị và tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các cấp nhiều biện pháp nhằm hoàn thiện quy trình, thủ tục, khắc phục những khuyết nhược điểm trong công tác quản lý hành chính Nhà nước nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân. Cũng thông qua đó, phát hiện và kiến nghị Chính phủ có biện pháp xử lý và giải quyết nhiều vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh trong quản lý kinh tế và xã hội.

Vấn đề biển Đông, tình hình tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tai nạn giao thông, buôn lậu, vệ sinh an toàn thực phẩm… là những vấn đề được Đảng, Nhà nước, đồng bào, cử tri cả nước rất quan tâm.

Sau khi hoàn thiện bộ máy nhân sự Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Chính phủ; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, đưa nghị quyết đi vào cuộc sống và trước mắt, sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt giải quyết những vấn đề xã hội và nhân dân đang bức xúc nêu trên. Đồng thời, Chính phủ cũng phải tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ: Chỉ khi nào xã hội tin vào giáo dục thì mới thắng lợi

Việc đầu tiên tôi phải bắt tay ngay vào là tiếp tục triển khai một cách quyết liệt, sáng tạo Chương trình hành động của Chính phủ về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương… Tôi nghĩ chúng ta nên đưa ra đòi hỏi về con người, đừng đưa ra đòi hỏi về chương trình-sách giáo khoa (CT-SGK).  Nếu các thầy không đáp ứng được mục tiêu đầu ra thì CT-SGK không giải quyết được vấn đề gì. CT-SGK chỉ là khâu trung gian trong việc quản lý cả quá trình chứ không phải quản lý mục tiêu. Ví dụ, mục tiêu giáo dục của ta đối với học sinh học xong phổ thông: ngoan ngoãn, kiến thức cơ bản, nề nếp. Nhưng từ bậc dạy nghề trở đi phải chuyên nghiệp. Như vậy, phổ thông giáo dục con người, đó là nơi ươm mầm để từ đó có người theo bác sĩ, người theo nghề này, nghề kia. Để từ đó tất cả bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không thể có chuyện ông giáo sư coi thường ông công nhân…

Nhiệm vụ của ngành là tạo niềm tin. Chỉ khi xã hội có niềm tin vào giáo dục thì đó mới thắng lợi. Còn khi chưa có niềm tin vào giáo dục thì vẫn thất bại… Bây giờ phải thổi được tự hào, niềm hứng khởi vào hàng triệu đội ngũ giáo viên, thậm chí thổi cái hổ thẹn (nếu có) cho hàng triệu giáo viên để các thầy cô phấn khích. Các thầy cô giáo vốn được coi là “kỹ sư tâm hồn”,  rất nhạy cảm, nhạy cảm hơn cả nghệ sỹ, khi họ đã buồn rồi thì làm sao họ “sáng tác” được?

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh: Thúc đẩy hoạt động hội nhập của nền kinh tế

Tôi hiểu rằng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương trong năm 2016 là hết sức nặng nề, phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh chung của thế giới và khu vực còn chưa thuận lợi cho hoạt động thúc đẩy sản xuất cũng như thương mại. Vì vậy, Bộ Công Thương phải tập trung quyết liệt để đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng vĩ mô như đã đặt ra với Quốc hội, trong đó các chỉ tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp cũng như của thương mại phải đạt được mức độ khả quan để đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Nhiệm vụ thứ hai mà Bộ Công Thương đặt ra là tập trung thể chế hóa các cam kết hội nhập của Việt Nam. Các cam kết hội nhập đã bước vào giai đoạn mới, quyết liệt và ở diện rộng và sâu. Vì vậy, hàng loạt cam kết hội nhập của chúng ta bắt đầu phải được triển khai ngay trong năm 2016. Thể chế hóa sớm để hoàn thiện khung pháp lý cũng như môi trường để thúc đẩy các hoạt động hội nhập của doanh nghiệp, nền kinh tế và cũng như của cả xã hội.

Nhiệm vụ thứ ba là tôi sẽ tập trung khắc phục những vấn đề tồn đọng, những tồn tại trong hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, vốn được dư luận xã hội, báo chí, đại biểu Quốc hội và cử tri nêu lên trong thời gian qua. Chúng tôi sẽ khẩn trương nghiên cứu, rà soát lại khung pháp lý để hoàn thiện. Đồng thời phải có biện pháp để khắc phục những tồn tại này, đáp ứng yêu cầu chung của cử tri, nhân dân cả nước cũng như đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến: Phiếu cao đòi hỏi nỗ lực càng cao

Là người nhận được số phiếu cao nhất, tôi phấn khởi, đồng thời ý thức rằng đây là sự tín nhiệm của Quốc hội, sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và Quốc hội đối với công tác dân tộc và đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thời gian tới, tôi sẽ cùng các thành viên khác của Chính phủ triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra, trong đó sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đầu tư cho chương trình xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế và nguồn nhân lực, làm sao để có biến chuyển rõ nét ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, duyên hải miền Trung.

Tôi cũng nhận thức rằng, nguồn ngân sách có hạn nên chúng ta phải thu hút thêm từ xã hội hóa, các tổ chức phi chính phủ quốc tế đầu tư vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng dân tộc thiểu số và phải lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện làm sao cho có hiệu quả.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long: Trách nhiệm rất nặng nề

Việc được các đại biểu Quốc hội tín nhiệm phê chuẩn chức danh Bộ trưởng là niềm vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm rất nặng nề, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân. 

Nhiệm kỳ còn lại của Quốc hội khóa XIII chỉ còn 3 tháng, với tư cách người đứng đầu ngành Tư pháp, tôi sẽ tập trung hoàn thành phần việc còn lại của nhiệm kỳ mà người tiền nhiệm đã để lại. Tôi sẽ cùng các thành viên khác của Chính phủ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ thực hiện chương trình công tác nhiệm kỳ của Chính phủ cho đến ngày cuối cùng của nhiệm kỳ. 

Sắp tới chúng ta sẽ thực hiện cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, trong phạm vi, nhiệm vụ của ngành Tư pháp, chúng tôi sẽ tập trung phổ biến tuyên truyền về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Những phát sinh trong khuôn khổ của ngành sẽ được tập trung xử lý.

MỚI - NÓNG