Hạnh phúc nơi tận cùng nỗi đau

Các bác sĩ đang thực hiện ca ghép tim cho bé Đạt.
Các bác sĩ đang thực hiện ca ghép tim cho bé Đạt.
TP - “Các cô giúp cứu sống con nhé”. Đó là câu nhắn gửi mà cậu bé 10 tuổi nói với các bác sĩ trước khi ca phẫu thuật bắt đầu. Lúc ấy, khoảnh khắc xúc động trào dâng nơi trái tim những người chuẩn bị thực hiện sứ mệnh cao cả: Hồi sinh nhịp đập mạnh mẽ trong lồng ngực của thiên thần bé nhỏ...

Sau này nhớ lại giây phút ấy, một điều dưỡng vẫn còn rưng rưng bởi lời nói với giọng mệt mỏi nhưng đầy hy vọng của cậu bé có đôi mắt to tròn như thúc giục, như động lực để kíp phẫu thuật làm hết sức mình. Để có được thời khắc cậu bé đặt mọi niềm tin vào các bác sĩ thì chính những người quyết định số phận của cậu đã có những khoảng thời gian căng thẳng và đau đầu để tìm cách đưa trái tim của chàng thanh niên 19 tuổi vào hố tim của cậu bé gầy gò quá đỗi so với tuổi lên 10.

Ca ghép tim đặc biệt

Bên hành lang bệnh viện, trò chuyện với những nhân viên y tế có thể cảm nhận được sự thán phục của họ dành cho vị bác sĩ đầu ngành về ghép tim – PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực (Bệnh viện Việt Đức), người trực tiếp thực hiện ca ghép tim đầu tiên cho trẻ em tại Việt Nam. Điều dưỡng trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Nguyễn Xuân Vinh chỉ cho tôi xem tờ giấy mà bác sĩ Ước đã mày mò vẽ lên đó những chi tiết mà chỉ người trong chuyên ngành mới hiểu. Ông đã trăn trở cả đêm để có thể vạch ra trên giấy từng bộ phận của trái tim người cho và nhận, sao cho ca ghép không xảy ra bất kỳ sai sót nhỏ nào. Mười lăm ca ghép tim đã được thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức nhưng không ca nào giống ca nào. Mỗi bệnh nhân là một cá thể độc lập vì thế mỗi người bệnh trở thành thách thức mới với PGS.TS Nguyễn Hữu Ước. Lần này cũng vậy, đối diện với ông là cậu học trò lớp 4 Nguyễn Thành Đạt mắc bệnh tim rất nặng, nếu không được ghép tim kịp thời, chỉ vài chục ngày nữa bé sẽ vĩnh viễn ra đi. Và hơn nữa, trái tim khỏe mạnh của chàng trai 19 tuổi vừa mất do tai nạn giao thông được gia đình hiến tặng là động lực để ông và đồng nghiệp nối dài nhịp đập của nó trong lồng ngực một người đang khát khao sự sống như bé Đạt.

Gặp PGS.TS Nguyễn Hữu Ước sau ca ghép, ông chia sẻ: “Khó khăn nhất của trường hợp này là tim hiến là tim của người lớn, làm sao đưa được vào trong lồng ngực của cậu bé 10 tuổi. Chúng tôi đã phải sử dụng rất nhiều cách thức, xem xét rất kỹ trước mổ, đặc biệt là đánh giá kích thước 2 quả tim, nhất là quả tim người cho với kích thước hố tim người nhận, từ kích thước trên X quang, siêu âm, kích thước từng buồng tim, kích thước đo bằng thước trên ngực bệnh nhân, đo chiều cao giữa ức và hõm ức, vòng ngực, đo chiều cao xương đòn với bờ sườn, đo chiều dày thành ngực…để tìm sự tương thích giữa người cho và người nhận. Có rất nhiều kỹ thuật phải xử lý và chúng tôi phải vẽ hình ra từng thì mổ, tất cả phải dựa trên hình vẽ, khi khâu vá cứ nhìn hình vẽ để làm”.

Suốt hơn 10 tiếng ông cùng hàng chục đồng nghiệp đứng phẫu thuật cho ca ghép tim đặc biệt này thì bên ngoài phòng mổ có một người phụ nữ như hóa đá vì lo lắng cho số phận cậu con trai. Chị là Nguyễn Thị Mai Phương, mẹ bé Đạt. Mới cách đây hơn nửa năm thôi, Đạt vẫn còn là cậu bé xinh xắn, khỏe mạnh háo hức đến trường và nghịch đủ trò. Thế nhưng chỉ một đợt ho, tức ngực rồi khó thở  Đạt phải nhập viện cấp cứu. Bệnh tiến triển nặng rất nhanh khiến cậu bé liên tục nằm hồi sức ở bệnh viện dùng thuốc trợ tim liều cao. Bác sĩ Ước từng ví, người bệnh nhẹ chỉ cho một tí thuốc trợ tim thì tim đập như con voi, còn với cháu Đạt thì cho thuốc bằng cả con voi, tim cháu vẫn chỉ đập có thoi thóp. Bác sĩ chẩn đoán bé bị giãn cơ tim, suy tim giai đoạn cuối, cách duy nhất để cứu mạng sống là phải ghép tim.

Hạnh phúc nơi tận cùng nỗi đau ảnh 1

 Chị Phương xúc động khi thấy hình ảnh con trai qua màn hình vi tính.

Nhưng không như ghép thận, ghép gan, người hiến tim quá hiếm hoi, chẳng thế mà trong năm 2016 có những bệnh nhân đã vĩnh viễn ra đi vì không có nguồn tim hiến. Và nữa, gánh nặng chi phí cho 1 ca ghép tim khi có nguồn tim hiến lên đến 1 tỷ đồng. Con số ấy có nằm mơ cả đời thì chị Phương cũng không bao giờ dám nghĩ tới. Công việc thợ may của chị và làm mộc của chồng mỗi tháng may ra được chục triệu, lo thuốc thang cho con còn phải vay mượn nói gì đến ghép tim. Câu chuyện luôn bị ngắt quãng vì chị không ngăn được những dòng nước mắt, giọng nghẹn ngào khi nói về bệnh tình của con. Thêm một ngày được bên con thôi là hạnh phúc vô bờ bến, vì thế giữa bộn bề lo toan chị vẫn luôn cầu khấn một phép màu để con trai có cơ hội được ở bên cha mẹ, được nối tiếp những ngày thơ ấu không bệnh tật...

Thời khắc biết con sẽ được ghép tim, chị Phương bảo cảm giác như đất dưới chân sụp xuống, bất ngờ quá đỗi bởi thời hạn con có thể ở lại với cuộc đời dường như đang ngắn lại từng ngày trước đó. Vẫn còn đây trạng thái ngơ ngác, thất thần trên gương mặt người phụ nữ xinh đẹp dẫu đang trải qua đau đớn này. Lúc trấn tĩnh sau nhiều xúc động, chị Phương bảo: “Xổ số đặc biệt thì nhiều người trúng chứ được ghép tim như con trai mình thì đời được mấy ai. Hạnh phúc ấy chẳng gì sánh được dù chất chồng phía trước là bao lo lắng cho sức khỏe của con sau ca ghép định mệnh”...

Nghĩa cử cao đẹp hồi sinh sự sống

Thân hình nhỏ hơn nhiều so với tuổi, cậu bé nằm lọt thỏm giữa giường bệnh, xung quanh là hệ thống máy móc hiện đại hỗ trợ sự sống. Thi thoảng đôi chân gầy guộc lại ngọ nguậy, khẽ đạp lên rồi đạp xuống giường. Đang chăm chú nhìn từng hành động của cậu bé qua màn hình máy tính được kết nối trực tiếp với phòng hồi sức cấp cứu, tôi lặng người nghe tiếng khóc nức nở bên cạnh. Là chị, người mẹ vừa trải qua những thời khắc tưởng không thể vượt qua khi nghĩ về sự sống mong manh của đứa con trai. Gương mặt xanh xao, mắt to tròn nhưng trũng sâu, thoáng sự bất an mỗi lần thấy con trai cử động. Đôi lúc chị hốt hoảng thốt lên thật khẽ: “Con em, kìa bác sĩ, con em nó sao thế”, rồi chị úp chặt đôi bàn tay vào mặt, vai rung bần bật. Điều dưỡng trưởng Nguyễn Xuân Vinh bước đến nhẹ nhàng trấn an chị.

Luôn có 2 điều dưỡng chia ca túc trực bên giường bệnh của bé Đạt 24/24h. Ngoài ra còn bác sĩ theo dõi mọi chỉ số sống của bệnh nhân. Những tấm phim chụp trái tim mới trong lồng ngực của Đạt được treo bên ngoài phòng bệnh. Mỗi ngày những hình ảnh trên phim chụp lại có thay đổi tích cực cho thấy quả tim được ghép đang dần hòa nhập tốt với cơ thể mới.

Điều dưỡng Vinh gọi đây là ca ghép ảo diệu vì sự sáng tạo rất tinh tế của PGS.TS Nguyễn Hữu Ước khi ông đã đổi vị trí quả tim thay vì tư thế trước sau chuyển sang nằm ngang, hơi nghiêng để quả tim lọt vào trong lồng ngực. Từ khi có tim hiến cho đến khi ghép chỉ một ngày nên mọi nỗ lực của PGS Ước và đồng nghiệp không chỉ là gồng mình lên bằng sự sáng tạo khoa học mà còn cả tình người để quyết tâm ghép thành công.

Hạnh phúc nơi tận cùng nỗi đau ảnh 2

Chiều 22/3, bé Đạt đã ngồi dậy và nói chuyện được kể từ sau ca ghép tim

Sau 3-4 tuần nằm hồi sức tích cực, Đạt sẽ được chuyển sang phòng bệnh bình thường. Giờ đây ngày lại ngày, chị Phương vẫn cần mẫn ngồi bên màn hình vi tính theo dõi từng cử động của cậu con trai bé nhỏ. Dáng ngồi so mình lại nhưng ánh mắt ấy như có cảm giác chị muốn bứt tung mọi quy định nghiêm ngặt của phòng bệnh để lao vào ôm đứa con bé bỏng đang chịu nhiều đớn đau.

Để Đạt có được sự hồi sinh hôm nay, không chỉ nhờ đôi bàn tay và khối óc kỳ diệu của các bác sĩ phẫu thuật mà còn bởi tấm lòng của những thiên thần áo trắng coi Đạt như con cháu mình. Chính họ đã vận động được một phần kinh phí cho ca ghép tim này, giúp gia đình cháu bé có cơ hội được bên nhau.

Tôi lặng nhìn dáng chị Phương đi khuất dần phía cuối hành lang bệnh viện, nghĩ về sự kỳ diệu trong cuộc sống này khi một người phụ nữ bất hạnh không may mất đi cậu con trai 19 tuổi, nhưng hạnh phúc dường như chưa rời bỏ chị bởi trái tim ấy đã kịp hồi sinh một cậu bé khác. Dẫu rằng giữa cuộc đời này, có thể người mẹ đã quyết định hiến trái tim của con trai mình sẽ không có dịp gặp bé Đạt, nhưng thẳm sâu tâm hồn mình chị vẫn sẽ cảm nhận được nhịp đập trái tim của con mình giữa trần thế. Mới thấy, cuộc đời lắm lúc thật khó biện giải khi hạnh phúc bắt nguồn nơi tận cùng nỗi đau...

Tối 22/3, Điều dưỡng trưởng Nguyễn Xuân Vinh chia sẻ: “Chiều nay con tốt hơn rồi, tỉnh táo có thể ngồi dậy và nói chuyện. Hình ảnh này của con khiến các y bác sĩ và gia đình bé như vỡ oà trong hạnh phúc, thật tuyệt vời”.

MỚI - NÓNG