Hạnh phúc vị Nhật trên Tây Nguyên

Vợ chồng Takano giúp việc cho giám đốc Motoosa Katayama.
Vợ chồng Takano giúp việc cho giám đốc Motoosa Katayama.
TP - Thấy rõ làn da trắng mịn của mẹ con chị Takano Yukino chi chít nhát cỏ xước và vết đốt côn trùng, tôi hỏi: “Điều gì khiến vợ chồng bạn rời xứ sở đầy đủ tiện nghi để đến định cư ở nơi nhiều thiếu thốn vất vả này?”. Anh Takano Motoyuki vui vẻ đáp: “Cuộc sống Nhật Bản gần như hoàn hảo, còn ở đây chúng tôi có quá nhiều việc để làm, thấy mình có ích cho nhiều người khác”.

Đồng cảm hướng thiện

Cao gần mét chín, anh Takano Motoyuki như người khổng lồ khi đứng cạnh cô vợ xinh đẹp bé nhỏ của mình. Họ gặp nhau khi cả hai cùng tự nguyện tham gia hoạt động cứu hộ các nạn nhân trận động đất và sóng thần khủng khiếp Tohoku năm 2011.

Takano Motoyuki sinh năm 1981 ở Hokkaido - tỉnh vùng viễn Bắc có diện tích rộng nhất Nhật Bản. Bố mất sớm, Motoyuki học xong phổ thông đã vào một xưởng đóng tàu làm thủy thủ, học tiếng Anh, trải qua nhiều nghề kinh doanh, ngân hàng, xây dựng...

Chị Takano Yukino sinh năm 1982 ở tỉnh Chiba phía bắc vịnh Tokyo. Bố mẹ đều là cán bộ viên chức, Yukino đã có chứng chỉ trung cấp châm cứu. Sau gần 3 năm yêu nhau, họ kết hôn. Bé trai đầu lòng Takano Momotaro vừa tròn 4 tháng đã theo ba mẹ sang Việt Nam, gắn bó với đời sống trang trại dãi dầu mưa nắng và xác định sẽ định cư tại đây lâu dài...

Ngưỡng mộ, nhưng phải khác!

Trong một chuyến du lịch sang Singapore, anh Motoyuki quen vài người Việt Nam, sự thân thiện cởi mở của họ khiến anh thấy dễ chịu. Năm 2014, anh nhận lời sang Việt Nam làm trợ lý cho ông Motoosa Katayama tại trang trại rau hữu cơ ở ngoại thành Buôn Ma Thuột.

Motoyuki chia sẻ: Giới trẻ Nhật Bản bây giờ số đông không bận tâm đua đòi nhà, xe, sự phô trương vật chất nữa. Họ muốn làm giàu kiến thức, sự trải nghiệm để có nhiều cống hiến thật ý nghĩa cho cộng đồng, không bó hẹp về biên giới. Tuy nhiên, cũng vì quá bận rộn hối hả, tập trung vào đủ loại máy móc thông minh, họ ít chuyện trò với nhau, không cởi mở tâm tình đầm ấm như ở bên này.

Khi còn là Phó Chủ tịch Hiệp hội đào tạo phi lợi nhuận Nhật Bản, đầu năm 2008, ông Motoosa Katayama đã được lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cho phép đặt một cơ sở đào tạo nông nghiệp hữu cơ tại TP Buôn Ma Thuột, mở công ty TNHH Liên kết Nông dân để truyền bá kiến thức, kỹ năng trồng rau theo các tiêu chí hữu cơ nghiêm ngặt, an toàn, chấp nhận năng suất thấp nhưng chất lượng tốt, giá trị cao. Ông thuê 5 ha đất, nhận phiên dịch và hàng chục lao động, trích tiền túi trả lương. Suốt 6 năm đầu ông Katayama chỉ tập trung vào việc hướng dẫn, tập huấn, xén dần đều đặn mỗi tháng từ vài chục đến cả trăm triệu đồng khoản tiền tiết kiệm tích cóp cả đời làm việc của mình để trang trải cho hoạt động của công ty, và bù lỗ cho vườn rau hữu cơ. Từ năm 2015, công ty mới bắt đầu đẩy mạnh việc bán ra các loại nông sản tự trồng với giá... chưa hết bù lỗ, và thu mua hồ tiêu, mộc nhĩ đạt chuẩn hữu cơ xuất khẩu sang Nhật.

Takano Motoyuki cho biết, anh ngưỡng mộ cách sống trong veo, vô vụ lợi tới mức hồn nhiên của ông Katayama, khi ông mê mải cho đi lần lượt hết khối gia sản của mình, không băn khoăn do dự, chỉ với một niềm tin đơn giản là ông đang làm một việc giàu ý nghĩa. Một người Nhật đang giúp những người bạn Việt làm quen với việc sản xuất và tiêu thụ các loại nông sản sạch sẽ, an toàn.

 Hạnh phúc vị Nhật trên Tây Nguyên ảnh 1

Mẹ con chị Takano.

Motoyuki nhất trí với ông Katayama, là Buôn Ma Thuột có đầy đủ những tố chất về thổ nhưỡng, khí hậu, bảo đảm cho rau đậu trồng nơi này đạt hương vị ngon lành hơn nhiều vùng miền khác, nhưng lâu nay mọi người vẫn quen sử dụng nhiều chất vô cơ trong canh tác, rất có hại cho sức khỏe. Bản tính cần cù siêng năng, Motoyuki không ngại lao động vất vả, chỉ bất an về cách bù lỗ kéo dài của ông Katayama. Anh nói: “Tôi cũng muốn cống hiến cho cộng đồng. Nhưng phải có lợi nhuận thì mới bảo đảm duy trì được mô hình sản xuất bền vững, lâu dài”.

Hạnh phúc là sẻ chia   

Motoyuki tự hào về tất cả các sản vật còi còi thu hoạch được trên những cánh đồng này chưa bao giờ đủ cung ứng cho tất cả các đơn hàng. Từ những trái khổ qua đắng đậm, rau cải và mùng tơi lá nhỏ, cà tím be bé mà giá đắt gấp đôi, đến những luống cà chua bi trái tròn chỉ bằng đầu ngón tay cái hoặc những chùm quả cà chua ngọt giống mới to bằng nắm tay giá 80 nghìn một ký, đắt gấp 4-5 lần giá cà chua thông thường vẫn bán ngoài chợ, khách hàng đều rất chuộng bởi hương vị trong lành nguyên thủy, tuyệt đối không nhiễm mùi hóa chất. Và tất nhiên, còn bởi họ tin những người làm vườn kiểu Nhật này có đủ lương tâm, biết trọng chữ tín của mình hơn lợi nhuận. 

Nhưng trại rau hữu cơ không chỉ có những mặt hàng còi cọc. Khi tận mắt thấy cánh đồng rộng hàng hecta la liệt những quả bầu giống Nhật lai Việt to tròn, có những trái nặng tới 15-20 kg nằm ngổn ngang trên mặt đất lót rơm, ai cũng tròn mắt trầm trồ. Món quà cho tôi, là một quả bầu non nặng 11 ký. Bổ ra cho hàng xóm, đồng nghiệp mỗi người một tảng về nấu canh, xào, luộc, hấp, món nào cũng thơm mềm, ngon ngọt. Riêng loại bầu này công ty không bán tươi, mà bào thành lát mỏng đem phơi hoặc sấy khô xuất khẩu, dùng làm nguyên liệu quấn kèm rong biển cho món sushi truyền thống Nhật Bản.

Motoyuki khéo léo thuần thục từ việc sàng sẩy hồ tiêu trong xưởng sơ chế tiêu thơm phưng phức, tới ôm quả bầu đưa vào bàn xoay cho lưỡi cắt chuốt mỏng thành sợi dài cả chục mét. Yukino địu con quanh quẩn bên chồng, giúp anh đóng gói rau quả. Bé Momotaro mới tròn 1 tuổi, ngoan ngoãn lắc lư trong chiếc địu êm êm của mẹ. Chất bầu và cà tím đầy xe, chúng tôi trò chuyện trên quãng đường gần chục cây số đến cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân.

 Hạnh phúc vị Nhật trên Tây Nguyên ảnh 2

Vợ chồng Takano trong xưởng sơ chế hạt tiêu.

Motoyuki chia sẻ: Giới trẻ Nhật Bản bây giờ số đông không bận tâm đua đòi nhà, xe, sự phô trương vật chất nữa. Họ muốn làm giàu kiến thức, sự trải nghiệm để có nhiều cống hiến thật ý nghĩa cho cộng đồng, không bó hẹp về biên giới. Tuy nhiên, cũng vì quá bận rộn hối hả, tập trung vào đủ loại máy móc thông minh, họ ít chuyện trò với nhau, không cởi mở tâm tình đầm ấm như ở bên này.

Nữ phiên dịch Phan Thị Thanh Minh xác nhận: Các nhóm bạn của anh Motoyuki từng ghé qua đây đều là những người rất chăm chỉ làm việc, biết tiết kiệm tiền để năm nào cũng thực hiện được vài chuyến du lịch đến nhiều nước. Có người tuổi chưa tới bốn mươi đã đặt chân đến năm mươi quốc gia! 

Yukino kể, theo chồng sang đây, tay nghề châm cứu của chị thất nghiệp, vì Motoyuki rất sợ kim đâm. Bù lại, chị có thể massage cho anh mỗi khi thấy chồng quá mệt nhọc. Những năm tháng này thật hạnh phúc với đôi vợ chồng mang họ Takano, vì bên Nhật khó tìm được việc làm nào cả gia đình gần gũi bên nhau thường xuyên như thế. Cuối tuần, cả đôi lại nắm tay nhau dạo bước qua khu du lịch KoTam gần đó uống cà phê. Không gian thật đẹp, đầy hoa. Còn cà phê thì khỏi nói, ngon tuyệt vời!

Vợ chồng anh Takano Motoyuki tự nhận chỉ là những nông dân rất bình thường. Nhưng qua cách nhìn sâu sắc của họ về lẽ sống và tình yêu, nỗi khát khao gần gũi cộng đồng xã hội, niềm vui thấm đẫm mồ hôi lao lực giản dị bên nhau mỗi ngày, tôi thấy họ quả là hình ảnh của một thế hệ nông dân hiện đại, hiểu biết, giàu trải nghiệm, và cống hiến say mê.

MỚI - NÓNG