Hành trình 45 năm của di hài Vua Lê Dụ Tông

Hành trình 45 năm của di hài Vua Lê Dụ Tông
TP - UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao, Du lịch để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép hoàn táng thi hài Vua Lê Dụ Tông tại làng Bàn Thạch, xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa).

Vấn đề di hài Vua Lê Dụ Tông, Tiền Phong quan tâm từ giữa những năm 90 thế kỷ trước. Nhân dịp vị vua này có thể sắp được hoàn táng, Tiền Phong xin trở lại vấn đề này.

Hành trình 45 năm của di hài Vua Lê Dụ Tông ảnh 1
Di hài của Vua Lê Dụ Tông khi mới mở quan tài.

Phát lộ và hành trình 45 năm

Mộ Vua Lê Dụ Tông đã được phát hiện từ năm 1958 và quách cùng quan tài được mở năm 1964 với hiện trạng di hài của ông còn nguyên vẹn, thậm chí còn mềm. Cùng với di hài là những hiện vật gồm quần áo, vật dụng rất phong phú.

Từ bấy đến nay, di hài của nhà vua được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Chuyện phát hiện và khai quật mộ táng của Vua Lê Dụ Tông, Tiền Phong đã đăng kỹ trên một số báo ra đầu năm 1995, nay trích lược lại như sau:

Tháng 2/1958, một nông dân thôn Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, khi đào trong vườn nhà, đã phát hiện một cái quách, phá vỡ ra một mảng thấy lộ một phần chiếc quan tài sơn son. Người phát hiện đi trình báo với chính quyền. Việc được trình lên tới cơ quan trung ương.

Thi hành mệnh lệnh của Phủ Thủ tướng, các cán bộ bảo tồn, bảo tàng đã dùng xi măng hàn kín lại những chỗ đã phá vỡ, giao ngôi mộ cổ này lại cho địa phương chịu trách nhiệm bảo quản.

Những năm sau đó, do yêu cầu sản xuất của địa phương, vấn đề an toàn của ngôi mộ bị đe dọa. Được phép của trên, đội khảo cổ thuộc Bộ Văn hóa đã khai quật và mang nguyên vẹn chiếc quan tài trong mộ về Viện Bảo tàng lịch sử vào năm 1964.

Đặc điểm của chiếc quách là làm bằng một hỗn hợp gồm vôi sò, cát, mật và gạch non giã nhỏ trộn rồi nén chặt chung quanh 6 mặt quan tài tạo thành một khối chắc nịch như bê tông.

Ngày 2/4/1964, Viện Bảo tàng lịch sử đã tổ chức mở nắp quan tài với sự chứng kiến của chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Quan tài được làm bằng gỗ Ngọc Am (loại gỗ pơ mu). Những vách trong đều ghép thêm một lớp ván mỏng cũng bằng gỗ Ngọc Am, chắc có tác dụng làm tăng độ kín.

Quan tài có 2 đáy, giữa là một lớp gạo rang dày 10cm, đáy trên lớp gạo rang là một tấm ván mỏng chiều dày 2cm có trổ 7 lỗ tròn bố trí theo hình 7 sao trong chòm Bắc Đẩu. Lớp gạo rang có tác dụng hút nước và hơi ẩm.

Thi hài vua Lê Dụ Tông được bọc bởi rất nhiều lớp áo quần và vải còn nguyên vẹn: Ngoài cùng là một chăn bông vỏ gấm, sau đó lần lượt từ ngoài vào trong gồm: 8 tấm đại liệm bằng gấm thêu hoa bạc rộng 1,5m, dài 5m, buộc bằng năm đai ngang lụa; Tấm tiểu liệm bằng gấm may kép 2 lần vải; áo hoàng bào kim tuyến, thêu một rồng lớn phía trước và một phía sau cùng nhiều rộng nhỏ và vân mây ở thân và tay áo; 2 áo long bào thêu rồng kim tuyến; 3 bộ áo vóc vàng may kép đính vào nhau thành bộ (tổng cộng 9 cái); 3 lớp áo lụa kép (cộng 6 cái); Quần 3 chiếc bằng lụa mỏng, khố bằng vải mỏng.

Như vậy, riêng áo mặc cho thi hài đã có tới 18 chiếc, cộng thêm 10 lớp vải đại và tiểu liệm. Đây là những sắc phục đời Lê đầu tiên mà Bảo tàng Lịch sử có được.

Tay, chân thi hài đều đi tất lụa, chân có đôi giày gấm thêu, lót một lớp da thuộc mỏng, đầu gối gối gấm cốt bông, hai tai nút hai viên bông bọc lụa, mặt đắp một tấm vải gấm thêu rồng, có một chữ thọ ở giữa và 4 chữ vạn của nhà Phật ở 4 góc (hiện vật này cùng với mái tóc cắt ngắn khẳng định việc Lê Dụ Tông cuối đời có đi tu).

Hành trình 45 năm của di hài Vua Lê Dụ Tông ảnh 2
Gỡ bỏ những tấm vải và trang phục ngoài bọc quanh di hài

Trong quan tài còn có túi đựng móng chân, móng tay và răng rụng của người quá cố, một chiếc quạt giấy còn tốt, 1 cái bút lông, 1 quyển sách bìa gấm giấy trắng không có chữ, một chiếc túi trong đựng trầu cau, 1 hộp gỗ hình quả cau, trong đựng một thứ bột màu trắng. Tất cả các chỗ hở trong quan tài đều được nhét chật cứng bằng hàng trăm thước vải.

Khi nhấc tấm vải phủ mặt, da mặt Vua Lê Dụ Tông có màu xám nhạt, sau vài phút thì ngả màu xám đều như toàn thân. Nhìn chung thi hài giống như một người ốm lâu gầy, có teo bớt nhưng chưa khô đét, tay chân, thân thể vẫn mềm mại các khớp, các đốt ngón tay đều có thể gập duỗi được (!). Môi teo, để lộ một hàm răng đen đã rụng một vài chiếc. Cằm râu đen,  có điểm vài sợi đã bạc (Lê Dụ Tông viên tịch năm 52 tuổi).

Sau đó, thi hài Lê Dụ Tông được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử. Giáo sư Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp đã xét nghiệm nghiên cứu sinh hóa, nhưng chúng tôi không nắm được nội dung công trình này. Sau một thời gian trưng bày khoảng 4 năm, Bảo tàng Lịch sử đã đưa thi hài vua Lê Dụ Tông vào nhà bảo quản trong điều kiện đặc biệt.

Từ khi được khai quật tới nay, di hài Vua Lê Dụ Tông đã có quãng thời gian 45 năm rời xa vùng đất nơi ông yên nghỉ mấy trăm năm.

Còn nữa

Vua Lê Dụ Tông trong lịch sử

Vua Lê Dụ Tông sinh năm 1679 mất năm 1731. Ông tên là Duy Đường làm vua 24 năm (1705 – 1729). Ông là con trai cả của vua Lê Hy Tông. Lê Dụ Tông được vua cha truyền ngôi vào tháng 4 năm Ất Dậu (1705) và lấy niên hiệu là Vĩnh Thịnh. Đến năm 1720, nhà vua đổi niên hiệu thành Bảo Thái. 

Năm Kỷ Dậu (1729), Lê Dụ Tông bị An Đô Vương Trịnh Cương  ép nhường ngôi cho Thái tử Lê Duy Phường  rồi ra ở cung Kiền Thọ, xưng là Thuận Thiên thừa vận Hoàng thượng (Có tư liệu nói ông tu ở đây trong 2-3 năm cuối đời).

Trong “Khâm định Việt sử cương mục (tập 2) của Quốc sử quán Triều Nguyễn có ghi: Từ khi lui ra ở điện Kiền Thọ, Hoàng thượng thương uất ức không vui”.

Về triều đại của ông, có nguồn sử liệu viết: “Bấy giờ nối nghiệp thái bình, không biết việc binh đao, trong nước vô sự. Triều đình đặt nhiều việc pháp độ, kỷ cương rất hẳn hoi, đầy đủ; các phương xa đến cống hiến và Trung Quốc trả lại đất đai. Thực là đời rất thịnh”.

Một điều đáng chú ý nữa, Lê Dụ Tông chính là cha của Lê Duy Mật -  lãnh tụ cuộc khởi nghĩa lớn chống Chúa Trịnh ở Thanh Hoá vào giữa thế kỷ 18.

Đánh giá về cá nhân Lê Dụ Tông, GS sử học Nguyễn Danh Phiệt nói: “Lê Dụ Tông là ông vua bình thường nhưng không phải là loại ươn hèn, kém cỏi”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.