Hành trình 45 năm của di hài Vua Lê Dụ Tông - Tiếp

Hành trình 45 năm của di hài Vua Lê Dụ Tông - Tiếp
TP - Năm 1996, con cháu dòng họ Lê đã làm tờ trình đề nghị được rước thi hài Lê Dụ Tông về an táng trở lại tại Thái Miếu nhà Lê ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa.

>> Kỳ trước

Hành trình 45 năm của di hài Vua Lê Dụ Tông - Tiếp ảnh 1
Nạy nắp ván thiên của quan tài

Nhiều cơ quan chức năng và tỉnh Thanh Hoá đã đồng ý. Kế hoạch khá chi tiết thực hiện cũng đã được vạch ra. Tuy nhiên, việc không thành do một nhà khoa học có uy tín không đồng ý.

Nỗ lực bất thành

Việc khởi đầu từ Tờ trình đề ngày 12/7/1996 gửi lên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, các lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin (VH-TT), các cơ quan chức năng và lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá của Ban liên lạc họ Lê ở Hà Nội (do Trưởng ban Lê Xuân Đồng và một số ủy viên ký) và một số người thay mặt hậu duệ vua Lê Dụ Tông  - dòng họ Lê Duy ở Thanh Hóa (ông Lê Duy Hinh - hậu duệ đời thứ 11, trực hệ Nhà Vua; ông Lê Duy Tý - hậu duệ đời thứ 12, trực hệ của Dụ Tông Lê Duy Đường).

Tờ trình nêu rõ Ban liên lạc họ Lê  ở Hà Nội và dòng họ Lê Duy  “mong được nghênh tiếp Thi hài Đức Dụ Tông – Hoà Hoàng đế Lê Duy Đường (1705 – 1729) hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử về yên nghỉ tại Lăng mộ xưa - Lam Kinh, Thanh Hoá.

Ngày 27/4/1996, Hội thảo khoa học các dòng họ Việt Nam tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, bản tham luận của họ Lê đã có kiến nghị sớm có hướng giải quyết vấn đề di hài Vua Lê Dụ Tông...

Cách đây hơn 30 năm, mộ Nhà Vua được phát hiện, Bộ Văn hóa đã cho khai quật, đưa về Viện Bảo tàng Lịch sử để các nhà khoa học nghiên cứu. Cán bộ, công nhân viên của Bảo tàng đã có nhiều cố gắng giữ gìn, bảo vệ thi hài Nhà Vua. Nhưng nay đã hơn 30 năm trôi qua, việc nghiên cứu khoa học đã kết thúc và Viện đã từ lâu không còn đưa di hài ra trưng bày.

Là hậu duệ của Nhà Vua, chúng tôi khẩn thiết thỉnh cầu Bộ Văn hoá, Cục Bảo tồn Bảo tàng, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa - quê hương của Nhà Vua cho đón thi hài của ông về Lam Kinh, Thanh Hóa theo đúng nghi thức, xứng với công lao của Vua Lê Dụ Tông...”.

Sau Tờ trình trên, được sự đồng ý của lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hoá, Sở VH-TT tỉnh Thanh Hoá đã có Tờ trình gửi  lên Bộ VH-TT và Cục Bảo tồn Bảo tàng (nay là Cục Di sản) đồng ý chấp nhận việc đưa thi hài Vua Lê Dụ Tông về Thanh Hoá.

Tiếp được tờ trình trên, các cơ quan chức năng của ngành Văn hóa - Thông tin và tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Cục Bảo tồn Bảo tàng thảo luận về việc xử lý di hài Vua Lê Dụ Tông.

Tại đây, Giám đốc Viện Bảo tàng Lịch sử Phạm Đản cho biết: “Di hài dù được chú ý bảo quản, nhưng vẫn xuống cấp dần, nay da đen dần, quần áo bị mủn, xương khớp nếu không có chất kết dính thì sẽ rời rụng, râu rụng hết”.

Và ông kiến nghị: “Nếu nhu cầu nghiên cứu khoa học (của giới nghiên cứu) còn tiếp tục thì Bảo tàng Lịch sử tiếp tục lưu giữ di hài; trái lại, có thể đưa về an táng tại Thanh Hoá...”.

Một cán bộ Viện Bảo tàng Lịch sử (tên Dần) bổ sung: “Việc bảo quản di hài rất khó khăn, vượt quá khả năng và điều kiện của ta; không thể bảo quản vĩnh viễn  được”. Các giáo sư Đỗ Văn Ninh (đại diện Viện Sử học Việt Nam) và Nguyễn Danh Phiệt (đại diện Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) đều  ủng hộ việc hoàn táng cho Vua Lê Dụ Tông.

GS Đỗ Văn Ninh nói: “Di hài sẽ tiếp tục hỏng, không thể bảo quản vĩnh viễn, vì vậy nên đưa về chôn lại. Song cần hoàn thiện hồ sơ khoa học có liên quan trước khi làm việc đó”.

Sau cuộc họp nói trên, Bộ Văn hóa - Thông tin có công văn gửi Sở VH-TT Thanh Hoá đồng ý với tờ trình của Sở và đề nghị Sở làm phương án hoàn táng.

Thực hiện chỉ đạo đó, Sở VH-TT Thanh Hoá đã làm “Phương án tổ chức hoàn táng di hài Vua Lê Dụ Tông về Thanh Hoá”.

Phương án trình bày rõ chương trình hoàn táng dự kiến tiến hành vào trung tuần tháng 3/1997 gồm lễ đưa tiễn tại Hà Nội, lễ tiếp nhận tại Thanh Hoá; địa điểm hoàn táng là khu vườn Thái Miếu nhà Hậu Lê tại Đông Vệ, TP Thanh Hoá; lăng mộ dự kiến theo bản vẽ của Trung tâm tu bổ di tích Trung ương, chia làm hai phần:

Phần mộ chôn thi hài là phần chìm dưới đất và phần nhà bia bên trên.  Phương án nêu chi tiết về thành phần Ban tổ chức, các nghi lễ và phương tiện đưa đón kèm theo dự toán chi phí khoảng 113 triệu đồng. Trên đây là chưa kể những nội dung và kinh phí do Ban Liên lạc Họ Lê đề nghị.

Công việc đang tiến triển gần đến bước Bộ VH-TT trình Chính phủ quyết định thì xảy ra trở ngại. Một nhà khoa học đầu ngành nêu ý kiến:  “Tôi chưa được nghiên cứu thi hài nhà vua”. Do vậy việc đang được tiến hành phải dừng lại.

Từ đó, bẵng đi 10 năm, sự việc không có tiến triển gì thêm.

Khởi động lại

Hành trình 45 năm của di hài Vua Lê Dụ Tông - Tiếp ảnh 2
Di hài được bọc trong rất nhiều lớp quần áo và vải

Việc di hài một tiền nhân vương giả bị hủy hoại dần theo thời gian luôn là nỗi canh cánh của dòng họ Lê Duy nói riêng và họ Lê Việt Nam nói chung.

Ngày 10/10/2006, Ban liên lạc họ Lê Việt Nam và Ban liên lạc họ Lê Duy lại có Tờ trình gửi Giám đốc Sở VH-TT Thanh Hoá đề nghị xem xét việc đưa di hài Vua Lê Dụ Tông về an táng tại quê hương Thanh Hoá. Đồng thời tờ trình cũng được gửi tới Bộ VH-TT.

Cả Viện Sử học Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đều có công văn gửi Cục Di sản Bộ VH-TT đề nghị đáp ứng đề nghị hoàn táng di hài nhà vua.

Công văn của Viện Sử học nêu: “Việc nghiên cứu ngôi mộ hợp chất, di hài Vua Lê Dụ Tông cùng các di vật tuỳ táng đã được triển khai trong hơn 40 năm và đem lại những kết quả nhất định.

Trên quan điểm là một cơ quan nghiên cứu khoa học, Viện Sử học đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét đầy đủ cả vấn đề khoa học và tâm linh, nếu xét thấy việc nghiên cứu ngôi mộ hợp chất và di hài Vua Lê Dụ Tông cùng các hiện vật tuỳ táng đã có kết quả khoa học thì nên thể theo nguyện vọng của con cháu hậu duệ họ Lê - một dòng họ lớn có nhiều công lao với quốc gia, dân tộc trong nhiều thế kỷ - an táng di hài vua Lê Dụ Tông tại quê hương của Đức Vua càng sớm càng tốt”.

Tiếp sau đó, giữa Bộ VH-TT, UBND tỉnh Thanh Hoá và Hội đồng họ Lê Việt Nam có nhiều công văn qua lại để giải quyết vấn đề.

Ngày 22/12/2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) có công văn số 4319 gửi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề xuất đưa thi hài Vua Lê Dụ Tông về an táng tại Thanh Hóa. 

Chỉ hơn nửa tháng sau, Văn phòng Chủ tịch nước thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết:  “Về nguyên tắc, nhất trí với đề nghị của Bộ VH-TT&DL. Bộ VH-TT&DL có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo thực hiện”.

Khi Bộ chức năng thực hiện chỉ đạo trên, tháng 3 năm nay Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hoá đề nghị nghiên cứu, có ý kiến về đề nghị của Bộ VH-TT&DL gửi về Văn phòng Chính phủ để Văn phòng có cơ sở trình Thủ tướng xem xét quyết định.

Sau khi nghiên cứu toàn diện mọi mặt, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ VH-TT&DL để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép hoàn táng thi hài Vua Lê Dụ Tông tại làng Bàn Thạch, xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa).

Cuộc vận động đưa di hài Vua Lê Dụ Tông đã đi vào nhưng bước cuối cùng.

* “Bảo tàng Nghĩa Bình cũng có hiện vật xác ướp nhưng bị hỏng nên phải chôn lại. Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh cũng có hiện vật xác nhưng cũng đang bị hỏng, ảnh hưởng tới môi trường và tâm lý người xem. Do đó việc giải quyết vấn đề di hài Vua Lê sẽ đặt ra tiền đề cho việc xử lý loại hiện vật này ở một số bảo tàng”.

(Cán bộ Viện Bảo tàng Lịch sử Nguyễn Thị Dung phát biểu tại cuộc họp thảo luận việc xử lý di hài Vua Lê Dụ Tông)

* Theo Giáo sư sử học  Đỗ Văn Ninh, “mộ Vua Lê Dụ Tông là ngôi mộ hợp chất, không phải mộ xác ướp. Về khoa học, ngôi mộ này là một tài liệu cung cấp thêm hiểu biết về loại mộ hợp chất và đồ tuỳ táng, là tài liệu tốt phục vụ nghiên cứu về phong tục tập quán.

(Trích Biên bản cuộc họp thảo luận việc xử lý di hài Vua Lê Dụ Tông ngày 18/10/1996)

MỚI - NÓNG