Hành trình khổ ải

Anh Thiệp gần như đã lả đi vì say sóng và ốm, được một đồng hương cõng xuống tàu
Anh Thiệp gần như đã lả đi vì say sóng và ốm, được một đồng hương cõng xuống tàu
TP - Sáu giờ sáng ngày 4-4, tàu Lissos chở 1.019 lao động Việt Nam làm việc tại Libya đã cập cảng Cái Lân (Quảng Ninh) an toàn, kết thúc hành trình khổ ải hơn 30 ngày lênh đênh trên biển.

>> Hơn 1.000 lao động từ Libya về tới cảng Cái Lân

Chào quê nhà Việt Nam
Chào quê nhà Việt Nam.

Hô vang “Việt Nam”

Từ nhiều ngày qua, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã khẩn trương chuẩn bị từ những chi tiết nhỏ nhất như khánh tiết, y tế, phương tiện, nhập cảnh, kiểm dịch… để đón lao động. Trên bờ biển, các Cty đã chuẩn bị hàng chục xe khách loại 45 chỗ để đón, đưa công nhân về quê.

Khoảng 3 giờ sáng 4-4, phóng viên Tiền Phong theo chân đoàn công tác Hải đội 2 – Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh và Hải quan Quảng Ninh… xuất phát từ cảng Hòn Gai, Hạ Long trực chỉ phao số 0 để đón tàu Lissos. 5 giờ 30 phút, tàu Lissos về đến vị trí phao số 0.

Chiếc tàu chở hàng 5 tầng dài gần 200 mét rực rỡ trong đêm tối giảm dần tốc độ, sau đó dừng hẳn để đoàn cán bộ lên tàu làm các thủ tục nhập cảnh cho lao động. Trên boong tàu, hàng trăm lao động hò reo vẫy chào đoàn công tác và hô vang hai tiếng “Việt Nam”.

Anh Thiệp gần như đã lả đi vì say sóng và ốm, được một đồng hương cõng xuống tàu
Anh Thiệp gần như đã lả đi vì say sóng và ốm, được một đồng hương
cõng xuống tàu.

Say sóng, đói rét

Lên tàu, lao động Việt Nam đầu tiên PV trò chuyện là anh Nguyễn Văn Hòa (SN 1972, quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Anh Hòa đã sang Libya được 16 tháng và làm việc cho một tập đoàn của Braxin, chuyên thi công, lắp đặt đường ống nước. “Lên được bờ là tốt rồi, tôi không muốn ở trên tàu thêm một ngày nào nữa” – Anh Hòa nói.

Theo anh Hòa, tiếng súng, những cơn say sóng và cả những cơn đói là nỗi ám ảnh chung của anh và nhiều lao động. “Trong các trại công nhân ở thành phố Bengadj, đêm nào chúng tôi cũng nghe thấy tiếng súng nổ. 15 ngày chờ được giải cứu, tiếng súng chập chờn cả trong giấc mơ” – Anh Hòa nói.

Cùng phòng anh Hòa, anh Thiệp (32 tuổi, Đức Thọ, Hà Tĩnh) không lên nổi boong tàu vì đang bị ốm và say sóng. Cả dọc hành trình, gần như anh không thể ra khỏi phòng, cơm cũng do anh em mang hộ về tận phòng...

Một lao động khác cùng quê Hà Tĩnh cũng cho biết: Do tàu không chuẩn bị đầy đủ lương thực để đưa công nhân về Việt Nam, nên nhiều ngày liền lao động chỉ có khẩu phần ăn đủ để cầm hơi. “Không phải thủy thủ tàu không cho ăn mà vì lương thực ít nên phải dè sẻn. Chỉ những khi cập cảng nào đó tiếp lương thực, chúng tôi mới được ăn no”- Anh này nói. Theo một số lao động, để chống đói, họ chọn giải pháp… ngủ. Song ngủ ngày đêm lại không ngủ được, thức đêm càng mau đói.

Cộng thêm nỗi nhớ gia đình, 30 ngày của lao động đoàn trên biển càng như dài thêm. Anh Nguyễn Văn Sơn (Thanh Hóa) cho biết, những ngày trên tàu anh gần như mất liên lạc hoàn toàn với gia đình. “Khi còn ở trại lao động tại Libya, tuy cước điện thoạt rất đắt nhưng mọi người vẫn thường xuyên gọi điện với gia đình. Lúc đó chỉ nghĩ khoảng nửa ngày nữa là về tới nhà”- Anh Sơn ngân ngấn.

Anh Nguyễn Văn Hòa: “Về tới nhà là sống rồi…”
Anh Nguyễn Văn Hòa: “Về tới nhà là sống rồi…”.

Buồn vui ngày trở về

Trải qua hành trình gian nan song tất thảy lao động về nước trên chuyến tàu này vẫn không giấu được niềm vui an toàn trở về. Sau 15 ngày sống trong sợ hãi, hơn một tháng khổ ải trên tàu gần như ai cũng kiệt sức.

Anh Trần Văn Hiệp (32 tuổi, Hà Tĩnh) nói, chỉ mong được về ngay với gia đình để lấy lại sức, nhớ con không sao ngủ nổi. “Chúng tôi còn may mắn vì được Nhà nước quan tâm, chứ tôi biết nhiều lao động nước ngoài khác làm việc ở Libya phải tự tìm đường về nước” – Anh Hiệp nói.

Bên cạnh đó, anh Hiệp và nhiều lao động cũng băn khoăn không biết thời gian tới sẽ làm gì. “Làm quần quật mười mấy tháng đất người với đồng lương thực khoảng trên 200 USD. Nhiều người lấy lại vốn, nhưng nhiều người nợ nần chồng chất. Nộp hàng chục triệu để đi xuất khẩu lao động, đến nay vẫn còn nợ nần. Làm hết tháng chưa nhận được tiền lương thì phải về, thêm một tháng trên biển nữa, chúng tôi đang bị Cty thuê lao động nợ 2 tháng lương. Mong sao chúng tôi được nhận lại khoản tiền này” – Anh Hiệp nói.

Trao đổi với báo chí ngay tại cầu cảng Cái Lân, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nói, việc hơn 1.000 lao động về cảng Cái Lân an toàn đã kết thúc chiến dịch giải cứu lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay (hơn 10.300 lao động), thoát khỏi vùng chiến sự Libya.

Ông Nguyễn Thanh Hoà cũng cho biết, Bộ đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH các địa phương có người lao động từ Libya trở về tập trung tìm giải pháp khắc phục và tạo việc làm cho những lao động này.  

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG