Hành trình trở về từ Nga của bức chân dung Bác Hồ

Ðoàn công tác trao đổi với vợ và con gái hoạ sĩ Aleksei.
Ðoàn công tác trao đổi với vợ và con gái hoạ sĩ Aleksei.
TP - “Ðây là hiện vật vô cùng giá trị, bức tranh nguyên gốc do họa sĩ Nga trực tiếp vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nói. Hành trình đưa bức tranh này từ Nga trở về mất gần 2 năm.

BỨC CHÂN DUNG QUÝ HIẾM

Họa sĩ, nhà sư phạm nổi tiếng Aleksei Petrovich Kuznetsov (1916-1993) từng được Bộ Văn hóa Liên Xô (cũ) cử sang Việt Nam công tác hai năm để thành lập Trường Mỹ thuật Quốc gia, phát triển trường phái hội họa tại ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Được biết trong thời gian này ông miệt mài sáng tác gần 100 tranh sơn dầu và hơn 200 phác họa. Đặc biệt ông được mời vào Phủ Chủ tịch vẽ chân dung Bác Hồ. Mấy ngày liền, họa sĩ Aleksei Petrovich Kuznetsov tiếp xúc và vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi làm việc trong khu vườn Phủ Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Công kể. “Cho tới nay những tác phẩm hội họa của ông về Chủ tịch Hồ Chí Minh được coi là một trong những di sản văn hóa quan trọng”, ông Nguyễn Văn Công nói.

Bức chân dung sơn dầu có kích thước 47cm x 67cm vẽ theo khổ tranh đứng. Đây là bức chân dung Bác nguyên gốc, gắn liền với không gian khu vườn Phủ Chủ tịch năm 1960 này theo ông Nguyễn Văn Công “xứng đáng sưu tầm bổ sung cho khối tài liệu hiện vật của Khu di tích, nhất là trong bối cảnh hiện vật gốc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, không gian lịch sử của khu di tích quốc gia đặc biệt này ngày càng khan hiếm và dễ bị thất lạc ra nước ngoài”. Đại diện Khu di tích cho rằng, sinh thời Bác không ưa cho tạc tượng, vẽ chân dung nên không có nhiều tác phẩm trực họa về Bác. Bức tranh vì thế càng trở nên có giá trị.

Tháng 5/2017, ban giám đốc Khu di tích có chuyến đi sưu tầm tài liệu, hiện vật tại Nga, phát hiện gia đình họa sĩ Kuznetsov còn lưu giữ một số bức tranh về Việt Nam, đặc biệt bức chân dung Bác. Đoàn đặt vấn đề với gia đình tặng lại bức tranh, mời gia đình sang Việt Nam nhưng họ từ chối vì lí do sức khỏe. Nguyện vọng được mua lại bức tranh và các ký họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không được đáp ứng-gia đình quyết không bán.

GIAN NAN

“Cán bộ của khu di tích không bỏ cuộc, tiếp tục theo sát gia đình họa sĩ để nắm thông tin, xây dựng mối quan hệ để sưu tầm bức tranh”, ông Nguyễn Văn Công nói. Cơ hội đến, ngày 30/5/2018 gia đình họa sĩ rao bán các tác phẩm của ông, trong đó có bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Gallery Art St.Petersburg với mức khởi điểm 750 nghìn rb/bức. “Đây là điều bất lợi cho công tác sưu tầm. Bởi, theo chuyên gia từ Gallery Art St.Peterburg mức giá không đắt nên có khả năng một số nhà sưu tầm cá nhân hoặc phòng tranh nào đó mua được ngay. Nếu chậm trễ hoặc không thể mua được hiện vật, hoặc phải mua lại từ nhà sưu tầm cá nhân sẽ khó khăn hơn, dễ bị thất thoát di vật quốc gia”, ông Công nói.

Quá trình đưa bức tranh quý trở về không thể không nhắc tới bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Khoa Phương Đông ĐH Tổng hợp quốc gia St.Petersburg-kết nối đoàn sưu tầm với gia đình và thuyết phục họ. Ngay khi nhận được tin, lãnh đạo Khu di tích nhờ bà Hạnh nói chuyện với gia đình để rút hai bức tranh vẽ chân dung Bác khỏi gallery, đề đạt nguyện vọng được mua lại. Cùng thời điểm đó, lãnh đạo Khu di tích báo cáo Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, xin chủ trương. Được chấp thuận, ban giám đốc ủy quyền cho bà Hạnh làm thủ tục đặt cọc để giữ tranh. Một nhà sưu tập tranh người Nga trả giá gấp đôi và gia đình bán một bức, còn bức chân dung Bác ngồi làm việc trong khu vườn vẽ năm 1960.

Hành trình trở về từ Nga của bức chân dung Bác Hồ ảnh 1

Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do hoạ sĩ Aleksei Petrovich Kuznetsov sáng tác năm 1960.

“Hội đồng thẩm định được lập ra để sang Nga với các nhiệm vụ như kiểm định tính nguyên gốc, tiến hành thủ tục mua bán, giao nhận tranh cũng như đặt vấn đề mua lại các ký họa, phác thảo, tư liệu liên quan tới quá trình sáng tác bức chân dung”, ông Công nói. Ông giữ vai trò trưởng đoàn công tác sang Nga từ 24-31/7/2018, gồm ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, đại diện Cục Di sản văn hóa, cán bộ của Khu di tích Phủ Chủ tịch.

Hội đồng xem xét trực tiếp hiện trạng bức tranh, đánh giá phong cách, bút pháp vẽ của tác giả, chất liệu vải vẽ, vết tích ở hai mặt rồi so sánh tương đồng với các tác phẩm khác của họa sĩ vẽ cùng thời kỳ năm 1960. Ông Vi Kiến Thành đánh giá bức trực họa của họa sĩ Aleksei Petrovich Kuznetsov “hoàn thành cơ bản với phong cách phóng khoáng, những vệt bút lông khoáng đạt và dạt dào cảm xúc”. Dù ở góc tranh họa sĩ chưa vẽ kín mặt toan nhưng diễn tả khá kỹ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thần thái ung dung, vầng trán cao, đôi mắt sáng và cuốn sách trên tay.

Dù được gia đình đồng ý để lại bức tranh, nhưng đoàn công tác mất khá nhiều thời gian cho chuỗi thủ tục mua tranh, thẩm định, kiểm định tính nguyên gốc, đóng thuế và nộp lệ phí để đưa bức tranh rời Nga về Việt Nam. Thủ tục với gia đình họa sĩ hoàn thành ngày 27/7, tuy nhiên việc thẩm định bức tranh tại cơ quan chức năng ở St.Petersburg theo quy định mất 30 ngày, sau đó tác phẩm mới được phép rời khỏi Nga. Tình thế buộc đoàn công tác phải làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga hoàn tất thủ tục đưa bức chân dung Bác về Việt Nam cùng ngày với đoàn công tác. Sáng 1/8 đoàn sưu tầm đưa bức chân dung quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhập cảnh tại sân bay Nội Bài an toàn.

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết thời gian tới tiếp tục kế hoạch sưu tầm tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là nguồn tư liệu từ nước ngoài. “Công việc sưu tầm bổ sung và làm phong phú hơn nội dung trưng bày trong Khu di tích”, ông Công nói. Riêng về bức chân dung Bác, ban giám đốc Khu di tích sẽ có kế hoạch trưng bày, giới thiệu tác phẩm.   
Họa sĩ Aleksei Petrovich Kuznetsov tham gia giảng dạy hai khóa đầu tại Trường ÐH Mỹ thuật Việt Nam. Nhiều họa sĩ Việt Nam là học trò của ông sau này thành danh và được nhận nhiều giải thưởng danh giá như nhà điêu khắc Nguyễn Hải, họa sĩ Nguyễn Thụ, Giáng Hương, Phạm Công Thành, Huy Oánh…
MỚI - NÓNG