Hành trình trở về vì người khuyết tật

Ông Pao và ông Trần Văn Toản (thứ 2 từ trái sang) và những người bạn tại Trung tâm Đông đô.
Ông Pao và ông Trần Văn Toản (thứ 2 từ trái sang) và những người bạn tại Trung tâm Đông đô.
TP - Ông Pao là một thợ giỏi về chế tạo các thiết bị để người khuyết tật lái xe ô tô. Biết người Việt phải nhập khẩu những thiết bị này rất đắt đỏ nên ông tìm về nước truyền nghề.

Hành trình trở về để “trối già” của ông Pao không ồn ào, không nhiều tiền bạc như một doanh nhân Việt kiều nhưng đủ rung động tâm can của con em nước Việt.

Tặng sản phẩm, truyền nghề miễn phí

Trước mắt chúng tôi là người đàn ông tóc bạc trắng nhưng còn khoẻ khoắn, nhanh nhẹn lắm. Ngoài nước da có phần sáng hơn, quần áo, giày tất mang “mác” Tây, còn lại thì vẫn mang dáng dấp như một lão nông đứng tuổi đậm chất Việt. Dáng người ông thấp đậm, giọng nói thỏ thẻ và khi nào cũng kèm nụ cười đầy khiêm nhường.

Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Đông Đô (Bắc Ninh) giới thiệu đó là ông Pao, Việt kiều Pháp về trung tâm truyền nghề. Ông Pao bắt tay và nhanh chóng giới thiệu cho chúng tôi những thiết bị làm bằng sắt bóng nhoáng, được uốn, hàn chắc chắn, gắn thêm những núm, những mảng bằng cao su hoặc nhựa.

Chỉ thao tác vài phút phía trước ghế lái của chiếc ô tô nguyên bản, ông Pao đã lắp đặt xong thiết bị. Lúc này, một người bị liệt hoặc cụt chân phải có thể điều chỉnh cả ga và phanh bằng bàn chân trái. Nếu không muốn sử dụng chức năng này, người lái có thể gập thiết bị lên một cách gọn gàng.

Cũng với các thanh sắt đơn giản được chế tạo sẵn, ông Pao dễ dàng chuyển bộ phận ga, phanh dưới chân để lái xe điều khiển bằng tay, đặt cạnh vô lăng. Nhờ thế, thiết bị này có thể giúp người bại liệt cả hai chân vẫn có thể lái được ô tô.

Ngoài ra, ông Pao còn giới thiệu những chi tiết rất nhỏ nhưng có tác dụng bất ngờ đối với cho người khuyết tật như chiếc núm tròn gắn trên vô lăng để người khuyết tật một tay vẫn điều khiển vô lăng dễ dàng, hay như tấm nhựa gắn vào chìa khoá để người khuyết tật, người già dễ cầm nắm khi vận hành xe.

Một lát sau, tay ông Pao cầm thanh kim loại chuyên dụng được bọc bên ngoài bằng mút cao su màu vàng. Ông ướm thử vào vô lăng và nói với nhân viên Trung tâm Đông đô nhìn kỹ để học cách tạo khuôn hết sức đơn giản cho thiết bị. “Các bạn cứ đo như vậy rồi sử dụng các vật liệu máy móc không quá phức tạp vẫn có thể làm ngay. Tôi chỉ muốn truyền kinh nghiệm để các bạn làm, không bán, không lấy tiền gì hết. Các bạn làm tốt, tôi có thể hướng dẫn làm thêm các thiết bị hiện đại, tiện dụng hơn nữa” - ông Pao nói.

Ông Pao tặng lại cho ông Toản toàn bộ thiết bị và dụng cụ làm khuôn. Tối hôm đó, ông Pao cùng vợ ở lại Trung tâm Đào tạo sát hạch lái xe Đông Đô (Trung tâm Đông Đô tại Bắc Ninh) để giao lưu với cán bộ trung tâm để hôm sau tiếp tục truyền nghề.

Hành trình trở về vì người khuyết tật ảnh 1 Ông Pao đang hướng dẫn cách tạo mẫu để chế tạo thiết bị trực tiếp trên ô tô. Ảnh: Sỹ Lực.

Hành trình cuối đời

Giấy tờ ông mang tên Công Văn Pao, sinh năm 1955, quê bố ở Lạng Sơn, mẹ người Hà Đông (Hà Nội). Ông kể, tên của ông vốn là Bảo nhưng sang Pháp, người ta đọc chệch thành Pao rồi các giấy tờ dần cũng ghi như thế.

Sinh ra tại Việt Nam, lớn lên, vốn tính thích khám phá nên ông tham gia vào mạng lưới Hướng đạo sinh Việt Nam. Phong trào Hướng đạo xuất hiện đầu tiên ở Anh vào những năm đầu thế kỷ XX, người sáng lập là Baden Powell, sau dần dần phát triển ra nhiều nước ở châu Âu và châu Á, hình thành Tổng hội Hướng đạo sinh quốc tế. Phong trào Hướng đạo sinh vào Việt Nam khoảng năm 1929-1930.

Ông Pao kể, có những giai đoạn, ông tham gia các chương trình của nhóm hướng đạo sinh hàng năm trời, đi đến nhiều vùng miền của đất nước, từ miền xuôi đến miền núi như Hoà Bình, Yên Bái, Lao Cai... Các hoạt động này giúp ông có kỹ năng sinh tồn trong các điều kiện khó khăn của thiên nhiên, cuộc sống. Trong quá trình đó ông cũng giúp đỡ được nhiều người khó khăn trong cuộc sống.

Chính trong các trại sinh hoạt hướng đạo sinh này, ông biết và bị hấp dẫn với cuộc sống Pháp. Thế rồi, trong chiến tranh, gia đình ông di chuyển dần sang Lào sinh sống một thời gian ngắn rồi móc nối với người quen rồi sang đến Pháp. Lúc sang Pháp, ông tròn 20 tuổi, không nghề nghiệp, chưa thạo tiếng Pháp.

Tại Pháp, ông trải qua nhiều nghề, hết làm công nhân rồi buôn bán tại nhiều vùng miền tại Pháp. Sau đó, bạn bè, gia đình khuyên ông phải tạm dừng “xê dịch” để học nghề, tìm công việc ổn định. Ông nghe theo và về Paris đăng ký học lớp thợ hàn. Khoá học hết 2 năm nhưng do nắm bắt nhanh, “học lỏm”, “nhảy cóc” (như ông nói) nên chỉ một năm sau ông bắt đầu làm việc.

Tốt nghiệp, ông được nhận vào làm cho công ty chuyên sản xuất các thiết bị giúp người khuyết tật lái xe ô tô có trụ sở ở ngoại ô Paris. Tại đây, ông cùng thợ, kỹ sư và lãnh đạo công ty trực tiếp sản xuất ra nhiều thiết bị từ đơn giản đến phức tạp để phục vụ cho người khuyết tật lái xe. Công ty nhỏ nhưng thu nhập rất tốt, ngay cả con trai của ông cũng bỏ việc ở công ty của Tập đoàn Mercedes về công ty này làm việc.

Hành trình trở về vì người khuyết tật ảnh 2 Ông Công Văn Pao giới thiệu các thiết bị đặc thù để người khuyết tật lái xe do ông chế tạo.

Sau 36 năm làm việc liên tục, vào tháng 2/2018 vừa qua ông về hưu tại công ty của mình. Ông khoe với chúng tôi cuốn sổ do giám đốc công ty tặng nhân ngày về hưu. Trong đó, có những tấm ảnh chụp lúc ông làm việc tại công ty và những dòng lưu bút đầy trân trọng, quyến luyến của lãnh đạo, đồng nghiệp công ty với cá nhân ông.

Trước khi về hưu, qua theo dõi báo chí Việt Nam, biết trong nước bắt đầu cho phép người khuyết tật lái xe ô tô, ông đã viết nhiều lá thư cho các cơ quan chức năng thuộc ngành GTVT, các trung tâm đào tạo lái xe ở các vùng miền với mong muốn về nước truyền nghề. “Sau khi về hưu, tôi muốn làm một việc ý nghĩa cho quê hương, may sao, qua xem truyền hình tôi biết Việt Nam cho phép người khuyết tật lái xe đúng với sở trường của mình. Vì vậy, tôi xin ông/bà một cái hẹn…” – thư ông Pao viết. 

 Phải đến lá thư thứ tư, ông Pao mới được hồi âm và người chấp nhận đón tiếp là ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Đông Đô. Ông Toản kể, hẹn buổi sáng làm việc nhưng từ tối hôm trước, vợ chồng ông Pao đã rất cẩn thận thuê một khách sạn nhỏ cạnh trung tâm Đông Đô chờ sẵn. Sáng sớm hôm sau, ông Pao và vợ vào trung tâm để tặng và chuyển giao toàn bộ các quy trình một cách nhiệt tình, thân thuộc.

Lương hưu của ông Pao tính ra tiền Việt khoảng 70 triệu đồng/tháng. Tại Việt Nam, đó mức thu nhập đáng mơ ước nhưng với mức chi tiêu tại Pháp, khoản tiền đó không quá dư dả. Ông Pao kể, trước khi về Việt Nam, những người hàng xóm của ông bên Pháp cảm kích với ý định của ông. Trong đó, ba người hàng xóm quốc tịch Pháp gặp ông để tặng tiền cho vợ chồng ông Pao về nước. Ông Pao đã từ chối vì không biết chuyến đi của mình có thành công hay không.

 “Chuyến trở về này tôi rất mãn nguyện và tôi sẽ trở lại nữa. Tôi sẽ kêu gọi các bạn, các hàng xóm của tôi giúp sức. Tôi nhiều tuổi rồi, phải cố làm ngay, vài năm nữa sức yếu, không làm được sẽ rất tiếc” - ông Pao nói.

 

“Nhiều người khuyết tật trong nước phải đặt mua những thiết bị như ông Pao đã tặng cho chúng tôi tận bên Mỹ, Pháp, Đức với giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Chúng tôi cũng đã nhận được nhiều lời mời chào để mua thiết bị với giá cao. Việc ông Pao tặng và truyền lại cách làm khiến chúng tôi rất cảm kích. Từ đây, chúng tôi có thể sản xuất ra thiết bị với giá thành hợp lý cho người có nhu cầu trong nước sử dụng”.   

 Ông Trần Văn Toản

“Sau khi về hưu, tôi muốn làm một việc ý nghĩa cho quê hương, may sao, qua xem truyền hình tôi biết Việt Nam cho phép người khuyết tật lái xe đúng với sở trường của mình. Vì vậy, tôi xin ông/bà một cái hẹn…”.

Thư ông Pao viết

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...