Hành trình về nơi tận cùng thế giới

Hành trình về nơi tận cùng thế giới
TP - Khu rừng rậm nguyên sinh lớn thứ hai thế giới là Irian Jaya ở Indonesia - nơi tồn tại những bộ tộc sống như người nguyên thủy - đã thôi thúc một đoàn nhà báo làm cuộc chinh phục.

Trong những cánh rừng già này, họ gặp những người dân của các bộ tộc Yali, Lani, Dani, Korowai. Và hành trình đi tìm những con người “nguyên thủy” được gọi là hành trình về nơi “tận cùng thế giới”.

Ngay khi đoàn thám hiểm trở về Việt Nam, Nam Phong - một thành viên trong đoàn đã kể lại những câu chuyện ấn tượng.

Sống sót trong rừng rậm

Phải mất gần một năm chuẩn bị với những người bạn trong nhóm khám phá phiêu lưu Indonesia, chúng tôi mới thiết lập được lộ trình băng rừng rậm để diện kiến những người Lani, Dani và Yali ở dãy núi Jayawijaya, nơi có ngọn núi Trikora cao 4.750m, đứng thứ hai Indonesia.

Mọi thông tin chúng tôi biết về vùng đất này rất ít và mơ hồ, ngay cả khi sử dụng những phương tiện tra cứu hiện đại nhất cũng chỉ nhận được thông tin chung chung, đây là một vùng rừng núi nguyên sinh, với núi đồi trập trùng bao phủ, không có bất kỳ bản đồ chi tiết nào về đường đi, vị trí các ngọn núi ở khu vực này.

Trải qua bảy chặng bay từ TP.HCM đến Singapore - Jakarata - Ujung Pandang (Makassar) - Biak - Jayapura - Wamena liên tục trong suốt 24 giờ, chúng tôi mới đến được thị trấn Wamena - nơi bắt đầu hành trình đi rừng. Đón chúng tôi là người dẫn đường Rufus cùng 15 thành viên vừa làm nhiệm vụ dẫn đường, phiên dịch các thổ ngữ, cũng như bảo vệ đoàn trong suốt hành trình.

Rufus cho chúng tôi xem chiếc bản đồ vẽ tay trên giấy học trò. Với lộ trình muốn gặp đủ ba bộ tộc Yali, Dani và Lani, chúng tôi sẽ phải “ngốn” hết hơn 300km đường rừng, với suốt thời gian khoảng hai tuần lễ ăn ngủ cùng rừng sâu.

Chuyến đi rừng bắt đầu từ thị trấn Wamena, chúng tôi lầm lũi đi bộ từ sáng đến tối với 8 - 11 giờ băng rừng, vượt núi. Đến ngày thứ tư, ngay cả với những người dẫn đường thành thạo, hành trình băng rừng cũng khiến 5 trong số 15 người trong họ ngã bệnh.

Dù đã qua những bài tập thể lực và kỹ thuật đi rừng, nhưng rừng rậm ở Irian Jaya ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Có những vùng rừng đi ban ngày mà như đi trong đêm tối, tầng lá mục ngập đến quá đầu gối, ra khỏi rừng thì lại đối mặt với vách núi cheo leo và những vùng núi sạt lở đầy nguy hiểm.

Một thành viên trong đoàn khi đến vách núi đất sạt lở đã bị trượt và nhờ bám được vào những bụi cỏ dại mới thoát nạn. Chiếc máy quay phim bị gãy mất màn hình LCD, nhưng bảo toàn được tính mạng.

Kể từ đó, chúng tôi bước đi trong nỗi ám ảnh về vực sâu của những vách núi liền kề, sâu thăm thẳm, bước chân đi mà không dám ngoảnh đầu nhìn lại. Trong khi đó, mưa vẫn nặng hạt, đường đi trở nên trơn trượt, ẩm thấp. Lần lượt máy hình, máy quay đều bị hơi nước làm mờ ống kính, không thể hoạt động.

Thế nhưng, những bộ tộc hoang dã vẫn chưa hề xuất hiện. Đáp lại chúng tôi chỉ có sự lạnh giá của núi cao, sự ẩm ướt của mưa rừng và cơ bắp mỏi nhừ.

Hành trình về nơi tận cùng thế giới ảnh 1
Gặp gỡ bộ tộc Lani

Đã một tuần đi rừng, trong đầu không còn chỗ cho ý nghĩ thối lui. Chúng tôi cũng đến được ngôi làng Wesalep - một ngôi làng của người Dani ở độ cao gần 3.000m. Những ấn tượng ban đầu về bộ tộc hoang dã đầu tiên khiến bao mệt nhọc của chúng tôi tan biến.

Ở đây, người đàn ông Dani dùng một quả bầu khô (loại bầu đặc trưng) để che dương vật, phụ nữ mặc váy cỏ, để ngực trần. Cuộc sống đối chọi với sinh tồn của họ giữa rừng xanh, nơi văn minh không hề xâm lấn đã hấp dẫn chúng tôi, như nạp thêm năng lượng để cả đoàn tiếp tục hành trình trong rừng sâu đến bộ tộc Yali và Lani kỳ bí.

Chúng tôi phải xuôi dòng sông Braza và ngược dòng Siret với 10 tiếng ngồi thuyền độc mộc, nghỉ đêm tại Mabu để tìm những người dẫn đường thiện chiến. Bởi ngay từ Yahukimo, khi chúng tôi trình diện cảnh sát địa phương, họ đã cảnh báo, khi đi trong vùng đầm lầy tìm đến người Korowai, có khả năng chạm trán với cá sấu dài đến 7m và rắn độc khổng lồ. Rút cục, chúng tôi cũng chọn được 12 người đi cùng vào đầm lầy.

Điều thú vị nơi tận cùng thế giới

Mọi bất trắc trong chuyến đi đã trở thành chuyện nhỏ khi chúng tôi gặp được các bộ lạc nơi miền đất hoang vu này. Mỗi một bộ tộc có một văn hóa, tập tục, cách sống hoàn toàn khác nhau.

Thực sự, quá trình sống của chúng tôi cùng với họ trong vài ngày mới chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn ghi nhận lại được nhiều điều thú vị.

Như người bộ tộc Dani sống chủ yếu trong vùng núi sâu của dãy Jayawijaya ở độ cao trung bình trên 2.000m so với mực nước biển. Họ sống trong những căn nhà tranh hình tròn gọi là Honai.

Ngoài trang phục độc đáo như đã kể trên, bộ tộc Dani xưa kia còn có tục săn đầu và ăn thịt người, đàn ông Dani được quyền lấy nhiều vợ, nhưng việc một người đàn ông có bao nhiêu vợ lại do chính người vợ cả quyết định. Người Dani đã biết trồng trọt, chủ yếu là khoai lang, và săn bắt hái lượm.

Một bộ tộc khác cũng gây ấn tượng với chúng tôi là bộ tộc Yali. Với vóc người thấp bé (chỉ cao khoảng 1,5m) nhưng người Yali rất thiện chiến. Trong các cuộc chiến giữa các bộ tộc, người Yali không có khái niệm thua cuộc mà luôn sẵn sàng chiến đấu tới chết. Đây cũng là bộ tộc có tục săn đầu người.

Trang phục của người Yali rất độc đáo, đàn ông che thân bằng Koteka là một loại vỏ bầu rất dài, thân đeo hàng trăm vòng mây rừng - đây cũng là áo giáp bảo vệ họ khi chiến đấu.

Phụ nữ Yali che thân bằng váy cỏ, mỗi lớp váy tương đương bốn năm tuổi. Khi thấy một phụ nữ Yali mặc váy có bốn lớp, đồng nghĩa cô ta đã đến tuổi lấy chồng.

Trong ba bộ tộc Dani, Lani và Yali, hành trình đến được nơi ở của người Yali thuần khiết là khó khăn nhất, vì họ ở rất sâu trong những cánh rừng già của dãy Jayawijaya và có đời sống du mục nên rất khó tìm gặp.

Hành trình về nơi tận cùng thế giới ảnh 2
Vượt đầm lầy tìm người Korowai

Bộ tộc sống xa nhất trên đảo Irian có lẽ là bộ tộc Korowai. Người Korowai sống ở phía Nam đảo, chỉ mới được các nhà khoa học phát hiện ra từ những năm 70. Cuộc sống của người Korowai hoàn toàn dựa vào săn bắt, hái lượm, chưa biết trồng trọt và chăn nuôi, đàn ông trần truồng, phụ nữ che thân bằng váy cỏ, để ngực trần.

Họ làm nhà trên những ngọn cây cao trung bình từ 8 - 20m, sống rải rác trong những khu rừng đầm lầy nguyên sinh, cả cánh rừng nhiều khi chỉ có duy nhất một gia đình Korowai sinh sống.

Người Korowai sử dụng rìu đá làm công cụ lao động, thức ăn lấy từ thân cây Sago - một loại cọ, trữ trong nhà ăn trong nhiều ngày. Người Korowai rất dè dặt khi nhìn thấy người lạ và luôn sẵn sàng giao chiến khi người lạ xâm phạm lãnh địa của họ. Do vậy, Korowai là bộ tộc được nhiều nhà thám hiểm đánh giá có đời sống hoang sơ nhất ở Irian Jaya, và hầu như chưa hề tiếp cận với thế giới văn minh.

Những ngày sống với người các bộ tộc nơi tận cùng thế giới trôi qua thật nhanh. Chuyến đi dù phải vượt qua muôn vàn khó khăn nhưng đã thành công khi chúng tôi được chạm vào đời sống của những bộ tộc hoang dã nhất hành tinh.

Trở về với nơi mình đang sống với những phương tiện, tiện nghi hiện đại và cuộc sống văn minh, chúng tôi càng thấy yêu hơn mảnh đất của mình.

Trọng Thịnh ghi

MỚI - NÓNG