Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên biển Việt Nam

Hành vi của Trung Quốc vi phạm pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế

Tàu Trung Quốc hung hăng đâm vào tàu kiểm ngư Việt Nam. Ảnh: Cảnh sát biển cung cấp.
Tàu Trung Quốc hung hăng đâm vào tàu kiểm ngư Việt Nam. Ảnh: Cảnh sát biển cung cấp.
TP - Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan dầu vào vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam đã gây phẫn nộ cho đông đảo giới luật gia Việt Nam.

PV Tiền Phong đã phỏng vấn luật sư, GS-TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN trực thuộc T.Ư Hội Luật gia Việt Nam về vấn đề này.

Trung Quốc đưa và đặt giàn khoan thăm dò dầu khí vào vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam. Ông có cho rằng hành vi đó đã vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia?

Phải khẳng định đây là hành vi của nhà cầm quyền Trung Quốc chứ không đơn thuần là hành vi của một doanh nghiệp. Bằng chứng là việc giàn khoan HD981 được hộ tống bởi số lượng rầm rộ các phương tiện quân sự, hành chính và các tàu đánh cá có vũ trang.

Hành vi của Trung Quốc vi phạm pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế ảnh 1

GS-TS Lê Hồng Hạnh

Hành vi của Trung Quốc trước hết vi phạm Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOS), một Công ước được thừa nhận và tuân thủ rộng rãi bởi hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Bất cứ ai có hiểu biết Luật Biển quốc tế đều không thể phủ nhận hành vi của Trung Quốc vi phạm UNCLOS.

Việt Nam đã ban hành Luật Biển Việt Nam 2012 để nội luật hóa các quy định của UNCLOS, đồng thời để xác định các chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình, trên cơ sở UNCLOS. Hành vi của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng Luật Biển Việt Nam, đặc biệt là Điều 18, Điều 37, gây tổn hại đến tình cảm và hình ảnh của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Trung Quốc.

Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế

Chiều 9/5, tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam tuyên bố về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, khẳng định hành động trên của Trung Quốc là bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm ngang nhiên chủ quyền của Việt Nam. Theo đó, Hội Luật gia Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp, rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Hội Luật gia Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển năm 1982. Hội Luật gia Việt Nam kêu gọi giới luật gia các nước trên thế giới có tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế.

Công Khanh

Trung Quốc đưa các loại tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính… và cả tàu quân sự, máy bay vào vùng biển, vùng trời nơi có giàn khoan HD891 để ngăn cản, đe dọa, thậm chí tấn công tàu chức năng của Việt Nam. Hành vi đó đã vi phạm các quy định pháp luật nào, thưa ông?

Như đã nói, những hành vi đó của Trung Quốc đều vi phạm nghiêm trọng Luật Biển Quốc tế. Trung Quốc cũng đã vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc, cụ thể là nguyên tắc không được dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Vi phạm này nếu do cá nhân hay doanh nghiệp thực hiện là không thể chấp nhận, nhưng đây là hành vi của một quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an, thiết chế có nhiệm vụ bảo vệ hòa bình thế giới, là điều càng không thể chấp nhận được.

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa. Hành vi của Trung Quốc không thể nào được biện minh căn cứ vào các nguyên tắc cơ bản của công pháp quốc tế. Còn với pháp luật Việt Nam, hành vi của Trung Quốc không chỉ vi phạm Luật Biển, mà còn vi phạm pháp luật hình sự của Việt Nam, cụ thể là chống người thi hành công vụ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Theo ông thì những hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam của Trung Quốc cần được giải quyết theo trình tự thủ tục pháp lý nào?

Với một vi phạm của chỉ Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) thì chúng ta có thể thông qua kênh Chính phủ để giải quyết. Tuy nhiên, hành vi vi phạm này mang tính chất nhà nước thì đây là một vấn đề nghiêm trọng. Hy vọng rằng, Chính phủ Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc sẽ không để một bộ phận mang chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, hiếu chiến làm mất đi hình ảnh và vị thế của họ trước cộng đồng quốc tế.

Chúng ta cần quốc tế hóa việc đấu tranh với hành vi vi phạm luật pháp của Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam cần đưa vấn đề này ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án hành vi của Trung Quốc. Cần cho cộng đồng quốc tế thấy rõ đây là hành vi nhằm từng bước độc chiếm biển Đông, gây cản trở đối với an toàn và tự do hàng hải ở biển Đông vốn là lợi ích của nhiều quốc gia trên thế giới.

Chúng ta có thể đưa các tranh chấp hiện nay về Trường Sa, Hoàng Sa, biển Đông ra trước tòa án quốc tế không, thưa ông?

Chúng ta hoàn toàn có quyền làm điều này theo quy định của UNCLOS nói riêng và của pháp luật quốc tế nói chung. Philippines đã sử dụng biện pháp này và vụ kiện này hiện đang được thụ lý.

Nếu những nỗ lực đấu tranh ngoại giao và đấu tranh pháp lý không làm thay đổi chiến lược “từng bước độc chiếm biển Đông” của một bộ phận trong giới cầm quyền Trung Quốc, điều gì sẽ phải đến, thưa ông?

Chúng ta cần kiên trì sử dụng tối đa những quy định pháp luật và thiết chế quốc tế nhằm giải quyết hòa bình vấn đề biển Đông. Chiến tranh không có lợi cho bất cứ bên nào. Trung Quốc chắc chắn cũng hiểu về điều đó.

Cảm ơn ông.

Cần sẵn sàng trước toan tính của Trung Quốc

Về việc phía Trung Quốc tuyên bố Việt Nam rút tàu mới đàm phán, TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho biết vị trí HD-981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không dính dáng gì đến vùng gọi là vùng chồng lấn, vùng thuộc hòn đảo mà họ chiếm của Việt Nam. Vùng này hoàn toàn của Việt Nam nên lực lượng hoạt động thực thi luật pháp là bình thường. Không có lý gì mà Việt Nam phải rút tàu trước khi ngồi vào đàm phán.

Dự báo bước đi tiếp theo của Trung Quốc, ông Trần Công Trục cho rằng hành động mới đặt giàn khoan là bước tiến mới rất nguy hiểm. Họ sẽ tiến thêm để thực hiện ý đồ mà họ đã công bố, là “đường lưỡi bò” phi lý. Nhưng họ có làm được hay không còn phụ thuộc vào chúng ta và thế giới. Vì vậy chúng ta cần sẵn sàng trước toan tính của Trung Quốc.

Công Khanh

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.