Háo hức được làm cư dân Hoàng Sa

Ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa háo hức trước khả năng sẽ được làm cư dân Hoàng Sa. Ảnh: Nam Cường
Ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa háo hức trước khả năng sẽ được làm cư dân Hoàng Sa. Ảnh: Nam Cường
TP - Ý tưởng tách đất hai phường Mân Thái và Thọ Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) nhập vào huyện Hoàng Sa đang được đề cập trở lại. Nhiều nguời dân kỳ vọng sắp tới được làm cư dân Hoàng Sa đúng nghĩa.

Dân Hoàng Sa đi Hoàng Sa

 Anh Trần Văn Mười, chủ tàu cá ĐNa 90567 ở Mân Thái, Sơn Trà, cho hay, ý tưởng tách hai phường Mân Thái và Thọ Quang, nhập vào huyện Hoàng Sa để huyện đảo này của Đà Nẵng có cư dân thực thụ là vô cùng tuyệt vời. “Chúng tôi, những ngư dân mong mỏi điều này từ lâu. Mong Nhà nước sớm thực hiện, để Hoàng Sa có cư dân, có chính quyền, có giao dịch hành chính…”.

 Ông Nguyễn Văn Còn B (thuyền trưởng tàu ĐNa 90039) bày tỏ: “Chúng tôi, những ngư dân bám biển, lâu nay được xem như là cư dân của Hoàng Sa, nhưng đó chỉ là cách nói hình tượng thôi. Bây giờ, nếu như tách được 2 địa phương, nhập vào huyện Hoàng Sa thì rất hay. Chúng tôi nguyện làm cư dân thực thụ, luôn có mặt ở Hoàng Sa đúng nghĩa đen”. Anh Phương (thuyền trưởng ĐNa 90426 – Sơn Trà) cho rằng, không gì tuyệt vời hơn khi có giấy tờ, CMND, hộ khẩu Hoàng Sa thường xuyên đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. “Chỉ là thủ tục giấy tờ, nhưng tôi nghĩ nó vô cùng ý nghĩa, sẽ tiếp thêm tinh thần, sức mạnh cho anh em ngư dân lênh đênh hàng tháng giữa trùng khơi Hoàng Sa”, anh nói.

Anh Phan Văn Tấn (ngư dân phường Thọ Quang) kỳ vọng, ý tưởng tách 2 phường Mân Thái và Thọ Quang nhập vào huyện Hoàng Sa nhanh chóng được thông qua, lúc đó, tất nhiên gia đình anh sẽ được công nhận là cư dân Hoàng Sa. “Rất đáng để tự hào”, anh Tấn bày tỏ.

Đã có tiền lệ

Theo ông Đặng Công Ngữ - nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, đây là thời điểm chín muồi để đưa ra đề xuất trên và ý tưởng của đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đăng Hải cũng chính là khát vọng của đông đảo người dân Việt Nam. Ông Ngữ cho rằng, có dân, có địa giới hành chính thực thụ sẽ giúp chúng ta có được tâm thế mới trong việc giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Lúc đó, chính quyền huyện Hoàng Sa cũng có nhiều điều kiện hơn để giúp đỡ ngư dân đánh bắt xa bờ, đặc biệt ở ngư trường Hoàng Sa.

Ông nói: “Một huyện Hoàng Sa có cư dân thực thụ, có tổ chức UBND, HĐND… sẽ tạo điều kiện trong việc đấu tranh chủ quyền hiện nay”. Ông Ngữ thông tin, chúng ta đã thực hiện việc quản lý quần đảo Hoàng Sa một cách liên tục. Thời Việt Nam Cộng hòa, quần đảo Hoàng Sa được nhập vào xã Hòa Long (huyện Hòa Vang). “Năm 1961, quần đảo Hoàng Sa được lập thành xã Định Hải (thuộc huyện Hòa Vang, Quảng Nam - Đà Nẵng), sau đó, để thuận lợi cho việc tổ chức hành chính, xã Định Hải được sáp nhập vào xã Hòa Long ở đất liền vào năm 1969”.

 “Theo ông Nguyễn Đăng Hải,  Mân Thái và Thọ Quang là nơi có đông ngư dân đánh bắt xa bờ ở ngư trường Hoàng Sa, với việc nhập 2 phường này, huyện Hoàng Sa sẽ được hoàn thiện bộ máy chính quyền với dân số khoảng 35.000 người. Chủ tịch huyện Hoàng Sa Võ Công Chánh cho biết, ý định sáp nhập đã có từ lâu, nhưng hiện còn nhiều vướng mắc. Một đại biểu HĐND thành phố cho rằng, việc tách phường, nhập vào Hoàng Sa sắp tới thuận lợi hơn vì Đà Nẵng sẽ lập lại HĐND, cấp huyện. “Hoàng Sa phải có dân, có địa giới hành chính, có đất thì mới bầu được HĐND”,  vị đại biểu này nói. 

Theo một lãnh đạo UBND huyện Hoàng Sa, đơn vị đã trình bày ý tưởng, đưa đề xuất cụ thể lên Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng chờ xem xét, tuy nhiên hiện vẫn phải chờ. Ông Đặng Công Ngữ cho rằng, muốn đưa dân cũng như tách phường thì phải thông qua Bộ Nội vụ, Chính phủ và Thường vụ Quốc hội. Và khi đó sẽ phải có những chính sách riêng cho người dân huyện đảo.

MỚI - NÓNG