Hát với những cô nàng sẵn sàng 'vui vẻ'

Hát với những cô nàng sẵn sàng 'vui vẻ'
Trong giới cờ bạc, "phát hỏa" là chữ dùng để chỉ những người chia bài. Còn tại một số quán nhậu có kèm theo dịch vụ "hát với nhau", thì những nàng "phát hỏa" là những cô gái chuyên làm cái việc "khen" khách, thậm chí… "nịnh" khách để kiếm tiền "bông", hoặc cũng có thể đi "vui vẻ" nếu khách chịu "chi đẹp"…

Hát với những cô nàng sẵn sàng 'vui vẻ'

> Độc giả ngỡ ngàng việc ‘không có mại dâm Đồ Sơn, Quất Lâm’

> Không phát hiện có mại dâm ở Đồ Sơn, Quất Lâm 

Trong giới cờ bạc, "phát hỏa" là chữ dùng để chỉ những người chia bài. Còn tại một số quán nhậu có kèm theo dịch vụ "hát với nhau", thì những nàng "phát hỏa" là những cô gái chuyên làm cái việc "khen" khách, thậm chí… "nịnh" khách để kiếm tiền "bông", hoặc cũng có thể đi "vui vẻ" nếu khách chịu "chi đẹp"…

19 giờ 30 phút tối thứ sáu, tôi vào một quán nhậu có "hát với nhau" ở Bình Phú, quận 6, TP HCM. Vì nhà cửa xung quanh nằm kề san sát nên chủ quán đã thiết kế hệ thống cách âm khá tốt. Chọn chiếc bàn đối diện với sân khấu, tôi gọi một chai "Ken" lùn.

Vài phút sau đó, khi cô phục vụ áo thun ba lỗ, váy ngắn đến độ không còn có thể ngắn hơn được nữa mang chai bia ra thì cũng là lúc ban nhạc bắt đầu "làm nóng" không khí bằng một điệu hard rock nghe muốn điếc tai. Và mặc dù tôi không yêu cầu nhưng trên bàn tôi, ngoài chai bia, còn có một bình hoa hồng với 10 bông bằng nhựa, ở giữa mỗi nụ là tờ 10 nghìn đồng cuộn tròn và một mẩu giấy trắng cùng một cây viết.

Thấy tôi nhìn chăm chú, cô phục vụ cười: "Tụi em để sẵn đó. Lát nữa ca sĩ hát, anh tặng bao nhiêu bông thì tính tiền bấy nhiêu. Còn nếu anh muốn hát thì anh cứ ghi tên bài hát vào tờ giấy này".

"Bông" là cái không thể thiếu trong những quán nhậu có "hát với nhau", kể cả quán tân nhạc lẫn những quán chuyên về vọng cổ. Ở một số quán, khi khách vào, nhân viên phục vụ sẽ đặt lên bàn một bình bông "chay" - nghĩa là bông chưa có tiền. Chừng nào khách yêu cầu thì tiền mới được đặt lên đĩa - thường là những tờ 10 nghìn hoặc 20 nghìn đồng để khách tự tay gắn vào "bông", gắn bao nhiêu tùy ý. Tuy nhiên cũng có những quán, tiền "bông" được "lên" sẵn. Hễ ai hát mà khách cảm thấy thích thì cứ việc rút "bông" ra tặng. Hết 10 "bông" sẽ có 10 "bông" khác bổ sung ngay. Cuối buổi nhậu, tiền "bông" được cộng chung với tiền bia, tiền mồi.

Mặc dù chưa có khách, nhưng
Mặc dù chưa có khách, nhưng "bông" luôn để sẵn trên bàn.
 

Trước khi bước chân vào quán này, cùng nhiều quán "hát với nhau" khác để lấy tư liệu viết bài, tôi đã được Đậu - một nhạc công chơi đàn organ - cung cấp cho những thông tin cơ bản: Thường thì tại một số quán, có những cô không phải là nhân viên của quán, không nhận một đồng lương nào của quán nhưng cứ đến giờ "hát với nhau" là các cô lại có mặt. Khi vào, mỗi cô chọn cho mình một chỗ ngồi để có thể quan sát được hầu hết những bàn xung quanh. Còn nếu quán đông khách thì các cô chia nhau đứng rải rác.

Đậu cho biết: "Khách đi hát gọi những cô này là "gái phát hỏa". Sau khi kêu nước - thường là bia, cô "phát hỏa" kín đáo tìm xem bàn nào chỉ có cánh đàn ông ngồi với nhau, hoặc những vị khách ngồi một mình (còn ngồi với tiếp viên của quán thì coi như… vô tư!). Căn cứ vào cách ăn nhậu - chẳng hạn uống bia gì, kêu đồ ăn gì mà các cô đoán được túi tiền của khách. Khi đã nhắm được con mồi, cô "phát hỏa" tiếp cận bằng cách "em mời anh lên hát nhé".

Đậu nói tiếp: "Nếu khách đồng ý, cô "phát hỏa" sẽ cầm tờ giấy ghi tên bài hát đưa cho ban nhạc rồi lập tức trở lại, ngồi chung với khách y như "chúng ta" đã quen nhau tự kiếp nào. Còn nếu khách không đồng ý hát, cô "phát hỏa" cũng sẽ tự động ngồi xuống, líu lo chuyện này chuyện kia. “Suốt mấy năm chơi nhạc ở quán hát với nhau, em thấy nhiều ông không hát, nhưng ít thấy ông nào từ chối một cô gái đẹp đến ngồi cạnh mình".

20 giờ, quán bắt đầu đông khách. Cô MC tên Hương bước lên sân khấu, giới thiệu người mở đầu chương trình "hát với nhau" là "ca sĩ Thiên Nga". Thú thật tôi hơi bị nghi ngờ về cái danh xưng "ca sĩ" khi cô Thiên Nga hát một bài nhạc sến bằng chất giọng - nói theo kiểu mấy bà già nhai trầu Nam Bộ - là "chưa sạch mùi phèn". Chả thế mà khi hát xong, ca sĩ Thiên Nga chỉ được có mỗi MC Hương lên tặng một bông. Tưởng Thiên Nga sẽ cất riêng cho mình, ai dè cô đặt cành bông hồng có 10 nghìn đồng vào chiếc giỏ mây đã treo sẵn ở một góc.

Rượu vào, lời ra, không khí trong quán bắt đầu nhộn nhịp, nhất là lúc MC Hương giới thiệu: "Theo lời yêu cầu của bạn bè, xin mời anh Hải lên sân khấu" thì tiếng vỗ tay vang lên ầm ầm - chủ yếu là những người ngồi chung với ông này cùng các cô "phát hỏa". Từ chiếc bàn nằm khuất trong góc, một người đàn ông to béo, khoảng 50 tuổi, áo sơ mi phanh ngực lừng lững bước ra.

Sau khi nói tên bài hát cho ban nhạc rồi nhìn vào màn hình vi tính được đặt trên một cái giá y như cuốn sách, ông ta cất giọng: "Đêm bơ vơ, thương ai đêm đợi đêm chờ…". Hát chưa được ba câu, đã có 4 cô lần lượt mang "bông" lên tặng, rồi lại thêm 2 người bạn của ông với 2 bông nữa khiến ông càng hứng chí, vừa hát vừa nhảy (sau này tôi mới biết mỗi lần đến đây, ông chơi rất đẹp, tiền "bông" không bao giờ dưới 1 triệu đồng).

Gọi chai bia thứ hai rồi đưa mắt nhìn quanh, cố tránh phải trực diện với cái ông "đêm bơ vơ" thì bất ngờ có tiếng "chào anh" khiến tôi giật mình quay lại. Đứng cạnh tôi là một cô gái trên dưới 20, quần jean ngắn ngang bắp đùi, áo thun trắng, tay cầm ly bia, miệng cười duyên dáng. Không đợi tôi trả lời, cô nói tiếp: "Anh hát một bài đi anh". Tôi lắc đầu: "Anh hát dở lắm" - "Có gì đâu. Anh hát dở nhưng em thấy hay thì sao".

Và đúng như lời Đậu nói, chẳng cần biết tôi có đồng ý hay không, cô "phát hỏa" tự nhiên ngồi xuống. Cũng chẳng cần hỏi tôi, nhân viên phục vụ nhanh chóng đặt xuống một lon bia Heineken. Dĩ nhiên khi tàn cuộc, tôi sẽ là người trả tiền cho lon bia này và những lon tiếp theo, kể cả mấy lon mà cô đã uống trước đó.

Theo lời Đậu, ngoài việc phải có ngoại hình xinh xắn, biết hát, biết nhậu, quản lý quán "hát với nhau" còn yêu cầu các cô "phát hỏa" nếu muốn đứng chân ở quán, thì phải tìm cách làm sao cho khách uống bia, tặng "bông" càng nhiều càng tốt. Nếu sau 1 hoặc 2 tuần, cô nào không đạt yêu cầu thì alê hấp, đi tìm chỗ khác mà… hành nghề!

Một cô
Một cô "phát hỏa" tặng "bông", mời bia ca sĩ thực khách.
 

Cái điệp khúc "hát một bài đi anh" được cô "phát hỏa" lặp đi lặp lại. Tôi gật đầu: "Vậy em đăng ký cho anh bài "Lá đổ muôn chiều". Cô "phát hỏa" nhanh nhảu hỏi tên tôi rồi cắm cúi viết vào tờ giấy. Chừng 10 phút sau đó, khi người khách trên sân khấu vừa dứt tiếng ca, giọng MC Hương lập tức xướng lên: "Thể theo lời yêu cầu của bạn bè thân quen, sau đây Hương xin giới thiệu giọng ca của anh Cao với bài Lá đổ…".

Cha mẹ ơi, tôi vào quán một mình, lấy ai ra mà "bạn bè thân quen" mời tôi lên hát. Thực tế cho thấy ở quán này - và nhiều quán "hát với nhau" mà tôi đến để lấy tư liệu sau đó, thực khách hầu như chẳng để ý đến người đang đứng hát trên sân khấu là ai, bài hát ấy là bài gì - ngoại trừ người hát là bạn của họ bởi lẽ khi tôi hát, nhìn xuống dưới tôi thấy họ thi nhau nốc bia, thi nhau tán tỉnh mấy em tiếp viên cùng những cô "phát hỏa".

Bài hát kết thúc sau khi tôi nhận được 4 "bông", 1 của cô "phát hỏa" ngồi chung với tôi - mà cô tự giới thiệu mình tên Linh, 1 của MC Hương và 2 "bông" còn lại của hai cô "phát hỏa" khác. Gọi là được "tặng" nhưng tất cả đều là tiền của tôi vì lát nữa, tôi sẽ phải trả tiền cho những "bông" này. Vừa ngồi xuống, "phát hỏa" Linh đã khen nức nở: "Anh hát hay, hát có hồn quá trời", kèm theo ly bia đưa lên, cụng một cái cốp. Rồi cô sụt sùi: "Anh biết không, hồi đó chia tay với người yêu em trong quán cà phê, họ cũng mở nhạc bài này nên cứ mỗi lần nghe lại thì em chỉ muốn khóc".

Chưa hết, MC Hương cũng đến cạnh tôi: "Em rất thích nghe nhạc tiền chiến. Lát nữa anh hát thêm một bài nữa nhé". Tôi cười, bụng thầm nghĩ "càng hát, "bông" càng lên, lát tính tiền càng viêm màng túi" nhưng trong lòng cũng phải thán phục nghệ thuật "nịnh" của các cô. Chả thế mà có ông ca như "cọp nhai đậu phộng" nhưng trước những câu tán dương đến tận mây xanh của những nàng "phát hỏa", ông cướp diễn đàn một hơi bằng ba bốn bài liền!

Chiếc bàn tôi ngồi giờ đây có thêm 2 người nữa - là 2 cô "phát hỏa" lúc nãy đã lên tặng "bông" cho tôi. Tất cả đều uống bia như uống… trà đá! Qua tìm hiểu, tôi biết ban nhạc mỗi tối chơi từ 19 giờ 30 phút đến 23 giờ, được trả thù lao 1 triệu đồng. Đậu, nói: "Nhóm tụi em gồm 4 người, 1 organ, 1 đàn vọng cổ cùng 2 ca sĩ, tính ra mỗi người là 250 nghìn đồng". Chưa hết, theo luật "hát với nhau" ở quán này, khi đóng cửa thì tổng số tiền "bông" sẽ được chia đều cho tất cả các nhạc công, MC, ca sĩ, quản lý và các cô nàng "phát hỏa" nên vì vậy, các cô "phát hỏa" phải bằng mọi cách "lên bông" càng nhiều càng tốt.

Bàn tôi chẳng hạn, lúc một ca sĩ trong ban nhạc của Đậu lên hát - gọi là "hát mồi" vì chưa có khách nào đăng ký, Linh miệng vừa nói, tay vừa rút ra một bông: "Em tặng cho ca sĩ nghe anh". Nối tiếp theo Linh, hai cô "phát hỏa" - một tên Ngân Diễm và một tên Thúy Ngọc (có thánh mới biết đó có phải là tên thật của họ hay không), cũng lần lượt rút bông, mà mỗi cô rút những 2 "bông", trời ạ!

Giây lát, bình bông 10 cành đã trống rỗng. Linh kêu lớn: "Lên bông", thì ngay lập tức, một bình bông khác với mười tờ 10 nghìn đồng đã nằm trước mặt tôi. Linh, nói: "Làm nghề này, tụi em ngán nhất là có khách tổ chức tiệc sinh nhật, thôi nôi hay kỷ niệm gia đình gì đó". Những buổi tiệc như thế, các cô "phát hỏa" hầu như không có cửa để chen vào, không có "lên bông" và dĩ nhiên cũng chẳng hề có cái vụ mời khách nốc bia tới bến.

Thúy Ngọc nói tiếp: "Có những ông khách khi vào quán, ổng không chịu lấy bông của quán mà móc ra tờ 100 nghìn, kêu đổi mười tờ 10 nghìn. Ổng thích tặng ai thì ổng lấy ra một tờ. Tụi em coi như bó tay". Lại có những người khách từ đầu mùa đến cuối mùa, bình "bông" trên bàn vẫn y nguyên. Hễ cô "phát hỏa" nào muốn rờ vào thì lập tức nhận được một câu nói lạnh lùng: "Em muốn tặng ai thì em cứ móc tiền túi ra mà tặng".

Ngân Diễm kể tiếp: "Có lần em ngồi bàn với một ông khách. Suốt buổi nhậu, ổng không tặng bông cho ai nên em cũng hổng dám lấy. Em nghĩ tối nay coi như "lốc" rồi. Ai dè lúc tính tiền, ổng đẩy nguyên bình bông về phía em, nói "tặng em vì cho mấy đứa khác, uổng". Em nhận bình bông mà tiếc hùi hụi vì ổng tặng riêng em, nhưng em vẫn phải nộp cho quản lý để lát nữa, chia đều".

Vẫn theo lời kể của Linh, Ngọc, Diễm, ở quán hát với nhau này có 7 cô "phát hỏa". Bình quân mỗi tối, mỗi cô "phát hỏa" kiếm được 200 nghìn, lại vừa được ăn, vừa được uống - chưa kể nếu đi "vui vẻ" thì còn có thêm từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng tùy theo "ngoại hình" và cách "tiếp thị". Chả thế mà khi tôi hỏi vì sao các cô lại không tìm một nghề khác, Thúy Ngọc lắc đầu, ca "bài ca muôn thuở": "Ba em ho lao, má em chơi hụi vỡ nợ. Em phải đi làm để kiếm tiền trả nợ cho má, thuốc thang cho ba". Hiếu thảo hết biết!

Đêm cày, ngày ngủ là châm ngôn của gái "phát hỏa". Thường thì 23 giờ 30 phút hoặc 24 giờ, lắm khi 1, 2 giờ sáng các cô mới về đến nhà trọ. Sau đó, các cô lăn ra ngủ cho tới 11, 12 giờ trưa hôm sau. Linh, nói: "Nếu có "khách" hẹn đi ăn sáng thì bữa sáng của em bắt đầu lúc 1 giờ và kết thúc vào khoảng 5 giờ chiều". Tôi hỏi: "Ăn sáng gì mà kéo dài tới 4 tiếng vậy?". Linh cười, đấm vai tôi thùm thụp: "Anh đừng làm bộ ngây thơ". Tiếp theo, các cô về nhà trang điểm rồi móc điện thoại ra, nhắn tin cho những "mối ruột", đại loại như: "Lâu quá không thấy anh ghé quán, em nhớ anh quá trời", hoặc: "Tối nay rảnh ghé quán nghe anh. Em mong anh lắm đó"…

Theo Vũ Cao
Anninhthegioi

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.