Hậu Giang: Nhiều nơi đốn sạch cam sành

Ông Hải đang đốn cam sành. Ảnh: Hòa Hội
Ông Hải đang đốn cam sành. Ảnh: Hòa Hội
TP - Tỉnh Hậu Giang những năm qua mở rộng rất nhanh diện tích cam sành, một cây ăn trái được tỉnh xác định là “nông sản chủ lực”, thì bây giờ khắp nơi lại vang tiếng búa đốn hạ. Hàng nghìn héc-ta mới hôm nào xanh tươi, nay khắp nơi chất đống cây cam đã trụi khô hay đang úa lá.

Ông Trần Thanh Hải 51 tuổi ở ấp Đông Sơn, xã Đông Phước (Châu Thành, Hậu Giang) người gầy, nước da ngăm đen đang thui thủi một mình đốn cam giữa trưa nắng. Dừng tay búa, ông nghẹn ngào kể, ông có 2,8 ha trồng cam sành vừa được 3 năm, bắt đầu ra trái thì cây bị bệnh vàng lá gân xanh nên phải đốn bỏ hết. “Tôi vay ngân hàng trên 250 triệu đồng đầu tư vườn cam, chưa thu hoạch được đồng nào, nay chặt bỏ xót ruột lắm nhưng không còn cách nào khác”, ông Hải ứa nước mắt.

Theo ông Hải, hiện mỗi tháng gia đình ông phải đi vay tiền để trả lãi ngân hàng hơn 20 triệu đồng. Còn sổ đỏ đất đã thế chấp ngân hàng vay tiền trồng cam nên muốn đầu tư trồng cây khác cũng không có vốn. Trong khi, mỗi tháng gia đình ông chỉ thu được vài trăm ngàn đồng từ bán chuối trồng xen trong vườn cam.

Cạnh ấp Đông Sơn là ấp Đông Bình cùng xã Đông Phước, hai bên đường những vườn cam xanh tươi, trĩu quả năm trước nay không còn nữa. Bí thư Chi bộ ấp Đông Bình Ngô Văn Y xót xa: “Cả ấp đốn sạch 100% cam sành rồi, gần 200 ha”.

Bà Lê Hồng Thắm, cán bộ kỹ thuật của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành, cho biết toàn huyện đã đốn 2.715 ha cam sành bị bệnh trong tổng số 4.929 ha (chiếm 55%). Theo bà Thắm, nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh vàng lá gân xanh là do nông dân chuyển đổi ồ ạt sang trồng cam, mua cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc và trồng không đúng kỹ thuật.

Chi cục Bảo vệ thực vật Hậu Giang cho biết, một số xã như Đông Phước đang tính đề nghị hỗ trợ thiệt hại cho nông dân, mỗi héc-ta cam sành bị bệnh đã đốn là 500.000 đồng/ha. Tuy nhiên, việc thống kê diện tích đến nay vẫn chưa xong.

MỚI - NÓNG