Hầu hết KTX đang xuống cấp, ô nhiễm

Hầu hết KTX đang xuống cấp, ô nhiễm
TP- Với hàng vạn sinh viên Hà Nội kiếm được suất ở ký túc xá trong thời điểm hiện nay là không dễ vì nhà ít, sinh viên đông. Quy mô đào tạo tăng mạnh nhưng ký túc xá thì vẫn giậm chân tại chỗ...

Kết quả khảo sát của Thành Đoàn Hà Nội trong tháng 3/2008 khiến nhiều người giật mình bởi tình trạng thiếu trầm trọng ký túc xá (KTX) hiện nay.

Nhiều trường từng được xem là dồi dào ký túc xá trước đây như ĐH Bách khoa Hà Nội nay cũng chỉ giải quyết được nhu cầu ở cho khoảng gần 17% trong tổng số hơn 25.000 sinh viên của trường; Đại học Xây dựng cũng chỉ lo được cho gần 12%; ĐH Quốc gia Hà Nội gần 22%.

Tại một số trường có diện tích đất hẹp, tình trạng thiếu KTX càng thêm trầm trọng. Điển hình như ĐH Luật chỉ lo được 6,12%; ĐH Kiến trúc 8, 27%; ĐH Ngoại thương gần 10%; Học viện Hành chính Quốc gia 4%...

Nhóm các trường dân lập, các loại hình đào tạo liên kết đang được xem là khó khăn nhất hiện nay do chi phí để lo được một khu đất xây KTX ngày càng xa tầm tay.

Trong nhóm các trường đại học dân lập ngoài ĐH dân lập Phương Đông đã tự lo được cho khoảng 6% sinh viên có chỗ ở KTX, còn lại như ĐH Thăng Long, ĐH dân lập Đông Đô, ĐH Kinh doanh và Công nghệ...thì số sinh viên được ở KTX là 0%! Đó là chưa kể đến các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, tình trạng thiếu ký túc xá còn “nóng” hơn nhiều lần.

Anh Nguyễn Đức Dân-Bí thư Đoàn trường ĐH Thăng Long cho biết: Trung tâm ĐH dân lập Thăng Long được thành lập từ năm 1988 cho đến nay mặc dù đã chạy vạy gõ cửa nhiều nơi nhưng đến nay vẫn chưa có KTX.

Chất lượng KTX: chật chội và lộn xộn

Không chỉ thiếu về số lượng, hầu hết các KTX tại Hà Nội đều đang trong tình trạng xuống cấp, ô nhiễm và không đạt yêu cầu. Anh Trần Văn Dũng-Phó ban Trường học-Thành Đoàn Hà Nội, khẳng định: Hầu hết KTX hiện đã quá cũ nát do xây cách đây mấy chục năm và quá chật chội so với yêu cầu.

KTX Mễ Trì hiện có phòng phải chứa đến 14 sinh viên/1 phòng chừng 15-16 m2. Trang bị trong phòng của nhiều KTX hầu như không có gì khác ngoài giường nằm.

Khuôn viên, vườn hoa, sân chơi trong KTX thì ngày càng bị thu hẹp đến mức báo động. Sinh viên rất thiếu địa điểm để tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, văn nghệ, thể thao.

Kết quả khảo sát của Thành Đoàn Hà Nội cũng cho thấy nhiều nơi KTX thuần túy chỉ là nơi để sinh viên đặt lưng ngủ qua đêm chứ chưa thật sự trở thành môi trường sống văn minh và nhất là do cách quản lý lộn xộn hiện nay nên sinh viên không thể tự học tại phòng nghỉ ở KTX được.

Với một số trường KTX cách xa giảng đường như ĐH Giao thông Vận tải, ĐH KHXH&NV, ĐHKHTN... thì nhu cầu học tập vào buổi tối và ngoài giờ lên giảng đường tại KTX là rất lớn.

Trong khi đó do quá chật chội cộng với quản lý lỏng lẻo nên KTX thường ồn ào, sinh hoạt lộn xộn, khách khứa, bạn bè ra vào tùy tiện. Hầu hết tại các KTX đều xảy ra hiện tượng trộm cắp.

Khi nào sinh viên được ở KTX hiện đại?

Thực tế cho thấy, việc khắc phục tình trạng thiếu KTX hiện nay tại Hà Nội chỉ có thể được giải quyết khi có sự quan tâm quyết liệt của các cơ quan chức năng như ngành GD&ĐT và UBND thành phố. Làng sinh viên Hacinco ra đời nhưng quy mô quá nhỏ hẹp và bộc lộ nhiều bất hợp lý.

Dự án xây dựng trung tâm nhiều trường đại học tại Hà Tây và ngoại thành Hà Nội trị giá hàng ngàn tỷ đồng sau nhiều năm triển khai vẫn đi với tốc độ...rùa!

Các khu biệt thự, khách sạn sang trọng liên tục được khởi công thời gian vừa qua tại nhiều khu đất đẹp làm nhiều người không khỏi chạnh lòng khi thấy những ý tưởng và đề xuất xây dựng KTX vẫn nằm gọn trong ngăn kéo hay “đắp chiếu” chờ kinh phí, chờ giải phóng mặt bằng, thủ tục phê duyệt...

Thành Đoàn Hà Nội cho biết đang chuẩn bị đề xuất lên lãnh đạo thành phố sớm có giải pháp tháo gỡ tình trạng này. “Đầu tư xây dựng KTX cần sớm có cơ chế linh hoạt và giàu tính khả thi.

Xây dựng KTX chi phí lớn nên Nhà nước phải hỗ trợ và kêu gọi đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế. Đời sống của đại đa số sinh viên còn rất thiếu thốn. Không thể vì đồng tiền hay lợi nhuận trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài” - Anh Trần Văn Dũng kiến nghị.

MỚI - NÓNG