Vụ triệt phá rừng phòng hộ xung yếu ở Quảng Bình:

Hậu quả từ việc “cha chung không ai khóc”?

Hậu quả từ việc “cha chung không ai khóc”?
TP - Ông Phan Lâm Phương, Chủ tịch tỉnh Quảng Bình khẳng định: Đây là vụ phá rừng nghiêm trọng, quy mô lớn, có kẻ tổ chức và cầm đầu
Hậu quả từ việc “cha chung không ai khóc”? ảnh 1
Ông Phan Lâm Phương ở hiện trường của vụ phá rừng

Ngay sau khi Tiền phong đăng tải thông tin vụ phá rừng phòng hộ xung yếu của hồ chứa nước Phú Vinh, sáng 29/11/2006, ông Phan Lâm Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã trực tiếp đến hiện trường kiểm tra vụ việc.

Đi cùng Chủ tịch tỉnh có Giám đốc Sở NN&PTNT; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Giám đốc Cty Cao su Việt- Trung; Giám đốc Cty Lâm công nghiệp Long Đại; Phó Chủ tịch UBND TP Đồng Hới và huyện Bố Trạch...

Theo con đường mà lâm tặc đã thuê xe cơ giới mở sẵn, 6 xe “xuyên lục địa” của đoàn kiểm tra lên tận đỉnh rừng. Hiện trường vụ thảm sát rừng khiến các thành viên đoàn kiểm tra không khỏi ngỡ ngàng. Những gì mà Tiền phong đã đề cập có lẽ vẫn chưa nói hết thảm trạng này.

Một cuộc họp đã được tổ chức ngay tại đỉnh rừng 314.Ông Nguyễn Viết Nhung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho rằng, theo số liệu lịch sử và theo bản đồ kiểm kê hiện trạng vốn rừng năm 1999 thì khu vực rừng bị tàn phá thuộc Cty Cao su Việt-Trung.

Ông Phạm Tiến Cảm, Giám đốc Cty Việt-Trung, phản ứng ngay  rằng, từ khi thành lập Nông trường Việt- Trung (Cty Cao su Việt- Trung bây giờ) năm 1961 đến giờ chưa có cấp thẩm quyền nào giao khu vực rừng này cho Cty quản lý cả.

Ông Dương Viết Kháng, Phó GĐ Sở Tài nguyên-Môi trường cũng khẳng định, vùng rừng này chưa giao cho ai quản lý. Sau một hồi tranh luận, ông Bùi Xuân Ngẫu, Phó Chủ tịch UBND TP Đồng Hới mới công nhận một phần rừng bị tàn phá nằm trên địa giới của Đồng Hới. Ông Gòn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cũng thừa nhận có một phần rừng bị đốn hạ nằm trên địa phận của huyện Bố Trạch.

Ông Phan Lâm Phương sơ bộ kết luận: Việc không giao vùng rừng này cho một đơn vị nào đó quản lý, để cho rừng vô chủ, lâm tặc tàn phá trong một thời gian dài, trách nhiệm này trước hết thuộc Sở NN&PTNT và Sở TN-MT.

Việc diện tích rừng trên địa giới hành chính của địa phương bị chặt phá nghiêm trọng, nhưng chính quyền sở tại không kịp thời phát hiện và ngăn chặn, trách nhiệm này thuộc UBND TP Đồng Hới và huyện Bố Trạch. Để làm rõ kẻ chủ mưu, động cơ và mục đích của vụ phá rừng có quy mô và tổ chức này, cần thiết phải giao cho cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Tại hiện trường, ông Phan Lâm Phương khẳng định: Đây là vụ phá rừng nghiêm trọng. Chỉ nhìn hiện trường mở đường phá rừng bằng xe cơ giới là có thể khẳng định có kẻ chủ mưu và tổ chức. Ông Phương nói: “Ngày mai các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc”.

MỚI - NÓNG