Hãy nhìn thẳng vào sự thật dù đau đớn

Hãy nhìn thẳng vào sự thật dù đau đớn
TP - Vụ tiêu cực ở PMU 18 đã phơi bày những sự thật phũ phàng. Bạn đọc của Tiền Phong tiếp tục bày tỏ sự phẫn nộ và quan điểm của mình xung quanh vụ tham nhũng nghiêm trọng này.
Hãy nhìn thẳng vào sự thật dù đau đớn ảnh 1
đông đảo người dân chứng kiến cảnh bắt Nguyễn Việt Tiến

Trong hoàn cảnh và tình hình hiện nay, nếu chúng ta dám nhìn thẳng vào những sự thật, dù là sự thật đau đớn nhất thì mới có thể tiến lên được.

Nhân dân và thế hệ trẻ có quyền đòi hỏi và đặt ra với chúng ta câu hỏi lớn: Công tác tổ chức cán bộ và xây dựng Đảng là cả một hệ thống điều hành to lớn, chặt chẽ từ trung ương tới cơ sở, tại sao lại để xảy ra vụ việc nghiêm trọng kéo dài nhiều năm như vậy ở một Bộ lớn, một ban quản lý dự án lớn ngay giữa Hà Nội?

Liệu trong hệ thống tổ chức Đảng, Nhà nước, các Tổng Cty lớn còn bao nhiêu vụ tương tự như vậy chưa bị phát hiện và thanh lọc? Đội cận vệ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng, giao phó, nhiệm vụ bảo vệ an ninh kinh tế có đủ sức mạnh để đứng vững trước bao sự cám dỗ của đồng tiền, của gái đẹp, của biệt thự, xe hơi, nhà vườn… trong cơ chế thị trường thời mở cửa và hội nhập?

Qua diễn biến của Vụ án PMU 18, sự cần thiết cấp bách phải nhận thức lại ở mức cao hơn cuộc chiến chống tham nhũng hối lộ hiện nay (không thể gọi là đấu tranh nữa rồi). Đúng là “giặc nội xâm”. Đây là một cuộc chiến đấu thực sự trong nội bộ đội ngũ chúng ta, một cuộc chiến không có bom rơi đạn nổ, kẻ thù giấu mặt đầy nguy hiểm.

Những kẻ tham nhũng hối lộ khi chưa bị vạch mặt, chỉ tên đều là đồng chí, bè bạn, đồng nghiệp, đồng hương trong đội ngũ chúng ta. Trong xã hội và công tác, họ là những kẻ có chức, có quyền, có tiền để “mua” bất cứ ai khi cần chạy chức, chạy quyền, chạy án… Có những người còn dám mang đến “biếu” Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phong bì 5.000, 10.000 đô la! (và bị ông cảnh cáo).

Tham nhũng và hối lộ thời kinh tế thị trường không còn như thời bao cấp mà “phát triển” ở cấp độ cao, có tổ chức chặt chẽ, biết tạo vỏ bọc trong sạch, biết lợi dụng triệt để những kẽ hở trong các cơ chế, chính sách của Nhà nước, các bộ, ban, ngành đã ban hành nhưng còn chưa đồng bộ đầy đủ để luồn lách thực hiện hành vi tham nhũng ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội như quản lý đất đai, đầu tư các dự án xây dựng, xuất nhập khẩu, cấp phát vốn, quyết toán công trình, xét duyệt đấu thầu và chỉ định thầu, cấp phép đầu tư…

Bằng “sức mạnh” của đồng tiền, mua chuộc bằng gái đẹp, xe hơi, nhà lầu biệt thự, đất đai… những kẻ tham nhũng nhiều khi có thể chi phối hoạt động của cả một bộ, một ngành, một Tổng Cty, một tổ chức Đảng, đoàn thể xã hội…

Những kẻ tham nhũng lắm của, nhiều tiền đã như rắn độc biết đánh hơi luồn sâu đúng chỗ mong manh nhất của đội ngũ công chức và quan chức Nhà nước để “cắn” một cách “êm dịu ngọt ngào”, khi biết ra thì cơ thể đã ngấm nọc độc mất rồi!

Những thực trạng trên đòi hỏi và đặt ra cho Đảng và Nhà nước ta trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” tham nhũng và hối lộ phải có hệ điều hành với những cơ chế và biện pháp quyết liệt, đồng bộ, khả thi có sức đề kháng cao mới mong phát hiện sớm, đẩy lùi, tiến tới triệt phá tận gốc tệ nạn tham nhũng hối lộ, làm lành mạnh hệ thống tổ chức chính trị xã hội, đảm bảo cho sự nghiệp đổi mới của đất nước đi tới thắng lợi.

MỚI - NÓNG