Hãy xem lại tư cách đại biểu nhân dân

Hãy xem lại tư cách đại biểu nhân dân
TP - Trao đổi với Tiền Phong, nhiều nhân sĩ, trí thức tỏ ra bức xúc và đề nghị xem xét lại tư cách ĐBQH của bà Đỗ Thị Thu Hằng – Tổng GĐ TCty Sonadezi Long Thành, tư cách ĐBHĐND của ông Thái Tuấn Chí – Tổng GĐ Cty CP tập đoàn Thái Tuấn.

> Đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và phương thức hoạt động
> Mong nhìn thấy hành động hơn lời hứa

Nguyên Phó Chủ nhiệm UBKHCN&MT của QH Nguyễn Đăng Vang: Dù là ai cũng phải xử theo luật

Dù họ là ai cũng phải thực hiện đúng theo qui định của luật pháp, dù chủ DN đó là ĐBQH, là DN trong hay ngoài nước nếu vi phạm đều phải được xử lý nghiêm minh. Nước ta hiện có tới 10 nghìn DN nước ngoài, trên 600 nghìn DN trong nước. Số DN có khai báo đóng thuế là gần 300 nghìn. Nhưng DN nào cũng phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Khi lập dự án đầu tư, lập Cty các DN đều có Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đây là điều kiện luật định để cho anh được lập Cty, thực hiện các dự án đầu tư. Anh đã báo cáo và viết ra cam kết như thế rồi thì phải thực hiện đúng. Nếu chưa thực hiện hay làm sai là vi phạm qui định pháp luật, phải bị xử lý bất kể đó là Cty nào.

Nhà báo Hữu Thọ: Thiếu sức răn đe

Những vụ việc như thế này tôi nghĩ chúng ta phải xử lý hết sức nghiêm túc vì đây không chỉ là vấn đề môi trường sống đơn thuần mà còn liên quan chuyện ổn định chính trị - xã hội. Nhà nước phải hết sức để ý vì cuối cùng người nông dân, người nghèo là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và chịu hậu quả nặng nề nhất.

Ngoài ra, lãnh đạo các doanh nghiệp vi phạm gần đây còn là Đại biểu Quốc hội, chính họ càng phải ý thức tôn trọng sự tín nhiệm của cử tri đối với mình trong việc tôn trọng luật pháp, tôn trọng đời sống của nhân dân chứ không phải lấy vị trí đó của mình để át đi những việc làm sai của chính doanh nghiệp mình đến đời sống cộng đồng.

Luật pháp chúng ta đã có, các cơ quan nhà nước phải xử nghiêm theo pháp luật. Tuy nhiên cũng có một thực tế là các chế tài của chúng ta hiện nay dường như vẫn chưa đủ sức răn đe. Tức là các doanh nghiệp vi phạm pháp luật họ nghĩ rằng thà khi bị phát hiện họ chịu nộp phạt còn hơn là bỏ tiền ra đầu tư công nghệ đáp ứng yêu cầu để thực hiện đúng pháp luật.

GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam): Hãy xem lại tư cách ĐBQH của mình!

Doanh nghiệp phạm luật như thế mà bà Đỗ Thị Thu Hằng, lãnh đạo doanh nghiệp trả lời trên báo chí vẫn khăng khăng chối lỗi thì tôi cho là vô trách nhiệm! Bình thường đã vô trách nhiệm rồi, nhưng khi là ĐBQH mà nói như thế lại càng chứng tỏ mình vô trách nhiệm.

Tôi nghĩ đáng ra trước đó phải thẩm tra xem người này có thiếu sót gì không, cả một công ty làm ăn như vậy thì có xứng đáng làm ĐBQH không? Tôi nghĩ người đó cần xem lại tư cách ĐBQH của mình!

Có những luật ban hành rồi mà thực hiện không nghiêm, mức độ chưa đủ sức răn đe. Ví dụ như phá rừng hiện nay là không đủ răn đe, hình phạt rất nhẹ nhàng. Chúng ta thường nói nhiều mà không thấy trách nhiệm của ai cả. Dần dần những chuyện bất thường trở thành những chuyện bình thường thì cực kỳ nguy hiểm.

Nếu như thực hiện dân chủ rộng rãi, dân phát hiện ra thì chắc không dẫn đến tình trạng đó. Chuyện này ở Việt Nam hiện giờ tôi thấy khá nhiều chứ không ít đâu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG