HĐND phường ở Hà Nội hiệu quả thấp do không được trao quyền?

ĐBQH Đinh Văn Nhã. Ảnh: Như Ý
ĐBQH Đinh Văn Nhã. Ảnh: Như Ý
TPO - Thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội, Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) kiến nghị, cần đánh giá vì sao HĐND các phường ở đô thị không phát huy được hiệu quả, có phải do trao quyền nhưng không bảo đảm các điều kiện cho thực hiện, như việc có đại biểu nói “trao súng mà không có đạn”

Chiều 14/11, QH thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, cơ sở pháp lý mà Tờ trình của Chính phủ đề cập chưa vững chắc. Ông Vân nêu, Điều 110 của Hiến pháp quy định phường là một đơn vị hành chính. Điều 111 Hiến pháp quy định chính quyền ở địa phương gồm HĐND và UBND.

“Như vậy, nếu theo Tờ trình của Chính phủ thì ở phường không có HĐND chỉ có nửa chính quyền thôi. Mà một nửa chính quyền thì không gọi là chính quyền được nữa”, ông Vân nói.

Ông Vân cho rằng, QH cần hết sức thận trọng khi xem xét Nghị quyết này, vì “đụng đến 3 điều của Hiến pháp, không thể khác Hiến pháp được”. Ông Vân kiến nghị, cần đánh giá vì sao HĐND các phường ở đô thị không phát huy được hiệu quả, có phải do trao quyền nhưng không bảo đảm các điều kiện cho thực hiện, như việc có đại biểu nói “trao súng mà không có đạn”.

“Phải chăng cơ cấu đại biểu còn nặng về hình thức, đại biểu chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra, chưa thực hiện trọng trách mà nhân dân giao phó”, ông Vân nói.

Cùng quan điểm, ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho rằng, cần phải xem lại tên gọi UBND phường trong đề án và dự thảo nghị quyết. Vì khi không tổ chức chính quyền địa phương ở cấp phường đồng nghĩa không có HĐND và không có UBND.

“Vì Điều 114 của Hiến pháp quy định, UBND cấp chính quyền địa phương do HĐND bầu ra. Nơi nào, địa phương nào, cấp chính quyền ở đâu, ở đơn vị hành chính nào có UBND thì UBND phải do HĐND bầu ra. Chúng ta làm khác đi là không đúng với Hiến pháp”, ông Thân nói.

Ông Thân cũng cho rằng, nếu đổi tên UBND phường thì sẽ gặp nhiều chuyện phức tạp về con dấu, chi phí..., nhưng nếu sử dụng UBND phường như cũ thì lại hoạt động theo cơ chế tập thể, cũng không phù hợp.

ĐB Đinh Văn Nhã (Phú Yên) đặt câu hỏi, mô hình chính quyền Hà Nội đổi mới theo hướng nào? Có đúng theo định hướng mà Đảng chỉ đạo trong phân cấp quản lý hành chính không?. Theo ông Nhã, hướng đổi mới hiện nay là xóa bỏ cấp trung gian, tập trung đầu tư mạnh cho cấp cơ sở. Thế giới cũng đổi mới phân cấp quản lý hành chính như vậy.

“Nếu mô hình của Hà Nội được QH thông qua thì có lẽ cũng là thành phố duy nhất trên thế giới cải cách hành chính theo hướng tăng cường cấp trung gian và bỏ chính quyền cơ sở. Tôi không thấy nước nào trên thế giới có mô hình như vậy cả”, ông Nhã nói.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, các lý do đưa vào báo cáo, đề án để không tổ chức HĐND cấp phường ở Hà Nội là không thuyết phục.

Ông Nhưỡng cũng cho rằng, lấy lý do đô thị phát triển càng nhanh, văn minh nên bỏ HĐND cấp dưới là giải thích ngược.

“Như vậy có nghĩa là càng văn mình thì chúng ta bỏ sự tham gia của người dân đi. HĐND chỉ cần có ở vùng xa xôi, miền núi, nông thôi thôi à. Ở Hà Nội, dân số của một phường càng ngày càng đông, hoạt động càng nhiều, kinh tế càng mạnh thì càng cần con mắt giám sát của người dân. Chúng ta không thể bỏ con mắt giám sát của người dân được”, ông Nhưỡng nói.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) tán thành với các ý kiến cho rằng, nên bỏ cấp trung gian, còn cấp phường là cấp sát dân nhất.

“Chúng ta đã chứng kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền hình những gương mặt ngơ ngác của các vị lãnh đạo ở cơ sở, khi xảy ra vụ việc gì cứ coi như không biết, mới lạ ở đâu đâu, lảng tránh sự giám sát của của xã hội. Vấn đề căn bản nhất là chúng ta có trao quyền thực sự cho những đại biểu HĐND địa phương không hay cơ chế của chúng ta là hạn chế, biến họ thành phần phụ, biến họ thành những cái máy giơ tay”, ông Quốc nói.

Theo ông Quốc, chúng ta nói rất nhiều đến chính quyền đô thị và mong muốn áp đặt nó vào, chính là vấn đề tăng cường thêm những cơ chế dân chủ chứ không phải chúng ta giảm bớt đi. “Vì thế tôi cho rằng chúng ta nên đặt ngược lại. Nếu chúng ta có bỏ thì bỏ những cấp trung gian không cần thiết, còn tăng cường thực sự cho bộ máy ở cơ sở”, ông Quốc nói.

MỚI - NÓNG