Hết cảnh hồ bị 'xẻ thịt'?

Hết cảnh hồ bị 'xẻ thịt'?
TP - Sở Xây dựng Hà Nội vừa trình UBNDTP Hà Nội đề án cải tạo hàng loạt hồ tại nội thành Hà Nội theo phương thức kêu gọi xã hội hóa đầu tư.

Tuy nhiên, với cách chọn những hồ dễ để làm trước, nhiều người lo ngại hồ Hà Nội đang và sẽ tiếp tục bị bức tử.

Hết cảnh hồ bị 'xẻ thịt'? ảnh 1
Hồ Văn Chương (Hà Nội), ảnh chụp chiều 27-1-2010 - Ảnh: Phạm Yên

Lấn chiếm và ô nhiễm

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đỗ Xuân Anh cho biết, toàn thành phố có hàng trăm hồ lớn nhỏ, hầu hết các hồ này bị ô nhiễm bởi nước thải, rác, vật liệu xây dựng.

Ngoài ra, do quản lý không tốt, hồ liên tục bị người dân đến lấn chiếm, điển hình như Đầm Hồng, hồ Rẻ Quạt (Thanh Xuân), hồ Ba Mẫu (Hai Bà Trưng), Linh Quang, Tai Trâu, Tứ Liên, Đầm Trị (Tây Hồ)…

Qua khảo sát, các hồ nội thành đều có mức ô nhiễm nước mặt, các công trình thi nhau mọc lên lấn chiếm hồ gây mất mỹ quan đô thị.

“Muốn biết hồ hiện nay bị xâm lấn, còn hay mất ra sao, cứ hỏi Cty Thoát nước Hà Nội là rõ” - Ông Phạm Sỹ Liêm,  Phó chủ tịch Tổng Hội Xây dựng bức xúc.

Bên cạnh đó, không ít hồ khác do bị cho thuê, mượn sử dụng sai mục đích, không được đầu tư cải tạo cũng bị ô nhiễm và không phát huy được chức năng điều hòa của các hồ này.

Chỉ tính riêng các quận nội thành, Hà Nội vẫn còn 65 hồ ao chưa được cải tạo, không ít hồ trong tình trạng bị bức tử.

Kết quả quan trắc của Cty Thoát nước Hà Nội cho thấy, các hồ chưa được cải tạo tách nước thải đang ô nhiễm ở mức cao nhất (mức 4). Cụ thể, hàm lượng chất COD là lượng ôxy cần thiết cho quá trình ôxy hóa các chất hữu cơ trong nước ở mức cao 100 - 150mg/lít, các chỉ tiêu nitơ, phốt pho đều vượt ngưỡng cho phép 2 - 3 lần, nhưng nồng độ ôxy hòa tan trong nước thấp. Nhiều hồ là những ổ dịch bệnh.

Không nên thương mại hóa

Theo đề án Sở Xây dựng Hà Nội trình Thành phố, mới có  44 hồ nội thành và 1 hồ ở thị xã Sơn Tây được lên danh sách cải tạo đồng bộ và sẽ theo ba giai đoạn từ nay đến năm 2015. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 1.447 tỷ đồng. Các hồ còn lại, hầu như chưa biết số phận sẽ ra sao.

Lãnh đạo thành phố cho biết cải tạo hồ cần một ngân sách lớn, nhưng do Thành phố không thể lo đủ kinh phí, phương thức đầu tư được lựa chọn là xã hội hóa.

Trước mắt Thành phố sẽ chọn 23 hồ để thực hiện đầu tư cải tạo đồng bộ, góp phần giải quyết tình trạng úng ngập cục bộ, cải thiện môi trường, cảnh quan đô thị.

“Trong năm 2010, sẽ có 12 hồ được làm trước như hồ Tam Trinh, Mễ Trì 1 và 2, hồ cá Bác Hồ Vĩnh Tuy, hồ Thạch Bàn, hồ Trung Văn…Đây là những hồ ô nhiễm môi trường nhất, nằm trong khu vực đô thị, đông dân cư, dễ giải phóng mặt bằng”- Ông Đỗ Xuân Anh cho biết.

Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm cho rằng, việc cải tạo hồ phải vì lợi ích chung của cộng đồng trước hết. Vì cộng đồng thì phải có khảo sát, quy hoạch đồ án cụ thể.

“Thành phố cần phải làm quy hoạch rất kỹ lưỡng. Đồng thời phải công khai minh bạch dự án, không để xảy ra tình trạng đầu voi đuôi chuột, chỉ vì lợi ích cục bộ - Ông Liêm nói.

MỚI - NÓNG